Vượt khó để chuyển mình
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, thời gian qua, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã chủ động thay đổi để bắt kịp với xu thế chung. Đài đã thực hiện việc truyền dẫn, phát sóng tín hiệu phát thanh, truyền hình trên nền tảng số (bao gồm hạ tầng số vệ tinh vinasat, hạ tầng số mặt đất trên hệ thống VTV và VTC); đăng tải và phát trực tiếp các video clip, bản tin, chương trình thời sự phát thanh, truyền hình qua trang Fanpage và Youtube trên hạ tầng Internet. Đồng thời, Đài đã tăng số lượng bản tin thời sự truyền hình, phát thanh hàng ngày để kịp thời cập nhật, truyền tải liên tục thông tin tới công chúng. Hiện nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có 3 bản tin và chương trình thời sự truyền hình trực tiếp/ngày, 3 bản tin thời sự phát thanh trực tiếp/ngày, thành lập tổ nội dung số để cập nhật tin, phóng sự, chương trình văn hóa - văn nghệ lên các nền tảng số. Đây cũng là tiền đề để Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động báo chí, từng bước hoàn thiện lộ trình số hóa theo lộ trình đề ra.
Đài đã thành lập Tổ phát triển nội dung số để cập nhật các video ngắn, tin, bài thời sự, chương trình văn hóa - văn nghệ… lên các nền tảng số. Trung bình mỗi tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất trên 200 video ngắn để cập nhật lên Fanpage, Youtube. Nhà báo Đỗ Thị Thu Thường, Phó trưởng phòng chuyên đề, Tổ trưởng Tổ phát triển nội dung số cho biết, Tổ có 10 phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên và phát thanh viên đều là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Nhiệm vụ của Tổ là tổ chức sản xuất và cập nhật những video mang tính thời sự, được công chúng quan tâm nhất lên các nền tảng số như Fanpage, Youtube của Đài. Các thành viên của tổ luôn nỗ lực hết mình để mỗi ngày, công chúng được tiếp nhận dòng chảy thông tin liên tục, mới nhất. Phát huy và tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tăng sự tương tác với công chúng, hiện nay, Fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã có trên 8 nghìn người thích, trên 13 nghìn người theo dõi.
Nhận thức rõ vai trò của hạ tầng công nghệ trong môi trường số, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ từng bước hiện đại, đồng bộ. Hiện tại, Đài đã thực hiện truyền dẫn và phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình đa dạng trên nhiều hạ tầng gồm: Số vệ tinh Vinasat, số mặt đất toàn quốc VTC, trực tuyến trên Trang thông tin điện tử tổng hợp tuyenquangtv.vn; Truyền hình cáp Hà Nội, dịch vụ mạng viễn thông MyTv, NextTv, FPT, mạng xã hội…
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tác nghiệp ngoài hiện trường. Ảnh: Quốc Việt
Đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài đã nhạy bén, tích cực tìm tòi, học hỏi để thích ứng với môi trường số. Nhà báo, Biên tập viên Lương Thị Trà Mi, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chia sẻ, làm báo bây giờ nếu không đa năng không thể có những tác phẩm lôi cuốn được công chúng. Nhà báo cần phải thành thạo nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng các phần mềm, công nghệ để hỗ trợ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện một tác phẩm báo chí. Nhận thức được điều đó nên nhiều phóng viên của đài hiện nay vừa có thể quay phim, vừa dựng hình, làm đạo diễn, biên tập viên vừa là người thể hiện tác phẩm của chính mình.
Là cơ quan có bề dày gần 60 năm làm báo in truyền thống, Báo Tuyên Quang đã và đang chuyển mình thành cơ quan báo chí đa phương tiện, tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số, kỹ xảo, đồ họa để tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, giúp cho việc triển khai nghị quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, sinh động, hấp dẫn. Từ năm 2021 đến nay, Báo Tuyên Quang đã thực hiện hàng trăm chương trình truyền hình trực tiếp (livestream) và chương trình cập nhật trực tiếp các hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thường kỳ và chuyên đề của HĐND tỉnh, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Qua đó, nhân dân được theo dõi, trực tiếp tương tác, bày tỏ ý kiến, like, chia sẻ trên trang Fanpage Báo Tuyên Quang Online. Báo Tuyên Quang Online đã tăng cường các thể loại báo chí đa phương tiện, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin một cách trực quan, sinh động. Báo Tuyên Quang Online đã hoàn thành giao diện theo hướng thân thiện với bạn đọc, xây dựng trang “Truyền hình” độc lập; thiết kế định dạng, ra mắt, tổ chức sản xuất và duy trì chuyên mục phát thanh “Lắng nghe cuộc sống” áp dụng công nghệ AI vào đọc tự động tin thời sự trên Báo Tuyên Quang Online. Năm 2022, Báo Tuyên Quang đã trích kinh phí mua phần mềm thiết kế Shorthand của Báo Nhân Dân để sản xuất các tác phẩm E-magazine. Từ năm 2020 đến nay, Báo Tuyên Quang điện tử đã đăng tải gần 800 phóng sự truyền hình, video quảng bá về các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Báo đã phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị để triển khai việc tải, truy cập Báo Tuyên Quang Online trên app di động một cách tự động đối với cán bộ, đảng viên. Báo tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, nhất là trang Fanpage Báo Tuyên Quang Online để tạo điều kiện cho nhân dân được tương tác, tiếp cận với thông tin nhanh và kịp thời hơn. Trang Fanpage của Báo Tuyên Quang Online ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc và nhân dân tương tác. Hiện nay, trang Fanpage của Báo Tuyên Quang đã có trên 38.000 lượt người theo dõi và hơn 16.000 lượt người thích.
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với nhóm tác giả Báo Tuyên Quang đoạt giải B - giải Búa liềm vàng năm 2021.
Từ việc ứng dụng công nghệ số để đổi mới nội dung, hình thức thông tin theo hướng đa phương tiện, đến nay, lượng người truy cập vào Báo Tuyên Quang điện tử tăng kỷ lục. Trước đây chỉ khoảng 60 nghìn lượt truy cập/tháng thì nay, bình quân gần 500 nghìn lượt người truy cập/tháng.
Tư duy thích ứng với công nghệ
Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí cho phép tự động hóa quy trình tác nghiệp, hình thành quy trình mới trong sáng tạo sản phẩm báo chí mới để đáp ứng nhu cầu của công chúng, kéo công chúng gần hơn với báo chí. Đồng thời tạo ra sự tương tác hai chiều, trực tiếp giữa cơ quan báo chí và công chúng. Chuyển đổi số trong báo chí còn giảm chi phí, rút ngắn, đẩy nhanh các công đoạn, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu thông tin của công chúng. Những lợi ích của chuyển đổi số đối với báo chí là rất lớn song gặp phải không ít thách thức và khó khăn. Những khó khăn đó cần sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu mỗi cơ quan báo chí và sự chuyển mình của đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên. Tuy nhiên, để tạo ra những bứt phá trong chuyển đổi số, yếu tố trước tiên đó là sự quyết liệt của người đứng đầu, sự thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo cơ quan báo chí đến đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên.
Lãnh đạo Tạp chí Tân Trào trao đổi nghiệp vụ với cán bộ phòng chuyên môn và cộng tác viên. Ảnh: Tạ Bá Hương
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số trong báo chí gặp nhiều thách thức. Ngoài thách thức về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, thách thức thứ 2 là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số không phải là câu chuyện về công nghệ mà chính là về con người. Nguồn nhân lực phải có khả năng thích nghi để tạo ra những kỹ năng mới và nâng cao kỹ năng, phù hợp với sự thay đổi của công nghệ. Nói cách khác, nguồn nhân lực trong mỗi cơ quan báo chí phải thay đổi về nhận thức, tư duy, thích ứng với sự thay đổi về quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã quan tâm đầu tư tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng làm báo đa phương tiện, sử dụng các phần mềm trong sáng tạo các tác phẩm phát thanh, truyền hình, báo điện tử… Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí. Nhiều phóng viên, biên tập viên hiện nay rất đa năng, vừa có thể viết, thể hiện tác phẩm báo chí, vừa là biên tập viên, đạo diễn hình, vừa có thể thiết kế đồ họa, các tác phẩm báo chí đa phương tiện… Tuy nhiên, cũng còn không ít phóng viên chưa thực sự đổi mới về tư duy, chưa bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với yêu cầu tác nghiệp trong môi trường số.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu chung là phát triển báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, phát triển sản phẩm báo chí số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Thực hiện mục tiêu này, các cơ quan báo chí của tỉnh đã có những dự tính lâu dài với bước đi chắc chắn. Báo Tuyên Quang tiếp tục phát huy và mở rộng sang các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, Tiktok để tiếp cận với nhiều đối tượng công chúng hơn; song song với hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục nâng cấp hệ thống sản xuất, truyền dẫn và phát sóng, nâng cao năng lực sản xuất, hệ thống lưu trữ, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý tin, bài, điều hành tác nghiệp một cách chuyên nghiệp…
Từ những kết quả bước đầu có thể khẳng định, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã thực sự nỗ lực vượt khó, chuyển mình thích ứng và có nhiều bứt phá, bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số. Đây chính là con đường để báo chí cách mạng làm tốt vai trò định hướng thông tin và dư luận xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận, lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi năng lượng tích cực trong xã hội.
Ông Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với các cơ quan, đơn vị, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt với cơ quan báo chí. Thời gian qua, Báo Tuyên Quang, Đài PT - TH tỉnh đã và đang bắt nhịp rất nhanh với xu hướng này. Các cơ quan báo chí đã và đang từng bước thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách làm, ứng dụng công nghệ và thực hiện các giải pháp mới để sản xuất ra các sản phẩm báo chí mới trên nền tảng công nghệ số thực sự ấn tượng, cuốn hút. Và cũng trên nền tảng công nghệ số ở bất kỳ đâu, thời gian nào độc giả dễ dàng tiếp cận được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất. Điều này tạo ra sự tương tác rất lớn đưa các tác phẩm báo chí đến gần hơn với bạn đọc. Tôi tin tưởng và hy vọng các cơ quan báo chí phát huy tính tích cực, chủ động ứng dụng đồng bộ, hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động trở thành những đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc chuyển đổi số. Ông Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang Thời gian qua, báo chí địa phương đã có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, tiên phong trong chuyển đổi số. Đó là việc tập trung xây dựng, phát triển báo điện tử, tòa soạn hội tụ với đầy đủ loại hình như báo in, truyền hình, phát thanh trên các nền tảng số. Các phóng viên báo địa phương hiện nay không đơn thuần chỉ biết viết, chụp ảnh mà họ còn được đào tạo để trở thành những phóng viên đa năng, sử dụng thành thạo các kỹ năng khác nhau. Trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, các cơ quan báo chí địa phương đã thực hiện livestream trực tiếp trên Fanpage, thu hút được đông đảo độc giả theo dõi, tương tác trực tiếp. Đội ngũ nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí trong tỉnh ngày càng được trẻ hóa, năng động. Đây là thuận lợi để các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số. Chị Nguyễn Thị Nga, tổ 13, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) Tôi thường xuyên theo dõi Báo Tuyên Quang và thấy được sự thay đổi mạnh mẽ của báo trong cuộc đua chuyển đổi số. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, hệ thống thông tin đã được triển khai đa dạng dưới nhiều loại hình như báo điện tử, truyền hình, phát thanh. Việc sử dụng trang mạng xã hội với Fanpage Báo Tuyên Quang Online cùng các buổi tường thuật trực tiếp, các nội dung báo in qua từng số... đã giúp truyền tải thông tin mạnh mẽ tới nhiều nhóm đối tượng công chúng. Qua đó giúp Báo Tuyên Quang trở nên gần gũi, thân thuộc với độc giả hơn. Nhà báo Ma Ngọc Hưng, Báo Tuyên Quang Để bắt nhịp với xu thế chung của báo chí hiện đại, mỗi nhà báo buộc phải chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại trong tác nghiệp. Trong quá trình đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vừa là thách thức, vừa là cơ hội để mỗi nhà báo trong việc tiếp cận khai thác thông tin, hình ảnh thuận lợi, hiệu quả nhất. Nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là để đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi thị hiếu tiếp nhận thông tin của công chúng. Mỗi người làm báo phải liên tục cố gắng, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào tác nghiệp và sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhà báo vừa có trách nhiệm tuyên truyền chuyển đổi số vừa phải tự mình phải học hỏi, nâng cao năng lực, khả năng trong chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng chuyển đổi số nói chung cũng như chất lượng các tác phẩm báo chí nói riêng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của công chúng. |
Gửi phản hồi
In bài viết