Bình an và hạnh phúc

- “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Câu châm ngôn như một lời khẳng định, vai trò quan trọng của gia đình trong bất kỳ thời đại nào. Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại, hệ giá trị của gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định. Để gia đình thực sự là tổ ấm, là bình an, là pháo đài chống lại và đẩy lùi tệ nạn xã hội... thì mục tiêu xây dựng “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc” đang được cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện.

Báo động “những lời ru chia đôi”

Từ xa xưa, ca dao, tục ngữ Việt Nam đã có nhiều câu ca nói về vai trò của gia đình và khuyên nhủ mọi người chăm lo đến tổ ấm gia đình như: Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, Anh em như thể tay chân, Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon, Một giọt máu đào hơn ao nước lã...

Xuất phát từ giá trị truyền thống tốt đẹp đó, bao đời nay, gia đình Việt vẫn được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt bằng những chuẩn mực giá trị tốt đẹp... Cũng vì lẽ đó mà với nhiều người Việt Nam, gia đình luôn là tổ ấm, là bến đỗ bình yên cho mỗi thành viên, là nơi ngọn lửa yêu thương lan tỏa và ngự trị, sưởi ấm mỗi người.

Gia đình chị Quan Thị Dung, Giảng viên trường Đại học Tân Trào tham dự cuộc thi ảnh
Gia đình yêu thương và chia sẻ do LĐLĐ tỉnh phát động.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại cũng làm cho cấu trúc gia đình có sự vận động, thay đổi. Gia đình đương đại xuất hiện nhiều vấn đề mới. Mô hình gia đình truyền thống ngũ đại đồng đường, tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường... ngày càng ít đi. Thay vào đó là gia đình hạt nhân, thậm chí là gia đình đơn thân xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo Tòa án tỉnh, trong 3 năm, từ năm 2020 đến giữa tháng 6-2022, số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng ngày càng gia tăng, với tổng số 4.802 vụ việc. Số vụ ly hôn chiếm đến 57% tổng số vụ việc mà tòa án thụ lý. Trong số này, Sơn Dương chiếm số vụ ly hôn lớn nhất 1.125 vụ, Yên Sơn 899 vụ, thành phố Tuyên Quang 897 vụ, Chiêm Hóa 824 vụ, Hàm Yên 736 vụ, Na Hang 217 vụ và Lâm Bình 104 vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số vụ ly hôn gia tăng, theo tổng hợp của Tòa án tỉnh, tập trung vào những nguyên nhân chính sau: do nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi còn quá trẻ, dẫn đến mâu thuẫn trong lối sống; do điều kiện kinh tế gia đình; do ngoại tình; bạo lực gia đình và cờ bạc... Điều đáng buồn là số vụ ly hôn chủ yếu tập trung ở những cặp vợ chồng trẻ, cặp vợ chồng mới cưới mà nhiều người gọi là  xu hướng “ly hôn xanh”, khi độ tuổi ly hôn đang dần tập trung vào độ tuổi 20 đến 35.

Kết nối để lưu giữ những giá trị tốt đẹp

Mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, gia đình ông Bàn Công Hiến, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) rộn rã tiếng nói cười. 4 thế hệ cùng tề tựu, chia sẻ những câu chuyện buồn vui, kèm trong đó là những lời dạy, bài học tinh tế mà ý nghĩa.

Ông Hiến cho biết, đối với người Dao Tiền, gia đình có vai trò vô cùng thiêng liêng. Thời chiến tranh, thời bao cấp, những người vợ, người mẹ sẵn sàng lui về hậu phương, chăm lo con cái, bố mẹ để người chồng yên tâm chiến đấu, cống hiến cho quê hương, đất nước. Thời bình, họ sẵn sàng cùng chồng lao động sản xuất, kiến thiết cuộc sống, đóng góp vào kinh tế gia đình. Thế nên, trong bất cứ thời đại nào, câu chuyện về đức hy sinh lớn lao của những người vợ, người mẹ cũng được người Dao Tiền nhắn nhủ đến thế hệ con cháu... Hiện giờ, dù các thế hệ không còn cùng chung sống trong một gia đình, nhưng ông bà, bố mẹ, con cháu vẫn kết nối hàng ngày nhờ các điện thoại thông minh. Những bài học, những lời khuyên... vẫn được chia sẻ, gửi gắm. Ông Hiến cho biết, bí quyết của gia đình ông chính là người lớn gương mẫu, sống có tình có lý để người trẻ học tập, làm theo. Có lẽ nhờ thế, mà 4 thế hệ con cháu của ông Bàn Công Hiến đầm ấm, chia ngọt sẻ bùi đến bây giờ.

Không chỉ biến đổi về cấu trúc, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng dần lỏng lẻo. Trước sự tác động của công nghệ thông tin, giao tiếp trực tiếp của các thành viên trong gia đình có chiều hướng giảm.

Gia đình đồng chí Hoàng Trúc Phương, giáo viên trường THCS Kỳ Lâm (Sơn Dương)
​ quây quần bên nhau tìm hiểu kiến thức từ sách báo.

Hình ảnh mỗi thành viên trong gia đình cùng sinh hoạt trong một không gian chung, nhưng mỗi thành viên người cắm cúi xem điện thoại thông minh, người chăm chú xem ti vi... có lẽ không phải là hình ảnh khó bắt gặp trong nhiều gia đình hiện đại.

Từ khi cậu con trai cả vào lớp 1, gia đình chị Trần Thảo Nguyên, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) quy định, khi về nhà, điện thoại của các thành viên trong gia đình được đặt chung ở một vị trí và chỉ sử dụng khi có việc thực sự cần thiết. Thời gian còn lại, anh chị đưa con đi bơi, đá bóng, cùng con đọc sách và nói chuyện, chia sẻ về một ngày làm việc, đi học của các thành viên trong gia đình. Vì sinh con một bề (2 con trai), nên việc nhà được gia đình chị Nguyên chia đều cho tất cả các thành viên. Người cắm cơm, người nhặt rau, rửa bát, người quét dọn nhà cửa... Chị Nguyên cho biết, cách làm này đã giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn. Những mâu thuẫn, khúc mắc cũng giảm bớt nhờ được quan tâm, được nói ra kịp thời.

Có thể thấy, ngoài sức mạnh nền tảng của truyền thống văn hóa trong các gia đình nhiều thế hệ, thì sự kết nối, chia sẻ của các thành viên trong gia đình cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Để gia đình bình an - hạnh phúc

Nhận thức được gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác gia đình.

Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TU về Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó nhấn mạnh phải tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bởi vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Như phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phong trào 5 không 3 sạch...; thành lập và duy trì các Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc...

Gia đình cô giáo Quan Thị Yêu, trường Tiểu học Phúc Sơn (Lâm Bình) trải nghiệm giã gạo của đồng bào dân tộc Tày.

Chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, nhiều năm nay, cùng với các câu lạc bộ khác, Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc được thành lập tại các thôn 8, 12, 13, 33 trên địa bàn xã, thành viên là các cặp vợ chồng văn hóa tiêu biểu. Các thành viên câu lạc bộ với nhiều độ tuổi, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, khi tham gia sinh hoạt các thành viên có dịp chia sẻ, trao đổi bí quyết giữ hòa khí gia đình, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chung tay phòng, chống bạo lực gia đình… và giao lưu văn nghệ, tạo không khí đoàn kết, vui tươi. Theo chị Ngọc, các câu lạc bộ này không chỉ là nơi để các gia đình sinh hoạt chung, trang bị thêm những kiến thức bổ ích về giữ gìn hạnh phúc, nuôi dạy con cái, mà còn là địa chỉ để những cặp vợ chồng đang gặp buồn phiền, mâu thuẫn đến nhờ gỡ rối.

Năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh lần đầu tiên tổ chức cuộc thi  ảnh Gia đình yêu thương và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Theo bà Phạm Thị Mai Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh), cuộc thi chính là cách để phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm ảnh hưởng của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng, xã hội với việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Ngày 24-6-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị xác định, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Bàn về vai trò của gia đình trong thời kỳ hội nhập, chị Phúc Thị Xuyên, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, vì thế trong giai đoạn hội nhập và phát triển, mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình; nâng cao nhận thức giá trị, ý nghĩa của văn hóa ứng xử trong gia đình, từ đó giáo dục trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững.

Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương rà soát tỷ lệ gia đình văn hóa, các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, tăng cường triển khai các hoạt động về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Trong đó có việc tôn vinh các gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu, tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp mặt để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chung sống hòa thuận trong gia đình nhiều thế hệ.

Bên cạnh chính sách, mô hình của Nhà nước nhằm lan tỏa, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình, thì việc giáo dục về nếp sống, văn hóa ứng xử trong gia đình là vô cùng quan trọng.

Trưởng thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) Tráng Văn An tự hào, khi thôn có 43 hộ đồng bào dân tộc Nùng, thì 100% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Ông An cho biết, cũng như các dân tộc khác, gia đình với mỗi người Nùng luôn là khái niệm vô cùng thiêng liêng và đáng phải gìn giữ. Sau những thăng trầm, biến đổi, hệ giá trị gia đình của người Nùng cũng có nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đã lưu giữ nhiều đời nay, đó là những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.

Người Nùng ở Đèo Trám khi dựng vợ, gả chồng, dù gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, cũng rất ít nhà cho vợ chồng trẻ ra ở riêng. Cặp vợ chồng mới cưới sống chung với gia đình nhà chồng. Quá trình chung sống này không chỉ dạy cho con dâu mới cách quán xuyến gia đình, bài học về kính trên nhường dưới, mà từ chính quá trình sống chung này, cặp vợ chồng trẻ sẽ học được từ ông bà, bố mẹ mình cách cùng nhau giải quyết công việc, chia sẻ, hỗ trợ nhau mọi việc, cả lúc khỏe mạnh và ốm đau. Ông An tự hào, có lẽ nhờ thế, mà rất nhiều năm nay, ở Đèo Trám không có chuyện vợ chồng ly hôn, con cái lục đục... Người ở xa đến vẫn ngạc nhiên, khi dựng xe máy ở đường có cắm chìa khóa mà không lo bị mất.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay, chủ đề Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc được lựa chọn làm chủ đề cho ngày Gia đình Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, “... Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Và cho dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng riêng với việc xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc, từ xưa đến nay chỉ có một công thức chung. Đó là sự cộng hưởng của tin tưởng, yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ nhau và bình đẳng. Có như vậy, sự bình an, hạnh phúc đó mới thực sự bền lâu.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục