Mô hình gia đình Việt

- Ngày nay, mô hình gia đình “hạt nhân” gồm cha mẹ và con cái chiếm phần lớn trong xã hội. Thế nhưng, thực tế vẫn có nhiều gia đình tam, tứ đại đồng đường sống hạnh phúc, khẳng định những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

Gia đình tam, tứ đại đồng đường 

Hiện nay gia đình tam, tứ đại đồng đường, tức ba, bốn thế hệ cùng sống dưới một mái nhà vẫn luôn đầm ấm, hạnh phúc. Vợ chồng ông Trần Văn Lớn và bà Chu Thị Tẻo, xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) cùng là người dưới xuôi lên Tuyên Quang đi xây dựng vùng kinh tế mới. Xa quê ông bà thấm thía xa gia đình, dòng họ, cuộc sống nơi quê mới có nhiều thiệt thòi. Nên khi các con xây dựng gia đình, ông bà chia đất cho các con ở cạnh đó. Bốn người con của ông xây nhà ở xung quanh, cuộc sống quây quần, ấm cúng. Các con đi làm ông bà ở nhà trông nom các cháu chung.

Khi đi làm về, các con lại giúp ông bà đi chợ, cơm nước. Cuộc sống có già, trung niên, trẻ cứ thế đan xen nhau mà sống, vươn lên. Thế hệ này kế tiếp thế hệ kia như một “bụi tre” vững chãi giữa bão táp mưa sa. Việc các con ông Lớn, bà Tẻo sống chung một thổ đất lớn vẫn đảm bảo yếu tố “tự chủ”, song vẫn giao lưu, liên hệ mật thiết với ông bà. Ngày lễ Tết hay có miếng ngon, việc chia sẻ cho các thành viên đều dễ dàng. Tình cảm gia đình cứ thế mà gắn bó, khăng khít. Ông bà vẫn ở nhà riêng, sinh hoạt có thể độc lập, nhưng vẫn “trụ trì” một ngôi nhà to.

Vợ chồng bà Trần Thị Đắc, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) sống cùng nhà với cậu con trai út. Bà Đắc cho biết, ông bà cảm thấy hạnh phúc khi được ở cùng con, cháu. Hàng ngày nghe thấy tiếng nô đùa của trẻ, bà như trẻ ra vậy. Hơn nữa tuổi cao sức yếu, các con cháu thấy yên tâm khi được sống cùng ông bà, chăm lo được sức khỏe ông bà khi tuổi già. Ở đời hạnh phúc nhất là được sống cùng cả con, cả cháu, cả chắt. Đây thực sự là một đại gia đình lớn là tấm gương sống, sự điều hành khách quan, công tâm của ông bà có vai trò quyết định. 

Mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường vẫn được nhiều người lựa chọn.

Thực tế chỉ ra rằng, ông bà đến tuổi già khi ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình thì sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp họ phát triển, hoàn thiện, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi. Ở nước ta, từ bao đời nay, sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình đã trở thành thói quen, nếp sống truyền thống thể hiện tôn ti trật tự, có trên có dưới. Cũng vì thế, tình cảm giữa các thành viên bền chặt, mọi người có điều kiện quan tâm đến nhau hằng ngày. Lớp trẻ sống trong môi trường như vậy cũng được thừa hưởng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, để có thể duy trì nền nếp gia phong và hòa khí trong gia đình “tứ đại đồng đường” thì các bậc ông bà, cha mẹ phải luôn phân định phải trái thật công bằng, sống đoàn kết và cư xử đúng mực. Điều quan trọng là các thành viên cần phải biết tôn trọng nhau, kiềm chế cái tôi để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình. 

Có thể nói người già là một “kho tàng kinh nghiệm” sống. Người trẻ sống cùng người già cần hiểu tâm lý, tính cách. Theo quan điểm của nhiều người, nếu người trẻ biết cư xử trên dưới, coi trọng đạo hiếu, người già bớt khó tính thì mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường vẫn là mô hình gia đình ưu việt, bền chặt, vững chãi, hạnh phúc viên mãn nhất. Vì mọi thành viên trong gia đình đều được chăm nom, bổ trợ những điểm khuyết, kế thừa những điểm mạnh của nhau một cách hài hòa. Tạo nên một mái nhà gia đình truyền thống của người Việt vững chãi, đầy sinh lực, giàu bản sắc theo đúng quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Gia đình hạt nhân

Theo số liệu thống kê, hiện nay có 70% gia đình Việt Nam thuộc dạng gia đình hạt nhân hay còn gọi là gia đình hiện đại hai thế hệ chỉ có vợ chồng và con cái. Trước hết gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân, tránh những “va chạm” không đáng có, phức tạp của những gia đình nhiều thế hệ.

Anh Nguyễn Văn Thành, tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho rằng, những cặp vợ chồng trẻ thường tách ra ở riêng bởi nhiều lý do, như sự khác biệt về tuổi tác, lối sống, thói quen dẫn tới hiểu lầm, mâu thuẫn giữa ông bà các cháu, giữa mẹ chồng nàng dâu. Nhiều người đàn ông sẽ cảm thấy khó xử khi mâu thuẫn xảy ra bởi bênh vợ thì bị cho là bất hiếu, còn bênh bố mẹ thì bị cho là bất công bằng với vợ. Và nhiều cô con dâu luôn sợ một cuộc sống bị áp đặt, sợ soi mói khi ở với gia đình chồng nên xin ra ở riêng trong tình thế này vẫn là giải pháp ổn thỏa nhất.

Tuy nhiên gia đình hạt nhân cũng bộc lộ những hạn chế. Theo chị Trần Thị Dung, tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), do vừa mới được tạo lập, cha mẹ phải quần quật với những kế mưu sinh. Sau giờ hành chính, lao động, cha mẹ còn dành thời gian cho các mối quan hệ xã hội dẫn đến quỹ thời gian dành cho con không nhiều, đồng nghĩa với sự lơi lỏng trong chăm chút, nuôi dạy. Như vậy con cái còn nhỏ tuổi đã phải đi nhà trẻ từ sáng sớm, đến chiều tối mới được cha mẹ đón về, vừa kịp ăn, tắm rửa xong đã ngủ. Cuối tuần thi thoảng bố mẹ chở các con đi khu vui chơi giải trí, ăn kem, uống sinh tố... Ở nhà bọn trẻ không có việc gì lại chú tâm vào điện thoại, trò chơi điện tử. Trẻ dần xa rời ông bà, làng quê, vẻ hồn nhiên mất dần đi. Qua thực tiễn cho thấy, tỷ lệ các cặp vợ chồng ở gia đình hạt nhân ly hôn cao hơn ở mô hình gia đình truyền thống, con cái dễ sa ngã hơn là một thực tế.

Bởi vậy ít có mô hình gia đình nào là hoàn hảo. Cái hoàn hảo nhất vẫn là biết “kế thừa gia đình truyền thống, phát huy gia đình hạt nhân” sao cho hài hòa. Đề cao tự do cá nhân song phải biết đạo hiếu, tôn ti, trật tự, tình cảm, truyền thống của gia đình.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục