Ký ức sữa ngô
Tai họa đổ xuống gia đình nhỏ của chị khi chị lên 5 tuổi, đứa kế chị 3 tuổi, còn em út mới 5 tháng tuổi thì bố mẹ bị bạo bệnh bỏ anh em chị ra đi mãi mãi. Nhà có 8 anh chị em, anh trai cả lúc ấy 20 tuổi thay cha mẹ nuôi đàn em nhỏ.
Lúc đấy, có nhiều người đến nhà xin đứa em út về nuôi nhưng anh cả bảo, khổ đến mấy cũng phải nuôi em, không bố mẹ của trách. Mấy đứa ôm em nhỏ trong lòng, nước mắt cứ rịn ra. Bé Minh bé xíu như “con chuột” thở rất khó nhọc vì không được bú sữa mẹ, nhà lại chẳng có gì ngoài sắn. Anh cả đi xin ngô về xay nhỏ ra, vắt nước, nấu thành sữa cho em uống. Bé Minh còi cọc, suy dinh dưỡng, mắt lồi ra, chân tay bé tý tẹo, tập mãi mới đi vững từng bước. Từ khi bố mẹ không còn nữa, anh em Xuân không biết đến cơm trắng là gì, chỉ ăn sắn nhổ ở trên rừng về thôi. Cảnh đời đó, em phải nghỉ học để lên nương trồng sắn, lên rừng kiếm cái ăn.
Thương hoàn cảnh cô học trò nghèo khó nhưng sáng dạ, thầy cô giáo ở xã Trùng Khánh của huyện Na Hang khi đó đã bảo nhau đưa Xuân đến lớp. Xuân được học hết THCS, điều mà chị chưa bao giờ nghĩ đến. Chị bảo, ơn thầy cô lắm đấy, nếu không có cái chữ vào đầu thì không đuổi được cái nghèo đâu.
Năm 2005, anh em chị Xuân cùng người dân Pác Vãng, xã Trùng Khánh rời nơi “chôn rau cắt rốn” của mình về nơi ở mới bây giờ để nhường làng, nhường xã cho công trình thủy điện Tuyên Quang.
Chị Lý Thị Xuân (bên phải), Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tuyên truyền phát triển kinh tế cho phụ nữ trong thôn.
“Đức năng thắng số”
Anh em chị Xuân cùng 24 hộ dân tộc Dao Pác Vãng về Hùng Dũng định cư. Khi ấy, Xuân đã có gia đình mới, còn em út cũng ngấm sữa ngô lớn hơn, không còn còi cọc nữa. “Lúc cậu ấy lấy vợ, cả mấy anh chị em ôm nhau khóc, bởi, đó là sự phi thường. Chị cứ nghĩ bố mẹ đang lẩn khuất đâu đây, mỉm cười khi thấy các con đùm bọc nuôi nhau khôn lớn” - Chị Xuân tâm sự. Chị tìm đọc ở trong đạo Phật, răn dạy con người ta biết bao điều mà chị linh ứng vào bản thân, vào hoàn cảnh gia đình thì quả thật “đức năng thắng số”. Cái đức lớn nhất ở đời này là đức tu rèn, chân thành với nhau, sẽ vượt qua số phận, nhất là khi chị được đứng trong hàng ngũ của Đảng, chị càng thấy điều đó đúng thế nào. Nếu đảng viên không tu rèn, không chân tình thì dân không tin mình nữa. Chị nghĩ giản dị như thế mà luôn nêu gương trong từng việc.
Với chị, công tác Mặt trận là làm thế nào để các hộ đoàn kết cùng nhau thi đua xóa bỏ nghèo đói, xây dựng cuộc sống no ấm. Cái nghèo đói ám ảnh chị, chị không muốn con cái mình sau này phải khổ như mẹ nữa, thế là khối óc phải nghĩ, đôi tay phải năng làm. Chị chả nề hà việc gì cả, đi cắt cỏ thuê, đi buôn sắt vụn, ai thuê cái gì làm cái đó, chả phải xấu hổ làm gì. Về dưới này, Nhà nước đã làm nhà cho rồi, giao đất ruộng, đất rừng nhưng rừng trồng là “của để dành”, muốn có đồng ra đồng vào, bữa ăn con cái có miếng thịt, có quần áo mới đến trường thì phải năng làm. Chị nghĩ vậy, Bác Hồ cũng dạy dân mình như vậy, phải năng lao động mới thoát đói nghèo. Một lần, chị cùng chồng đi chợ huyện, thấy người ta bán lợn giống sinh lời lắm, chị đi tìm mua lợn giống về bán cho bà con quanh vùng. Lãi nhỏ thôi, cóp lại rồi thành lãi lớn. Chị Xuân đi khắp các chợ, đến các nơi trong huyện, sang cả Na Hang, Bắc Kạn tìm mua lợn giống về bán cho bà con. Chị không mua lợn ốm, đàn lợn phải có giấy chứng nhận về thú y chị mới mua, mình không thể nói dối bà con được. Người Dao trọng chữ tín, trọng sự chân thành, không vì đồng lãi mà làm bừa được.
Thôn Hùng Dũng có nhiều nhà xây hai tầng, nhà biệt thự. Ảnh: Quốc Việt
Chị xây được nhà, mua được xe ô tô tải từ buôn lợn giống. Chị không giấu nghề với ai, bởi, chị nghĩ, gia đình có giàu thì bản mới mạnh lên. Chị vận động các hộ trong thôn cùng đi buôn lợn giống, thấy chị làm hiệu quả, thế là cả bản làm theo. Chị Xuân bảo, đi đến các nhà ở đây thì sẽ biết, chứ mình nói lại bảo nói hay. Quả là như thế, ở khu tái định cư này chắc hẳn có nhiều nhà xây, nhà biệt thự nhất tỉnh. Hầu hết các hộ có nhà 2 tầng, nhiều nhà xây biệt thự đến cả bạc tỷ. Vợ chồng chị Bàn Thị Phái năm nay mới 29 tuổi nhưng đã xây được ngôi nhà biệt thự rồi. Chị bảo, xây nhà xong vẫn còn dư ra 300 triệu, dự định sẽ mua cái ô tô để đi. “Bảo chồng đi học bằng lái ở dưới tỉnh rồi, mai mốt có bằng là mua thôi. Tết này có ô tô đi, sướng rồi. Tất cả là nhờ học theo chị Xuân đấy, nếu không bây giờ vẫn ở nhà gỗ thôi”. Tiếng chị Phái cười lẫn vào tiếng hát từ ti vi như rộn rã hơn thì phải.
Đi buôn cũng là cả một sự thay đổi tư duy rất lớn của người Dao nơi này. Bởi trước đây ở quê cũ nhà nào cũng vậy thôi, chỉ biết lên rừng kiếm măng, đào củ rừng, những thứ đó thì mang cho nhau, chứ có bán chác tính lãi lời bao giờ. Nhưng khi về đây, cuộc sống buộc người dân phải thay đổi, lúc đầu cũng ngần ngại đấy nhưng rồi nghĩ, đi buôn cũng là một nghề, kiếm tiền chính đáng thì có gì mà phải ngại. Chị Xuân vẫn bảo với các chị em trong bản như thế.
Vừa rồi, chị đi thi cán bộ Mặt trận giỏi cấp tỉnh, mang giấy chứng nhận giải Nhất về cả bản đến xem. Chị Xuân bảo, chị cứ nói những gì mình đã làm thôi, nói cách bảo người bản làm giàu, tin vào đường lối của Đảng, vậy là thuyết phục được Ban Giám khảo. Chị từng giành nhiều giải nhất các cuộc thi cán bộ Mặt trận giỏi cấp huyện bằng cách thuyết trình giản dị về cuộc sống của dân bản hôm nay dưới ánh sáng đổi mới của Đảng. Chị Xuân bảo, đang bồi dưỡng chị Phái và mấy chị điển hình trong các phong trào vào Đảng để tăng sức mạnh chi bộ. Hiện chị còn đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Chi bộ thôn, chị mong muốn gieo những hạt giống tốt cho Đảng…
Gửi phản hồi
In bài viết