Chung tay vì an toàn giao thông

- Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu hằng năm giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện và hiệu quả. Mục tiêu này chỉ được đảm bảo, khi ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên, và văn hóa giao thông trở thành từ khóa thông suốt trên mọi nẻo đường.

Người vi phạm ngày càng trẻ tuổi

Theo phân tích thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông trong độ tuổi thanh niên chiếm gần 30%, trong đó chủ yếu là đối với người từ 18 - 27 tuổi. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lứa tuổi này gây ra thời gian gần đây ngày một gia tăng, đặc biệt là thanh niên vùng nông thôn.

Nguy hiểm là nhiều thanh thiếu niên lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, lập các nhóm đua xe, quay video clip tung lên mạng xã hội, tạo thành trào lưu xấu trong thanh thiếu niên.

Học sinh Tiểu học tham gia vẽ tranh về an toàn giao thông.

Đơn cử, ngày 24-10, Công an thành phố Tuyên Quang đã tiến hành xác minh, làm rõ nhóm đối tượng thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe mô tô bằng một bánh, đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, mang theo hung khí nguy hiểm nhằm mục đích gây thương tích cho người khác. Các đối tượng đều nằm trong độ tuổi từ 2002 đến 2006.

Đồng chí Thiếu tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Tuyên Quang cho biết, riêng ở thành phố Tuyên Quang, trong 2 năm 2021, 2022 lực lượng chức năng đã xử lý 330 trường hợp người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Đáng nói, các trường hợp này đều rất manh động. Nhiều trường hợp khi lực lượng Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra liền có hành vi chống trả như quay đầu xe; lao xe trực tiếp vào lực lượng thực thi nhiệm vụ…

Trong triển khai nhiệm vụ, ngoài các đợt cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương hiện đang tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân mình. Đặc biệt nổi lên một số hành vi vi phạm như người từ 14 đến dưới 16 tuổi điều khiển xe máy điện, xe gắn máy, xe mô tô; người dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô dung tích xi lanh 50 phân khối trở lên; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe không có gương chiếu hậu.

Để giải quyết tình trạng trên, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành nhiều biện pháp để phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của học sinh các trường học trên địa bàn.
Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, nên cân nhắc trước khi mua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện phù hợp với lứa tuổi của con em mình.

Xây dựng văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông là điều được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Nhiều giải pháp của ngành chức năng được nghiêm túc thực hiện, như thắt chặt vi phạm nồng độ cồn, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị định 100/2019… Trong đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã ra quân nhiều đợt cao điểm, như ra quân thực hiện Kế hoạch cao điểm 299/KH-BCA-C08 xử lý triệt để tận gốc vi phạm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 20 -6 đến ngày 20-9) và cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn (từ ngày 20-10-2022 đến ngày 14-2-2023).

Tuy nhiên, làm thế nào để hình thành văn hóa giao thông, và biến nó trở thành thói quen là điều không hề đơn giản, khi trên thực tế, ngay cả việc nhường đường cho các phương tiện ưu tiên vẫn còn bị nhiều người tham gia giao thông coi thường.

Tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 là “Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp”.

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, trên thực tế, tình trạng tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế hiệu quả nếu mỗi người tham gia giao thông đi đúng phần đường của mình, điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ quy định, nghiêm túc chấp hành quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ ngành chức năng và người tham gia giao thông. Trong đó, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp căn cơ nhất nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Chúng ta không thể phân bổ lực lượng chốt canh hết các ngã đường, giao lộ hay lắp đặt camera trên khắp các con phố. Do đó, khi văn hóa giao thông được nâng lên thì những hành vi sai trái sẽ bị lên án, tẩy chay, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng khiến mọi người tuân thủ các quy tắc ứng xử chung khi tham gia giao thông.

Trên địa bàn tỉnh hiện trang bị 700 mắt camera chủ yếu tại các điểm đèn, ngã ba, ngã tư. Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà vi phạm các quy định pháp luật thì không chỉ bị Cảnh sát giao thông xử phạt trực tiếp mà còn có thể bị “phạt nguội” sau thời gian khoảng 7 ngày. Ngoài dữ liệu từ camera, những thông tin phản ánh từ báo chí, của quần chúng nhân dân cũng là cơ sở để lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận và “phạt nguội”. Thời gian qua, thông qua hình ảnh camera và thông tin người dân cung cấp, Công an tỉnh đã “phạt nguội” nhiều trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 17-10, xe tải biển số 22C-082.48 liên tục cố ý không nhường đường cho xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 2C hướng Tuyên Quang đi Vĩnh Phúc thuộc địa phận xã Sơn Nam (Sơn Dương). Hình ảnh sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã tạo ra làn sóng lên án từ phía người dân. Ngay sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông đã xác định người điều khiển phương tiện là ông Vũ Thế P., sinh năm 1978, trú tại tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương. Tại cơ quan công an, ông P. đã nhận thức được hành vi của mình và cam kết không tái phạm. Ngày 1-11, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt 7,3 triệu đồng đối với ông P. về hai lỗi “Không nhường đường xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” và “Không mang theo giấy phép lái xe”. Đồng thời, tước giấy phép lái xe ô tô 3 tháng.

Thanh tra Giao thông vận tải cũng tổ chức triển khai thực hiện, sử dụng thiết bị ghi hình phát hiện các phương tiện có dấu hiệu vi phạm cơi nới thành thùng xe trái quy định. Ngoài ra, Tổ công tác theo dõi vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh. Thông qua thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, Tổ công tác thường xuyên theo dõi hoạt động kinh doanh vận  tải của phương tiện để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, báo cáo, đề xuất xem xét xử lý vi phạm đối với đơn vị có phương tiện vi phạm theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Tuyên Quang tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh.

Tăng cường xử lý kết hợp tuyên truyền, giáo dục

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người, bị thương 52 người.

Càng thời điểm cuối năm, số vụ tai nạn giao thông càng tăng. Chỉ riêng trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 7 vụ, tăng 5 người chết, tăng 3 người bị thương.

Theo đồng chí Hoàng Hồng Thái, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn còn xảy ra, ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân vẫn còn chưa cao. Cụ thể, trong tháng 10-2022 lực lượng chức năng đã phát hiện 1.978 trường hợp vi phạm. Trong đó, các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông là 1.243 trường hợp (vi phạm về nồng độ cồn; tránh, vượt xe sai quy định; điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm hoặc chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định...).

Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 theo hình thức trắc nghiệm hàng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các báo/tạp chí điện tử, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, nhà trường đang được Ban An toàn giao thông tỉnh phát động hưởng ứng. Cuộc thi bắt đầu từ ngày 17-10 và kéo dài trong 8 tuần, mỗi tuần bắt đầu từ 10 giờ sáng thứ Hai, kết thúc vào 9 giờ sáng thứ Hai của tuần kế tiếp.

Cùng với việc quyết liệt ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức nhiều hoạt động từng bước hình thành, xây dựng văn hóa giao thông. Trong đó, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Lái xe ô tô giỏi và an toàn” năm 2022; tổ chức cấp phát 15.000 tờ rơi “An toàn giao thông cho học sinh đến trường” đến Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố. Đồng thời, cấp phát 1.500 tờ rơi “Đã uống rượu, bia không lái xe”; phát 66.000 tờ rơi tuyên truyền vận động thực hiện “An toàn giao thông cho học sinh đến trường”; cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông trực tiếp tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho 1.978 người tham gia giao thông; tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho 11.207 học sinh, 628 giáo viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đối với 250 công nhân; phát 1.865 tài liệu tuyên truyền, cẩm nang về trật tự an toàn giao thông...

Tập trung tuyên truyền đưa an toàn giao thông vào các trường học, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông với chủ đề “Ngày hội Thanh niên Tuyên Quang với Văn hóa giao thông” cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh tại trường Trung học phổ thông Chuyên, thành phố Tuyên Quang; Tổ chức Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu về trật tự an toàn giao thông cho 100% học sinh tại trường THPT Lâm Bình và trường THPT Minh Quang, huyện Lâm Bình.

Theo Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, chỉ khi mỗi người tham gia giao thông không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, đồng thời gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tốt những quy định về đảm bảo an toàn giao thông… thì mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông mới thực sự hiệu quả.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục