Sức dân, sức nước
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, toàn tỉnh có 3.820 hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát, có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở. Năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ban hành “Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đến năm 2025, sẽ hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 3.820 hộ nghèo với tổng kinh phí cần huy động trên 167 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/hộ đối với làm mới nhà ở và 25 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa nhà ở.
Người dân xã Đức Ninh chia sẻ, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả, nâng cao thu nhập.
Lần đầu tiên, một Đề án do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng. Đến tháng 10-2022, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 2.464 ngôi nhà, đạt 142,3% kế hoạch năm 2022.
Chồng mất sớm, bà Nguyễn Thị Bé, thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực (Yên Sơn) một mình nuôi 6 người con. Ngôi nhà cũ chực chờ đổ sập từ lâu, bà cũng muốn cải tạo, sửa chữa lại để yên tâm nhưng sức cùng lực kiệt. Tháng 5-2022, được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ Mái ấm tình thương của Hội Phụ nữ xã, lại được xã duyệt cho vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Bé quyết tâm xây dựng lại ngôi nhà mới. Ngày khởi công, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, rồi bà con trong thôn cùng kéo đến, người san gạt nền, người xếp gạch, trộn vữa, lợp mái nhà... Bà Bé xúc động lắm. Bà bảo, ngôi nhà mới này được hoàn thành chính là nhờ tình làng nghĩa xóm, nhờ sự tương thân tương ái của bà con cả xã, để mẹ con, bà cháu bà yên giấc mỗi đêm.
Tinh thần đoàn kết cũng là cội nguồn, để một tỉnh còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang hoàn thành các công trình hạ tầng đến tận thôn, xóm.
Năm 2019, thôn Mường, thôn Nà Có, xã Phù Lưu (Hàm Yên) sáp nhập, lấy tên là thôn Mường. Việc sáp nhập đúng thời điểm xã đang nước rút về đích nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đình Quý cho biết, nếu như thôn Nà Có là thôn “bản địa” của Phù Lưu, thì Mường lại là thôn có đông đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang sinh sống. Khi sáp nhập, không tránh khỏi những lo lắng về phong tục tập quán, tinh thần vì việc chung... nhưng mọi chuyện lại khá đơn giản. Mường là một trong những thôn hoàn thành đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng, nhà văn hóa... sớm nhất ở Phù Lưu.
Trưởng thôn Mường Hồ Văn Chiều dẫn chúng tôi thăm tuyến đường nội thôn chuẩn bị xây dựng mặt bằng. Anh vanh vách đọc tên chủ hộ của từng vạt chanh, từng gốc cọ... đã được giải phóng để chuẩn bị đổ bê tông. Tuyến đường này trước là đường mòn nối giữa Nà Có và Mường cũ, giờ sáp nhập thôn, bà con đều có nhu cầu đổ bê tông để cứng hóa tuyến đường cũ. Đường 3 mét giờ được mở rộng lên 5 mét, đất vào đến vườn nhà ai, bà con sẵn sàng hiến đến đấy. Nhà Vương Văn Hiếu vừa chặt bỏ vạt chanh, hiến hơn 50 mét vuông đất ruộng, nhà Trần Văn Thắng cũng chặt bỏ cả chục gốc cọ lâu năm để cho thôn làm đường...
Chuyện người dân Tuyên Quang đoàn kết, sẵn sàng đồng hành cùng địa phương không còn là chuyện hiếm. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân Tuyên Quang cùng với người dân cả nước đóng góp hàng chục tỷ đồng vào Quỹ Phòng chống Covid-19; thành lập các Tổ Covid-19 cộng đồng cùng lực lượng chức năng ngăn chặn dịch. Thời điểm này, Mặt trận Tổ quốc các cấp lại tiếp tục vận động nhân dân tiêm vắc xin phòng chống dịch, phối hợp tham gia hỗ trợ người dân khai báo, làm các thủ tục tiêm vắc xin, lập danh sách tiêm chủng đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm…
Người dân tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.
Trong mỗi chương trình, đề án lớn của tỉnh, sức dân lại được huy động, sẵn sàng vì việc chung, từ xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình hạ tầng đến hỗ trợ nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Theo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã huy động, vận động nhân dân tham gia trên 59 nghìn ngày công lao động, đóng góp trên 35,8 tỷ đồng, hiến gần 36 nghìn m2 đất giải phóng mặt bằng, làm gần 148 km đường giao thông nội đồng, bê tông nội đồng, làm 140 cột đèn đường chiếu sáng… Thực hiện Nghị quyết 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ, người dân các địa phương đã tham gia 9.400 ngày công lao động vệ sinh khuôn viên trường lớp học mầm non, nhà bếp, nơi nấu ăn cho trẻ; vận động xã hội hóa giúp đỡ trẻ với số tiền trên 950 triệu đồng. Tính đến tháng 10-2022, toàn tỉnh đã huy động được 667 nhóm trẻ với trên 13 nghìn trẻ đến trường, vượt 3,7% kế hoạch năm 2022.
Đổi mới hình thức tập hợp
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang rộn rã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản và đã trở thành diễn đàn dân chủ của Nhân dân. Người dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương.
Từ hiệu quả thiết thực của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tập trung đổi mới hình thức tập hợp nhân dân, đảm bảo các hoạt động ngày càng hiệu quả và thiết thực.
Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã triển khai nghiêm túc Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, tạo những chuyển biến rõ nét về nội dung và phương thức hoạt động trên các lĩnh vực.
Người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (Lâm Bình) trong Ngày hội Văn hoá các dân tộc. Ảnh: Nguyễn Giang
Các cuộc vận động, phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống đều được triển khai sát với thực tiễn, thu hút đông đảo nhân dân, gia đình và cộng đồng dân cư hưởng ứng. Tiêu biểu như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa, Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, thực hiện Nghị quyết 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đến trường…
Ngày 23-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Đề án 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Sau hơn 1 năm triển khai, đã có trên 1.600 lượt cơ quan, đơn vị với hơn 76.000 lượt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động “ba cùng” với nhân dân tại 2.734 thôn của 1.104 xã trong toàn tỉnh. Các hoạt động 3 cùng của các cơ quan, đơn vị đã tham gia giúp 374 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên 167 nhà văn hóa, trồng, chăm sóc trên 307 km đường hoa; làm đường bê tông, đắp hoàn mang đường bê tông trên 77,4 km; xây dựng 108 lò đốt rác thải, hỗ trợ thắp sáng trên 126,6 km đường quê...
Như tại huyện Yên Sơn, các hoạt động “3 cùng” được triển khai đa dạng tại các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn huyện đã huy động được 2.375 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia cùng với nhân dân các địa phương. Nội dung hoạt động chủ yếu tập trung vào chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường làng ngõ xóm, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ gia đình làm nhà mới. Từ các hoạt động “3 cùng” đã giải tỏa được 43 km hành lang an toàn giao thông; dọn dẹp vệ sinh được 123 km tuyến đường liên thôn, khơi thông cống rãnh, đắp lề đường, trồng mới được 41 tuyến đường hoa và 1 tuyến đường cây xanh tổng chiều dài trên 15 km.
Cách làm của Yên Sơn là giao trách nhiệm cụ thể, kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện các tiêu chí đó. Ngoài ra, phân công Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện, của xã cùng chung tay để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Chỉ khi người dân hiểu và cùng thực hiện thì mới hoàn thành được Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh cho biết, đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký kết mới 4 chương trình, kế hoạch phối hợp với các đơn vị tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Mặt trận tổ quốc các cấp. Để hoạt động tập hợp nhân dân được hiệu quả, năm 2022 Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức thành công hội thi Trưởng ban công tác mặt trận giỏi, ban hành Hướng dẫn đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận, phương pháp, kỹ năng hoạt động của Trưởng ban và các thành viên Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, tuyên truyền các hoạt động của đơn vị, thành lập Fanpage Mặt trận Tổ quốc Tuyên Quang. Theo bà Dương, đây là cách thức mới giúp việc tập hợp nhân dân thuận lợi, đây cũng là kênh mà Mặt trận Tổ quốc tỉnh có thể lắng nghe những ý kiến phản hồi của nhân dân dễ dàng hơn.
Chính nhờ tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực của mỗi người dân mà năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,63% so với năm 2021, 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Có thể thấy rằng, chỉ có sức mạnh nội sinh, chỉ có truyền thống văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm mới có thể tạo nên những thành quả đó.
Gửi phản hồi
In bài viết