Những ngôi nhà gắn kết yêu thương

- Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 được MTTQ các cấp triển khai thực hiện quyết liệt. Hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn đã được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở... giúp họ vơi bớt nỗi lo, có chốn an cư và thêm ấm lòng bởi sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, ngành cùng cộng đồng xã hội.

Ấm áp nghĩa tình đoàn kết

Khu tái định cư thủy điện Tuyên Quang tại thôn 20, xã Lang Quán (Yên Sơn) những ngày này rộn tiếng máy trộn bê tông, máy cắt sắt để xây dựng căn nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình anh Bàn Cán Siết. Mặc dù không được nhanh nhẹn, anh Siết cũng không giấu được niềm vui trên khuôn mặt. “Sắp có nhà mới, mình vui lắm không sợ mưa gió nữa” - Anh Siết chậm rãi nói từng từ.

Cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh giúp hộ nghèo xã Lang Quán (Yên Sơn) làm nhà mới.

Gia đình anh Bàn Cán Siết thuộc hộ nghèo của xã. Kể từ ngày về tái định cư, gia đình anh ở trong căn nhà gỗ nay đã hư hỏng cùng thời gian. Chị Dính vợ anh cũng không được nhanh nhẹn nên mọi việc chủ yếu nhờ họ hàng và làng xóm. Để có được căn nhà kiên cố là điều tưởng chừng như rất khó đã trở thành hiện thực. Đầu năm nay, khi triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, gia đình anh là một trong những hộ được MTTQ xã lập danh sách hỗ trợ làm nhà mới. Đầu tháng 11-2022, MTTQ cùng cán bộ xã và bà con nhân dân giúp đỡ ngày công khởi công làm nhà cho gia đình anh, phấn đấu Tết này, gia đình anh Siết được đón Tết trong căn nhà mới.

Sau hơn 3 tháng khởi công, căn nhà của chị Nguyễn Thị Hương Giang, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương đã hoàn thành. Những ngày qua, chị Giang tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc để ổn định cuộc sống trong căn nhà mới. Chị Giang là hộ đơn thân, khuyết tật từ nhỏ, đi lại khó khăn. Nhiều năm qua, chị phải thuê nhà để ở. Hàng ngày chị ra chợ bán mía, bán khoai để kiếm sống qua ngày. Do khuyết tật, có bệnh về cột sống, trái gió, trở trời chị đau mỏi liên miên. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, MTTQ, Hội Phụ nữ đã triển khai hỗ trợ chị làm nhà mới. Chị bảo, có nhà rồi, sau này mình có thể vay vốn để mở cửa hàng tạp hóa để kiếm sống hàng ngày. “Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội thì tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc có nhà mới để ở. Nay mưa gió cũng không còn lo lắng, bất an nữa. Có nhà mới, tôi yên tâm hơn để sinh sống, làm ăn” - Chị Giang bộc bạch.

Ông Lý Văn Chưởng, ở thôn Cuốm, xã Yên Thuận (Hàm Yên), năm nay đã gần 70 tuổi, vợ  đau ốm liên miên. 2 vợ chồng ông lâu nay phải sống trong căn nhà lụp xụp. Ước mơ về một căn nhà mới kiên cố vẫn đau đáu trong ông. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền và MTTQ, gia đình ông Chưởng đã được xét hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Từ nguồn hỗ trợ này và vay mượn thêm tiền anh em họ hàng, bà con lối xóm giúp đỡ ngày công, căn nhà mới của ông bà đã được hoàn thành trong niềm vui ấm áp.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có trên 2.000 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, với kinh phí trên 102 tỷ đồng, đạt 125,8% kế hoạch năm, nâng tổng số hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở từ khi triển khai Đề án đến nay lên 2.339 hộ, với số tiền 189 tỷ đồng. Hoạt động chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở vẫn đang được các cấp các ngành tích cực triển khai.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa nắm tình hình làm nhà cho hộ nghèo tại xã Hùng Mỹ.

Hiện thực giấc mơ an cư 

Có thể nói, những căn nhà mới kiên cố, khang trang được hỗ trợ xây dựng sẽ tạo nền tảng giúp người khó khăn về nhà ở sớm ổn định cuộc sống. Họ được tận hưởng niềm vui khi có nhà kiên cố, mà ở đó mang đậm dấu ấn đoàn kết, gắn bó của nghĩa Đảng - tình dân; sự nhiệt tình phối hợp thực hiện của MTTQ các cấp. Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát toàn tỉnh có 3.820 hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Trong đó, làm mới là 2.861 nhà, sửa chữa là 959 nhà.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh ký kết kế hoạch, chương trình phối hợp về tập trung huy động, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Đồng thời, phân công cho các tổ chức chính trị - xã hội phụ trách các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn chia sẻ, để triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch Đề án, năm 2022 huyện xây dựng nhà ở mới và sửa nhà cho 283 hộ nghèo. Ủy ban MTTQ huyện giao Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn trực tiếp xuống từng hộ nghèo, thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện kinh tế để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, các xã còn vận động người dân giúp ngày công lao động, nguyên vật liệu để dựng nhà. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, tránh lãng phí... Đến nay, có trên 200 nhà đã được xây xong với kinh phí gần 12 tỷ đồng.

 Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh do Ủy ban MTTQ tỉnh làm nòng cốt đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua Đề án đã huy động nguồn lực lớn từ các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Mỗi ngôi nhà được hoàn thành và trao tặng, là thêm một gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, có nơi “an cư” để “lạc nghiệp”. Nhà “Đại đoàn kết” không chỉ là món quà thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng chung tay vì người nghèo, còn là nguồn động viên lớn để người dân yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục