Hang Thẳm Nặm.
Hang Thẳm Nặm
Danh lam thắng cảnh hang Thẳm Nặm thuộc thôn Biến, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa. Thẳm Nặm là một hang đá tự nhiên nằm giữa khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật phong phú và quý hiếm. Hang được đánh giá là hang động đẹp cả về hình thái và cấu trúc.
Hang có chiều dài 550 m, độ cao khoảng 18 m, cửa hang hình mái vòm, hang phát triển dạng ống, trần cao, lòng hang rộng. Càng đi sâu vào trong, hang càng rộng và bằng phẳng, có chỗ rộng chứa được cả trăm người. Hang được tô điểm bởi những nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch buông xuống nối từ trần hang xuống đến đáy hang tạo nên cảnh đẹp mê hoặc lòng người. Hệ thống nhũ đá được kiến tạo từ nghìn năm trước và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển luôn gợi cho du khách sự tò mò muốn được khám phá về mảnh đất này. Không khí trong hang luôn trong lành và mát lạnh tạo cảm giác thư thái cho du khách.
Với cảnh đẹp thiên tạo hấp dẫn, nguyên sơ, đường giao thông tương đối thuận lợi, hang Thẳm Nặm hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch, là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách trong hành trình tham quan, khám phá mảnh đất và con người xứ Tuyên.
Động Tiên Hàm Yên
Cách thành phố Tuyên Quang hơn 55 km dọc theo Quốc lộ 2 về phía Bắc, quần thể Động Tiên thuộc thôn Thống Nhất , xã Yên Phú, huyện Hàm Yên được mệnh danh là một Phong Nha giữa đại ngàn Đông Bắc, bao gồm bảy động: Động Tiên, động Thiên Đình, động Đàn Đá, động Thiên Cung, động Tam Cung, động Thạch Sanh, động Âm Phủ, xếp thành hình vòng cung.
Động Tiên Hàm Yên.
Động Tiên nằm ở trong núi Chân Qùy, chen giữa núi Đá Đen và núi Bạch Mã. Khác với các hang động nơi khác, Động Tiên nằm gần đỉnh núi, sau khi leo lên những bậc đá nhuốm màu rêu xanh du khách sẽ gặp ngay cổng đá lớn. Vào thăm động Thiên Đình, du khách sẽ chiêm ngưỡng những cột đá hoa cương lấp lánh như một cung điện cổ, cùng âm thanh vang vọng, du dương, trầm bổng khi những luồng gió thổi vào những vách đá như lời mời, cuốn hút du khách. Rời động Thiên Đình, du khách tiếp tục khám phá những bí ẩn của động Đàn Đá, động Thiên Cung, động Thạch Sanh, động Âm Phủ… với vô số lớp nhũ đá cao thấp muôn hình muôn vẻ. Nhũ đá trong hang có khả năng thay đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời, buổi sáng có màu hồng, buổi trưa lấp lánh như pha lê, khi hoàng hôn màu đỏ thẫm. Có những phiến đá được xếp thành hàng như đàn đá thật kỳ thú khi gõ nhẹ chúng phát ra âm thanh lạ tai.
Cuối cuộc hành trình, du khách sẽ dừng lại ở Hang Tôm, tương truyền đây chính là nơi nàng tiên dừng chân tắm gội gột bỏ bụi trần trước khi trở về tiên giới. Du khách được thưởng thức dòng nước trong mát chảy ra từ trong lòng núi, không khí trong lành mát mẻ, xua đi những mệt nhọc sau một hành trình khám phá cõi thần tiên.
Hang Bó Ngoặng
Cách thị trấn Chiêm Hóa 25 km rẽ trái theo đường vào Xuân Quang, du khách sẽ đến với hang Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn thuộc huyện Chiêm Hóa. Hang được phân bố ở chân núi đá vôi, nhìn từ xa, toàn bộ cửa hang được bao phủ một màu xanh của cây rừng. Phía trên hang, rễ cây cổ thụ vươn dài, bám chặt vào vách đá tạo nên nét nguyên sơ, bí ẩn. Trước hang là dòng suối Bó Ngoặng trong vắt, dưới đáy là thảm rêu xanh mượt, mặt nước phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu lên cửa hang cùng ánh nắng mặt trời tạo nên hình ảnh lung linh, huyền ảo trên vách hang. Đứng trước cửa hang, du khách có thể cảm nhận được làn hơi nước mát lạnh tỏa ra từ trong hang đá tạo nên cảm giác khoan khoái và tận hưởng không khí trong lành khiến bao mệt nhọc, vất vả, lo toan của cuộc sống đời thường dường như tan biến.
Điều đặc biệt ở hang Bó Ngoặng khi du khách khám phá đó là ở ngay cửa hang có vùng nước rộng, mùa hè trở nên mát lạnh, mang lại cảm giác thoải mái và mùa đông, dòng nước trong hang trở nên ấm nóng lạ kỳ, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Trải qua hàng triệu năm, thiên nhiên đã dày công gọt giũa để Bó Ngoặng trở thành một tác phẩm nghệ thuật kỳ thú với những nhũ đá rủ xuống tạo nên hình thù sinh động, lạ mắt. Hai bên vách hang, những lớp nhũ màu trắng trông như những tảng băng xen lẫn những mảng nhũ màu xanh rêu xếp tầng tầng, lớp lớp lộng lẫy… sẽ thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của du khách. Từ cửa hang, du khách có thể ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải dài dưới thung lũng, những mái nhà sàn xinh xắn ẩn hiện dưới những lùm cây trong khói lam chiều sẽ cho ta cảm nhận được không khí trong lành, yên ả của một vùng quê thanh bình.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hang Khuổi Pín.
Hang Khuổi Pín
Hang Khuổi Pín là hang động tuyệt đẹp trên núi Khuổi Pín, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, thuộc vùng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hang Khuổi Pín còn được người dân địa phương gọi là Hang gió, bởi trên đỉnh non cao này, gió thổi suốt ngày đêm, hút vào miệng hang tạo thành những âm thanh du dương.
Từ bến Thủy xã Thượng Lâm, du khách di chuyển bằng thuyền và đi bộ 1 giờ rưỡi ngược dốc cao, qua những cánh rừng già nguyên sinh với nhiều thân cây to, dốc đá tai mèo sẽ đến hang Khuổi Pín. Đường vào hang có 2 khe cửa đá. Hang có 3 khoang, chỗ rộng nhất trên 300 m2, chỗ cao nhất trên 100 m cùng với hàng trăm ngách nhỏ. Hang Khuổi Pín là điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá.
Với những vẻ đẹp tiềm ẩn, hang Khuổi Pín hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá.
Gửi phản hồi
In bài viết