Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng.
Ở Phân hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhiếp ảnh gia Hồ Thăng là hội viên cao tuổi nhất. Người hiểu khá rõ sự hình thành, phát triển của nhiếp ảnh xứ Tuyên. Uống một chén chè nóng, ông tâm sự: “Tôi quê xứ Huế tím mộng mơ, lớn lên sang Thái Lan làm thuê cho hiệu ảnh người Trung Quốc. Khi 18 tuổi tôi đã biết chụp ảnh bằng máy phim, giờ là kỹ thuật số. Cái này lúc đó ở Việt Nam còn xa xỉ lắm. Rồi một hôm ngành Công an Tuyên Quang muốn mời tôi về để chụp ảnh chứng minh thư. Lúc đó, nhiều công nhân ở dưới xuôi lên Tuyên Quang đi làm ở các nông lâm trường, cần làm hồ sơ và tất nhiên là phải có ảnh. Ngày đó không ai biết chụp ảnh, Công an tỉnh rất bí. Chả hiểu bằng cách nào mà họ liên lạc được với tôi. Sau ông lãnh đạo Công an tỉnh bật mí, chọn tôi là do có họ Hồ. Bởi tôi là Hồ Viết Thạnh, làm ảnh thấy tên dài quá nên lấy bút danh là Hồ Thăng”.
Sau một năm miệt mài, chăm chỉ chụp ảnh chứng minh thư cho Công an tỉnh, lãnh đạo Ty Văn hóa Tuyên Quang cũng để mắt tới ông. Vì ông vừa có học chuyên ngành thể thao, thích đá bóng, lại vừa biết chụp ảnh. Cuối cùng Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng được mời vào làm chính thức tại Phòng Cổ động, Ty Văn hóa tỉnh. Sau 38 năm vùng vẫy ở lĩnh vực sở trường của mình giúp ông có cơ hội chụp được những tư liệu, sự kiện quý. Ngoài làm việc trong cơ quan, ở nhà ông mở cửa hàng ảnh Việt Thái chuyên chụp ảnh dịch vụ, nhiều nhất vẫn là chứng minh thư. Vợ ông làm may ở nhà, phụ giúp ông một tay làm ảnh. Ông bảo lấy tên cửa hàng Việt Thái là để ghi nhớ quãng thời gian làm ảnh ở Thái Lan. Giờ cửa hàng ảnh Việt Thái vẫn mở cửa đều đặn trên tuyến đường 17-8 TP Tuyên Quang, gần Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ quan cũ ông công tác ngày nào. Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng cao tuổi song vẫn sử dụng thành thạo máy tính chỉnh ảnh, in ảnh cỡ nhỏ cho khách lấy ngay tại nhà. Với ông làm ảnh là nghề, sự đam mê.
Tác phẩm "Hội làng" của Hồ Thăng.
Ảnh của nhiếp ảnh gia Hồ Thăng trải đều ở cả 3 thể loại chân dung, đời thường và phong cảnh. Nhưng tổng kết lại ông rất đam mê “mảng” đề tài di tích lịch sử cách mạng và bảo tồn bản sắc dân tộc thiểu số. Đến nay, ông đã chụp đủ bộ thiếu nữ mang sắc phục nguyên bản của 22 dân tộc ở Tuyên Quang. Đi sâu hơn, riêng dân tộc Dao ông chụp đủ bộ 9 ngành. Qua tuyển chọn, ông biên tập ra hơn 100 ảnh xuất sắc về đề tài này chờ ngày in sách ảnh. Có được kết quả đó là nhờ ông có ý tưởng độc đáo, quyết tâm thực hiện qua một thời gian dài. Mỗi chuyến sáng tác có khi ông không được ảnh nào ưng ý, có khi được một cái. Có lần đi đi lại lại vài chuyến ông mới chụp được một tấm khá tâm đắc.
Đối với nhiếp ảnh gia Hồ Thăng, ảnh vừa là cách nhìn vừa là khoảnh khắc. Một thời ông cùng nhiếp ảnh gia Công Tuyên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lặn lội vào đập Trung La (Yên Sơn) chụp hoàng hôn với con thuyền và đàn cò. Khi vào tới đập, lúc được đàn cò thì thiếu con thuyền và ngược lại. Cuối cùng rình rập mãi ông mới chụp được tấm ảnh ưng ý. Nếu đi cơ sở, ông thích đi vùng sâu, vùng xa, nơi có những bản sắc lạ, độc đáo. Thoắt đã thấy ông đang chụp thổi khèn Mông trong nhà dân ở xã Xuân Lập (Lâm Bình) hay chụp bà cụ đang thêu thùa bên ngôi nhà sàn ở Năng Khả (Na Hang). Một lần đi chụp chè ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), trên đường đi có đàn chó đùa nhau chạy ra đường làm xe ông ngã. Ông bị gẫy xương quai xanh, cứ tưởng xong lần đó nhiếp ảnh gia Hồ Thăng không dám đi chụp ảnh lang thang một mình nữa. Nhưng ông bảo khỏi vai được ít ngày, tớ lại thích đi lang thang chụp ảnh. Vợ tớ ngăn cũng không nổi.
Tác phẩm “Một cân tằm bằng trăm nong kén” của Hồ Thăng.
Gần 65 năm cầm máy ảnh trên đất Tuyên Quang, Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng lưu lại hàng vạn tấm ảnh quý về đất và người xứ Tuyên. Như cây đa Tân Trào, bến phà Nông Tiến, rạp Tháng 8, bến co le, cửa hàng mậu dịch. Ông đã giành được một số giải thưởng ảnh của khu vực, tỉnh, nhưng theo ông quý nhất vẫn là vinh dự được nhận Giải thưởng Tân Trào năm 2016 với cụm tác phẩm ảnh đen trắng: “Xác máy bay Mỹ 21 bị quân dân Tuyên Quang bắn rơi tại Lang Quán”, “Dân quân xã Đạo Viện bắt sống giặc lái Mỹ”, “Tội ác của giặc Mỹ ném bom vào khu dân cư xã An Tường”, “Cánh máy bay Mỹ rơi tại xã Thái Long năm 1966”, “Cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỏi cung phi công Mỹ bị bắt tại Xuân Vân”, “Xuất quân vào Nam chiến đấu của tiểu đoàn Bình Ca 2 năm 1967”.
Không chỉ chuyên tâm chụp ảnh, ông là một trong những người tiên phong đặt nền móng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh thành Tuyên, thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh để khơi dậy niềm đam mê chụp ảnh trong giới trẻ. Tại Phân hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ông sinh hoạt đều đặn, hoạt động sôi nổi nhằm động viên anh em tích cực sáng tác, đưa nhiếp ảnh xứ Tuyên lên một tầm cao mới.
Gửi phản hồi
In bài viết