Những lối đi riêng

- Không chọn con đường dẫn tới cánh cửa Đại học, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn con đường học nghề hoặc tham gia ngay vào quá trình lao động sản xuất. Đó là hướng đi được hình thành rõ rệt mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang lựa chọn.

Sau khi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Văn Sơn, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn (Hàm Yên)
đã chọn hướng đi phát triển kinh tế tại gia đình.

Chọn nghề để làm, không chọn trường để học

Trong thời bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thông tin về tuyển sinh, thị trường lao động, việc làm được mở rộng và công khai cùng với công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được đẩy mạnh hơn trong các nhà trường đã giúp các bạn trẻ hiện nay tự đúc rút được kinh nghiệm, bài học để lựa chọn con đường nghề nghiệp của mình. 

Em Nguyễn Văn Chiến, tổ 3, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) học hết THPT đã chọn con đường đi học nghề cơ khí ở một trường Trung cấp tỉnh Thái Nguyên. Sau khi học xong, Chiến đã về mở xưởng sửa chữa cơ khí, làm đồ khung nhôm cửa kính tại nhà. Hiện nay xưởng sửa chữa của em đang tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương dao động từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng trừ chi phí, Chiến cũng thu về trên 10 triệu đồng/tháng. 

Còn em Đỗ Ngọc Đức, thôn Đông Trai, xã Đông Thọ (Sơn Dương) sau khi học hết THPT đã chọn con đường đi làm việc tại một số công ty ở Bắc Ninh với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Đức nhận ra nếu không có trình độ chuyên môn về tay nghề thì thu nhập cũng không ổn định và không làm chủ được công việc của mình. Bởi vậy, sau vài năm đi làm, Đức đã quay trở về quê hương để học nghề điện tại Khoa Điện - Điện tử - CNTT của Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. 

Giờ thực hành của thầy và trò lớp Cao đẳng Điện, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. 

Không chọn con đường tiếp tục học tập, hiện nay một số bạn trẻ ở khu vực nông thôn sau khi học hết THPT đã chọn ở nhà để tham gia làm kinh tế gia đình hoặc đi làm việc tại một số khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Em Nguyễn Văn Sơn, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn (Hàm Yên) là một trong những bạn trẻ chọn con đường làm kinh tế trang trại sau khi học hết THPT. Từ diện tích 2 ha của gia đình trên núi trước đây, bố mẹ Sơn chỉ trồng ngô, sắn, giá trị kinh tế không cao vì cây trồng thiếu nước và bị trâu, bò phá hoại nên sau khi tốt nghiệp THPT, Sơn đã quyết định không đi học chuyên nghiệp mà ở nhà để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, Sơn đang là chủ khu vườn cây ăn quả tổng hợp và mô hình nuôi ong lấy mật, thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm.

Có thể nói việc chọn những ngã rẽ của riêng mình, không theo hiệu ứng đám đông, không chọn đại một trường cốt để được đi học của các bạn trẻ hiện nay cho thấy, các em đã chủ động hơn trong chọn nghề. Điều này cũng sẽ giúp các em tự tin hơn trên con đường hướng tới tương lai.

Cần sớm phân luồng

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Yên, những năm học gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh của nhà trường đi học Đại học chiếm 30%, tỷ lệ học sinh đi học nghề chiếm 40%, còn tỷ lệ học sinh đi vào cuộc sống lao động sản xuất  mà không chọn học tiếp cũng chiếm khoảng 30%. Không chỉ ở riêng Trường THPT Hàm Yên, tỷ lệ này cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường THPT khác. Việc các em chọn học nghề hoặc không đi học tiếp sau THPT mà tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất cũng khá phổ biến. Theo thầy Hanh, nếu các em không đi học nghề hoặc chọn một trường nào đó để học tiếp mà tham gia vào quá trình lao động sản xuất ngay sau khi học hết THPT sẽ gây ra lãng phí nhân lực, bởi nguồn nhân lực sẽ không được đào tạo. Bởi vậy, ngay từ cấp THCS, công tác phân luồng học sinh cần được hiểu và triển khai đúng thực chất. “Luồng” ở đây cần được các thầy cô hiểu đúng đó là định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở trường cho các em chứ không phải là việc vận động các em đi học nghề. Muốn định hướng nghề cho các em trước hết cần làm tốt công tác phân luồng, phân ban cho học sinh.

Sau khi học xong THPT, em Nguyễn Văn Chiến (ngoài cùng bên phải), tổ 3, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang)
đã chọn con đường học nghề để mở xưởng cơ khí tại nhà.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đề ra một trong những mục tiêu cụ thể đó là bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đề ra mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất  25% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% trường THCS và THPT trở lên có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, các chỉ tiêu này đến nay vẫn chưa đạt được. Việc phân luồng cho học sinh sau THCS ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ Trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ đạt gần 10%. Nguyên nhân do hiện nay, tâm lý của không ít bậc phụ huynh chỉ muốn cho con em mình học hết THPT, hoặc đi học đại học, không muốn cho con đi học nghề. Bên cạnh đó, cơ  sở vật chất và nhân lực của một số cơ sở dạy nghề trong tỉnh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất  lượng đào tạo nghề hiện nay. Chất lượng tuyên truyền, định hướng, tư vấn nghề của một số cơ sở trường học chưa cao.

Theo thầy Đinh Việt Cường, Trưởng khoa Điện - Điện tử - CNTT, Trường Cao đẳng Nghề  Kỹ thuật  - Công nghệ Tuyên Quang, tỷ lệ các em học sinh sau khi học THPT tham gia học nghề vẫn đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân này cũng một phần do công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp của cả gia đình và nhà trường, công tác phân luồng học sinh ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả.

Bởi vậy, trước khi muốn định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh cần làm tốt công tác phân luồng cho học sinh để các em cũng như gia đình hiểu rõ mình đang đứng ở vị trí nào, năng lực, sở trường của mình ra sao để từ đó phấn đấu, chọn ngành nghề phù hợp.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục