Nguy cơ thiếu hụt nguồn điện
Theo EVNNPC, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như vào cuối tháng 3-2022, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than để sản xuất dẫn đến nhiều tổ máy của các nhà máy nhiệt điện tại khu vực miền Bắc đã phải dừng và giảm phát.
Thiếu hụt nguồn than sản xuất nhiệt điện, thủy điện cũng đang rơi vào thời điểm cuối mùa khô khiến công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện cũng bị suy giảm. Thêm vào đó, các nguồn điện mới trong khu vực dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 được dự báo cũng luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Nhận định của các chuyên gia ngành điện, nguồn cung điện phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất căng thẳng, khó chồng khó và nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh từ vào các tháng 5 - 8 là thời điểm nắng nóng ở các tỉnh miền Bắc hoàn toàn có thể xảy ra.
Công nhân Điện lực Tuyên Quang vệ sinh hệ thống lưới điện 110 KV và trung áp.
Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất điện, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và đang có mức tăng nóng với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng từ 15 - 20%. Tỉnh Tuyên Quang cũng không nằm ngoài căng thẳng về thiếu điện, đặc biệt vào mùa hè tới, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến.
Hiện tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang được cung cấp điện bởi các Trạm biến áp 220 KV (2 MBA) công suất 375 MVA; 6 nhà máy phát điện, gồm: Thủy điện Tuyên Quang (A14.0); thủy điện Chiêm Hóa (A14.10); thủy điện Sông Lô 8A, 8B (A14.8A; A14.8B); thủy điện Thác Bà (A40)... Tuy nhiên, nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng (từ tháng 5, 6, 7), cuối mùa khô, đầu mùa lũ đang rất hiện hữu.
Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang (Công ty Thủy điện Tuyên Quang) với công suất (342 MW) lớn thứ 3 của miền Bắc sau Nhà máy Thủy điện Sơn La và Hòa Bình cũng đang đứng trước nguy cơ giảm tổ máy phát điện do thiếu nước. Ông Dương Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang chia sẻ, mực nước tại hồ thủy điện Tuyên Quang đang ở mức 115 m, mỗi ngày các tổ máy của nhà máy phát 8,1 triệu KW điện, tiêu hao khoảng 0,5 m nước. Nếu thời tiết không mưa, lưu lượng nước về hồ giảm sút, việc phát điện theo đúng công suất như trên chỉ có thể duy trì trong khoảng 30 ngày nữa, còn lại sẽ rất khó khăn do mực nước không đảm bảo.
Cũng như Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, tại Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa; thủy điện sông Lô 8A, 8B cũng đang thiếu thụt nguồn nước để sản xuất điện.
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang khẳng định, năm 2021, điện nhập đầu nguồn của tỉnh trên 1,26 tỷ KWh, điện năng tiêu thụ là gần 1,23 tỷ KWh, đạt 97,2% kế hoạch. Năm 2022, chỉ tiêu giao của EVNNPC về tỉnh gần 1,26 tỷ KWh trong khi nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng nóng, khoảng 10%, thậm chí có thể hơn, đặc biệt trong thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8. Ngay tại thời điểm tháng 4 dù chưa bước vào cao điểm mùa nắng nóng, song sản lượng điện tiêu thụ đã đạt đến con số lớn nhất trong nhiều năm qua với 257,2 triệu KWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một thách thức lớn đối với Điện lực tỉnh.
Trách nhiệm của cộng đồng
Nhận định những khó khăn về tình trạng thiếu điện, ngày 24-12-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1813/CĐ-TTg về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng điện an toàn, tin cậy cho mọi mặt sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết và mùa khô.
Ứng phó với nguy cơ thiếu điện, đảm bảo cho việc cung cấp điện liên tục, ngay đầu mùa hè, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã xây dựng danh sách phụ tải ưu tiên, danh sách phụ tải công nghiệp phối hợp tiết giảm, phương án ngừng giảm cung cấp điện trong chế độ cực kỳ khẩn cấp năm 2022... đảm bảo việc cung cấp điện hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng thiếu điện mùa nắng nóng cho người dân và doanh nghiệp.
Công nhân Điện lực thành phố Tuyên Quang tuyên truyền tiết kiệm điện cho người dân trước mùa nắng nóng.
Theo đó, tập trung sửa chữa trạm biến áp, thay thế đường dây, giảm tổn thất điện năng. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, ngành Điện đã thực hiện sửa chữa, thay thế hệ thống ắc quy tại 6 trạm biến áp 110 KV Tuyên Quang, Gò Trẩu, Long Bình An, Sơn Dương, Chiêm Hóa và Hàm Yên. Đối với lưới điện trung hạ áp, ngành Điện duy trì công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất với toàn bộ hệ thống lưới điện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố. Cùng với đó, triển khai trang thông tin điện tử: http://sudungdien.evn.com.vn theo dõi trực tuyến mức độ tiêu thụ điện của khách hàng thuộc danh mục cơ sở sử dụng điện trọng điểm và cơ quan, đơn vị... trên cơ sở đó tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách hàng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện.
Tại hội nghị EVNNPC đồng hành với khách hàng sử dụng điện vừa được tổ chức trước thềm mùa nắng nóng, ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang đã gặp gỡ 18 khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện nhiều nhất tỉnh để cùng thỏa thuận trao đổi mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với ngành Điện. Các doanh nghiệp cam kết chủ động và thực hiện kế hoạch tăng năng lực sản xuất tối đa trong tháng 4 và từ tháng 5 đến tháng 8 bố trí sản xuất hợp lý, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, đặc biệt là các phụ tải tiêu thụ công suất lớn như sản xuất thép, xi măng, luyện quặng và sản xuất vật liệu xây dựng...
Ông Nguyễn Văn Đăng, phụ trách công tác điện, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, với 2 nhà máy gồm Nhà máy Bột giấy tẩy trắng và Nhà máy Giấy cao cấp hoạt động hết công suất, sản lượng điện tiêu của công ty khoảng 15,8 triệu KW tương đương với 20 tỷ đồng tiền điện/tháng. Trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn, đồng thời giảm chi phí trong sản xuất, công ty đã đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất giấy, bột đảm bảo tiêu hao điện năng thấp nhất, đồng thời lắp đặt hệ thống biến tần; hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được thay thế từ đèn cao áp sang đèn LED; các phòng, xưởng thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết... Hiện tại công ty đang tập trung tăng năng lực sản xuất trong tháng 4; đồng thời lên phương án bố trí sản xuất hợp lý trong tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Tại Công ty Fenpat An Bình, xã Sơn Nam (Sơn Dương) cũng đã “né” các giờ cao điểm trong hoạt động sản xuất. Ông Vũ Hưng Hà, cán bộ phụ trách điện của công ty chia sẻ, với giải pháp “né” giờ cao điểm chi phí sản xuất đã giảm đi đáng kể, hệ thống máy móc cũng được bảo vệ tốt nhất. Bởi sản xuất vào giờ cao điểm, giá điện cao, nhiều người sử dụng làm cho điện yếu, rất hại máy.
Không những doanh nghiệp lên phương án tiết giảm điện năng tiêu thụ, các khách hàng là hộ gia đình cũng bắt tay thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện. Anh Nguyễn Anh Tuyên, xóm 8, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) cho biết, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của gia đình anh đã thay từ đèn huỳnh quang sang đèn LED. Theo anh Tuyên đèn huỳnh quang là 40 W trong khi đèn LED chỉ có 20 W nhưng sáng hơn rất nhiều. Riêng đối hệ thống điều hòa cũng được bảo trì nhằm giảm thiểu tiêu hao điện năng...
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang khẳng định, năm 2022 ngành Điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung, song trên cơ sở các nguyên tắc và giải pháp đặt ra, ngành cam kết thực hiện mục tiêu “Điện phải đi trước 1 bước” đảm bảo đáp ứng yêu cầu cao nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sinh hoạt của nhân dân, phấn đấu cung cấp đủ điện trong bất cứ tình huống nào.
Gửi phản hồi
In bài viết