Lựa chọn ngành nghề phù hợp

- Trong thời gian qua, không ít sinh viên ra trường làm trái với ngành nghề đào tạo hoặc không xin được việc làm. Điều này đã gây ra sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, do vậy công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước “ngưỡng cửa vào đời” là rất quan trọng để giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp cho tương lai.

Xóa bỏ tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ”

Theo thống kê, mỗi năm trên cả nước có hàng trăm nghìn cử nhân đại học ra trường không xin được việc làm và làm việc trái với ngành nghề đào tạo. Điều này đã gây nên một sự lãng phí rất lớn cả về thời gian, tiền bạc cũng như nguồn lực xã hội.

Học đại học ra nhưng chị Phạm Thị T. ở thành phố Tuyên Quang lại chọn đi xuất khẩu lao động. Chị T. cho biết, học Đại học ngành Tài nguyên và Môi trường, song cầm tấm bằng xin việc nhiều nơi không được, gia đình chị vay mượn cho chị đi xuất khẩu lao động ở Dubai. Nếu mà được chọn lại chị sẽ không đi học đại học mà sẽ đi học nghề bởi học nghề ra trường dễ xin được việc làm hơn và gia đình chị không phải nợ nần vì phải nuôi ăn học trong thời gian 4 năm.

Đoàn viên Chi đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh trên địa bàn huyện Lâm Bình.

Mới đây, khi phát biểu tại Phiên Giao dịch việc làm huyện Lâm Bình năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình đã chia sẻ với học sinh các trường, thực tế có những trường hợp sinh viên ra trường có bằng đại học, thậm chí là thạc sỹ nhưng lại chỉ đi làm công nhân vì không xin được việc làm. Họ phải giấu những tấm bằng đó đi vì công ty chỉ nhận lao động phổ thông hoặc có tay nghề kỹ thuật. Điều này cho thấy nếu chúng ta lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp ngay từ đầu mà xã hội đang cần thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Do vậy từ các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, mỗi học sinh cần lắng nghe và suy nghĩ để lựa chọn cho mình một ngành nghề, hướng đi phù hợp nhất để sau này không phải hối tiếc vì những lựa chọn sai lầm.

Chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Lựa chọn sai ngành nghề có thể dẫn đến những hệ lụy cho người học. Chọn sai ngành nghề không chỉ lãng phí chất xám, thời gian, tiền bạc mà còn khiến bản thân không phát huy hết năng lực, tố chất, gây ra tâm lý chán nản, thiếu quyết tâm và động lực để học tập, làm việc sau này. Hiện nay, vẫn còn những phụ huynh, học sinh còn tư tưởng cố thi vào đại học vì cho rằng “làm thầy hơn làm thợ”. Tuy nhiên đây là quan điểm hết sức sai lầm cần sớm được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng không nên gây áp lực cho học sinh trước mỗi kỳ thi bởi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của các em.Thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra không ít những vụ học sinh tự tử vì áp lực học tập, thi trượt đại học. Đó là thực trạng hết sức đáng buồn bởi thi đại học đâu phải là con đường duy nhất để sau này các em lập thân, lập nghiệp. Do vậy công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cần được thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình và nhà trường. Để từ đó giúp học sinh sáng suốt lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất cho tương lai.

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước mùa thi

Thời điểm này đang được xem là “thời điểm vàng” để đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp bởi các em học sinh cuối cấp THPT đang sắp bước vào kỳ thi quan trọng - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Các trường THPT đã xây dựng kế hoạch khảo sát sơ bộ về nhu cầu học đại học, học nghề của học sinh lớp 12. Qua đó phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, giúp học sinh có được những lựa chọn phù hợp trong tương lai.

Em Hà Thị Hương, lớp 12C3, Trường THPT Lâm Bình cho biết, em đã quyết định học xong THPT sẽ đăng ký đi học nghề may. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, lực học của em cũng bình thường, vì thế lựa chọn học nghề là rất phù hợp, học nghề xong em có thể đi làm để giúp gia đình tăng thu nhập.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Không chỉ trường học, nhiều cơ quan, đơn vị như Tỉnh đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Thông qua hoạt động ý nghĩa này vừa định hướng cho học sinh lựa chọn được những ngành nghề phù hợp theo nhu cầu xã hội, nhu cầu tại địa phương và nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và dịch bệnh như hiện nay. Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh. Do vậy, Sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh THCS, THPT và người lao động trên địa bàn. Mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 110.000 lao động…

Hiện nay, toàn tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ Trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 80% các trường THCS và THPT có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh...

Chị Ma Thị Toan, giáo viên Trường THPT Chiêm Hóa

Tôi cho rằng, khi tư vấn cho các em học sinh cần dựa vào 4 yếu tố cơ bản, bao gồm: Năng lực trình độ của học sinh, đầu ra khi tốt nghiệp ngành nghề đó, điều kiện kinh tế gia đình và cuối cùng mới là sở thích cá nhân. Tôi cũng thường xuyên tham khảo trên các kênh thông tin đại chúng, nhu cầu tuyển sinh, đầu ra của các ngành, nghề, từ đó tư vấn cho các em nên lựa chọn những trường nào phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện, hoàn cảnh, tính cách của từng em, cố gắng giúp các em hiểu rõ trình độ thực của mình, mình đang đứng ở vị trí nào, tránh chạy theo tâm lý đám đông, theo sở thích nhất thời… 

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Ngay từ đầu năm học, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, trường nghề, trường THPT, trường đại học tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho các em học sinh, sinh viên. Qua đó nhằm cung cấp thông tin về tư vấn hướng nghiệp, xu hướng nghề nghiệp và phân tích, dự báo về thị trường lao động giúp các em dễ dàng tiếp cận với các ngành nghề mình yêu thích hoặc ngành nghề có sức hút trên thị trường để chuẩn bị tâm thế và xác định được phương hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Ông Vi Thế Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Lực

Những năm qua, Công ty đã tuyển dụng người lao động thông qua các khóa đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Qua thực tiễn làm việc, hầu hết người lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Trong thời gian tới, đơn vị có nhu cầu về lao động sẽ liên kết với nhà trường để “đặt hàng” đào tạo, tuyển dụng lao động. Đồng thời, phối hợp với nhà trường đăng tải thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên website nhà trường, tạo động lực học viên phấn đấu  và doanh nghiệp tìm được ứng cử viên thích hợp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với trường nghề, cần sự chủ động của nhà trường trong việc chủ động kết nối, lắng nghe yêu cầu về nhân sự của doanh nghiệp.

Ông Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang

Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã mở rộng quy mô, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất; cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, quốc gia đối với các ngành nghề trọng điểm theo dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện tại trường đang thực hiện đào tạo 27 ngành, trong đó có 6 ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 15 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 83%. Trường cũng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Em Nguyễn Thanh Bình, lớp 12C5, Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang)

Chúng em hiện đã bước sang học kỳ 2 của năm học 2021 - 2022, là thời điểm nước rút để chúng em có sự cân nhắc quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình. Tuy nhiên, để có quyết định đúng đắn, chúng em rất cần có sự định hướng của người thân, thầy cô, nhà trường. Mong muốn nhà trường liên kết, phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề mà trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang đào tạo. Qua đó, chúng em xác định được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, lựa chọn được nghề phù hợp cho tương lai. 

 

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục