Hiện tại bế tắc, tương lai mịt mờ
Vấn nạn tảo hôn đã mang đến nước mắt khổ đau cho nhiều người. H.T.T, thôn Loa, xã Thành Long (Hàm Yên) lấy chồng và sinh con đầu lòng từ khi 16 tuổi. Học hết lớp 9, T. không thi đỗ vào lớp 10, em “tặc lưỡi” gắn bó cuộc đời mình với một người đàn ông. Đến giờ, em đã có 3 mặt con, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ nhất được 6 tháng. Trong số 3 đứa con của T, cháu thứ 2 đã 4 tuổi nhưng không biết nói, còn cháu thứ 3 sinh ra chỉ được 1,9 kg, đến giờ, bác sỹ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng. Chồng T. đi làm thuê, có tháng kiếm được 6 triệu, có tháng nhỉnh hơn một chút, còn T. ở nhà vừa trông 3 đứa con nhỏ, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống của hai vợ chồng cùng 3 đứa con chật vật, bấp bênh trôi qua theo ngày tháng. Khi được hỏi: “Sao lấy chồng sớm vậy?”, T. cúi mặt, đôi mắt buồn trào ra những giọt lệ và T. im lặng.
Đồng chí Hoàng Văn Hạ, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Đạo Viện (Yên Sơn) vận động nhân dân không tảo hôn.
Dẫn tôi đến cuối thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn), nơi có một chòm mấy ngôi nhà lúp xúp của người Mông, anh Hoàng Văn Hạ, công chức Tư pháp - hộ tịch xã bảo: “Đây là ngôi nhà của H.S.H, dân tộc Mông, trường hợp này cũng tảo hôn và khó khăn nhất”. Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng của anh H. hiện ra trước mắt tôi chưa đầy 25m2 nhưng có tới 6 khẩu cùng sinh sống. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường, một chiếc ti vi đã cũ. H. lấy vợ khi mới 17 tuổi, vợ H. lúc ấy mới 15 tuổi. Giờ hai vợ chồng H. có 4 đứa con. Đứa con lớn của H. vì nhiều lần không có tiền đóng học nên chẳng dám đến lớp, cán bộ xã lại phải xuống tuyên truyền, vận động. Nhà H. có 2 sào ruộng, hàng năm cấy cũng chỉ đủ ăn. Ngoài ra, hai vợ chồng H. đi làm thuê để lấy tiền nuôi 4 đứa con. Bao năm qua dù cố gắng đến mấy, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng gia đình H.
Theo anh Hoàng Văn Hạ, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Đạo Viện, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã có 12 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là đồng bào Mông. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống hiện tại bế tắc, tương lai mịt mờ. Nguyên nhân do tuổi còn quá trẻ đã phải làm cha, làm mẹ, đối mặt với những công việc của một người vợ, người chồng (dù chưa được pháp luật công nhận) nên chưa có đủ kỹ năng để làm kinh tế cũng như chưa có kỹ năng chăm sóc, xây dựng gia đình. Bởi vậy cuộc sống của những trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sỹ đa khoa Nông Thị Vĩ, Trưởng Trạm Y tế xã Thành Long (Hàm Yên) cho rằng, tảo hôn còn dẫn tới nhiều hệ lụy đau lòng khác đó là khi trẻ vị thành niên mang thai sớm thường thiếu sự chăm sóc trước sinh, trẻ sinh ra có nguy cơ bất thường cao, nguy cơ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Người mẹ dễ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Đặc biệt, người mẹ dễ sinh non, nhiễm độc thai nghén... Trường hợp các con của em T. ở thôn Loa cũng nằm trong số này.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thành Long, Hàm Yên tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em tại thôn Loa.
Thách thức đối với công tác vận động
Mặc dù thời gian qua, ngành dân số, y tế, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền gồm cả chuyên đề và lồng ghép về phòng, chống tảo hôn nhưng công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 120 trường hợp tảo hôn, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 76 trường hợp tảo hôn.
Qua đi thực tế của chúng tôi, tảo hôn xảy ra nhiều nhất ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao. Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, tại những vùng này là do vẫn còn hủ tục lạc hậu của đồng bào, con gái thì không nên học nhiều, đến tuổi là lấy chồng. Con gái càng lấy chồng sớm thì lễ vật thách cưới càng được cao. Tại một số nơi, đa số người Mông sinh sống rải rác, không tập trung, cán bộ ở cơ sở lại không thể nói được tiếng Mông nên rất khó trong công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình. Do đó, có những trường hợp xảy ra rồi, cán bộ xã mới nắm được. Ở một số nơi, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những hệ lụy của tảo hôn.
Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thực sự đa dạng. Theo đồng chí Đinh Tố Uyên, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Dân số huyện Yên Sơn, hiện nay, trong nhận thức của một số cán bộ vẫn cho rằng tuyên truyền, vận động không tảo hôn là trách nhiệm của ngành dân số, y tế, của cán bộ dân số. Về vấn đề này, các cấp, ngành cần phải có nhận thức đúng rằng phòng, chống tảo hôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng. Công tác tuyên truyền cần phải được tổ chức thực hiện từ trong gia đình, nhà trường rồi về địa phương. Nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, ngành dân số, y tế... cùng vào cuộc.
Bên cạnh những giải pháp này, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời can thiệp, ngăn chặn tảo hôn của cán bộ cơ sở, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Bởi trên thực tế, nhờ có sự sâu sát của cán bộ cơ sở, của người có uy tín đã kịp thời vận động thành công nhiều trường hợp không tảo hôn.
Công tác tuyên truyền, vận động cần tiếp tục được đổi mới theo hướng phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc sinh sống; chú trọng tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh thông qua chiếu video, phát tờ rơi, tờ gấp về hậu quả của tảo hôn.
Chừng nào tảo hôn vẫn còn thì còn đó những hệ quả nặng nề không chỉ ở hiện tại mà còn cả thế hệ tương lai. Do đó cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ kiên quyết ngăn chặn vấn nạn này.
Gửi phản hồi
In bài viết