Nguyên nhân
Sinh con gái đầu lòng, nên gia đình anh Nguyễn Văn Quang, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) khá áp lực khi lên kế hoạch sinh con thứ hai. Để chắc ăn, anh chị quyết định “can thiệp” chọn phôi và đặt sinh đôi 2 con trai. Anh Quang chia sẻ, việc sinh được con trai khiến anh chị yên tâm hơn khi về già. Thêm vào đó, cảm giác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng được cải thiện đáng kể sau khi vợ anh sinh đôi 2 cháu trai.
Số lượng bé trai áp đảo đang diễn ra tại khá nhiều địa phương. Tại con ngõ nhỏ ở tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), sự mất cân bằng này có thể thấy bằng mắt, khi ngày hè, lũ trẻ rủ nhau chơi trong ngõ, trong số hàng chục bé trai lứa tuổi từ 4 đến 12, chỉ có khoảng 2 - 3 bé gái. Việc sinh được con trai trở thành yếu tố đảm bảo cho nhiều gia đình.
Kiểm soát giới tính khi sinh đảm bảo ổn định xã hội.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Số liệu mới nhất năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Theo ông Nguyễn Hồng Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi vẫn là định kiến giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thêm vào đó, việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính. Mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), nhưng các ông bố, bà mẹ vẫn dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi.
Ngoài ra là các quan niệm truyền thống về phụng dưỡng, nhu cầu lao động, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.
Hệ lụy khó lường
Theo ông Nguyễn Hồng Tư, mất cân bằng giới tính đã được cảnh báo là sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng.
Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy được mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân” là thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới. Con số này đến 2050 sẽ tăng lên 4,3 triệu. Điều này khiến cho nhiều nam giới khó có khả năng lấy vợ; đặc biệt là ở nhóm nam giới có nền tảng kinh tế - xã hội thấp.
Cán bộ y tế thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong thôn.
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm... Ông Tư cũng cảnh báo, để có được con trai, nhiều phụ nữ phải phá thai nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Phá thai và cố đẻ để có con trai đều ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do phải tăng thêm chi phí để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ, giảm thu nhập của các thành viên trong gia đình.
Các cá nhân và đặc biệt là người phụ nữ có thể phải chịu áp lực, kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí bạo lực do sự ưa thích con trai. Giá trị, vị thế của người phụ nữ không có con trai bị giảm thấp và thậm trí buộc phải ly hôn vì không có con trai…
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế), không chỉ mất cân bằng giới tính, những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 có xu hướng xuất hiện ở các thành phố, khu vực trung tâm.
Gia đình chị N.T.H, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã có 2 cô con gái năm nay theo học THCS. Ban đầu, hai vợ chồng nghĩ “con nào cũng là con”, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè, bị trêu chọc sinh con 1 bề, lại thêm thúc giục từ ông bà nội, năm 2020, chị H. quyết định can thiệp và sinh thêm con thứ 3.
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 813 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, nhiều nhất là Sơn Dương 317 trường hợp, Yên Sơn 170 trường hợp. Còn lại, tất cả các địa phương đều có các trường hợp sinh con thứ 3.
Hoàn thiện chính sách và luật pháp
Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các nghị định, Quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh...
Trong các bộ luật này, ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam và nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái.
Chị Lý Thị Thanh, cán bộ y tế thôn Lay, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) vận động chị em phụ nữ trong thôn sinh đẻ có kế hoạch.
Bên cạnh việc ban hành, thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã ban hành các nghị định, thông tư, Chiến lược quốc gia và thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan.
Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu “Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 là “Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020”.
UBND tỉnh ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025. Mục tiêu của tỉnh là khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới 0,4 điểm phần trăm/năm, phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh dưới mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020; Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên khoảng 106 trẻ trai/100 trẻ gái chậm nhất vào năm 2025.
Tỷ số giới tính khi sinh được xem là cân bằng khi đạt ở mức 103 - 105 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tại Tuyên Quang, tỷ lệ này đến thời điểm hiện tại vẫn khá xa mục tiêu. Cụ thể, năm 2021 là 111,7 bé trai/100 bé gái. Năm 2022, tỷ lệ này giảm nhẹ, 110,9 bé trai/100 bé gái. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này lại có xu hướng tăng lên: 111 bé trai/100 bé gái.
Bà Đinh Tố Uyên, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Dân số, Trung tâm Y tế dự phòng Yên Sơn cho biết, sau khi triển khai đề án, ngành Y tế Yên Sơn đã rất nỗ lực kiểm soát tỷ lệ sinh bé trai/bé gái hàng năm. Năm 2022, tổng số trẻ sinh ra của toàn huyện là 1.606 bé, thì bé gái là 766, trong khi bé trai 840. 6 tháng đầu năm 2023, số bé gái được sinh ra là 357/758 trẻ sơ sinh. Theo bà Uyên, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Cùng với việc triển khai đề án, Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng dân số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ khoa cũng hướng dẫn các địa phương thành lập các Câu lạc bộ tiền hôn nhân tại 8 xã trên địa bàn, gồm Công Đa, Đạo Viện, Hùng Lợi, Trung Môn, Hoàng Khai, Trung Minh, Trung Sơn. Để không ngừng nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm Y tế dự phòng Yên Sơn tới đây sẽ tổ chức khám tư vấn sức khỏe trước hôn nhân cho người dân 4 xã Công Đa, Trung Sơn, Lực Hành, Kiến Thiết.
Tại huyện Na Hang, việc tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, tư tưởng “sinh bằng được con trai” cũng được Trung tâm Y tế dự phòng huyện đặc biệt quan tâm. Theo ông Dương Văn Lụy, Trưởng khoa Ngoại, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thời điểm này, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã thay đổi đáng kể trên địa bàn huyện, thể hiện qua số bé trai/bé gái được sinh ra. Như năm 2022, số bé trai được sinh ra là 262, bé gái là 220 thì 6 tháng đầu năm 2023, con số này lần lượt là 107/109. Theo ông Lụy, sự chênh lệch ngày càng giảm đã khẳng định Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 đã đi vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Hồng Tư, để việc triển khai Đề án được hiệu quả hơn, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, thì cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương; sự phối hợp thường xuyên, liên tục hơn giữa các sở, ban, ngành với ngành trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi cũng phải được thực hiện quyết liệt hơn, khi trên thực tế, kể từ khi ra đời, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào bị xử phạt do vi phạm.
Gửi phản hồi
In bài viết