“Trọng nam khinh nữ” - hủ tục cần sớm loại bỏ
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, những vụ ly hôn hay bạo lực liên quan đến bất bình đẳng giới vẫn diễn ra. Tra thông tin trên google thấy rất nhiều những vụ án gây rúng động trong cả nước mà nguyên nhân sâu xa từ việc “trọng nam khinh nữ”, điển hình là vụ: Một người đàn ông ở Nghệ An được cho là đã treo cổ tự tử sau khi vợ sinh đứa con gái thứ 3 vì không chịu được áp lực; người đàn ông ở Đà Nẵng bị khởi tố vì thường xuyên đánh đập vợ đến nỗi phải nhập viện vì vợ sinh 3 người con gái; người đàn ông ở Thừa Thiên Huế đuổi vợ ra khỏi nhà do không sinh được con trai...
Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Trên địa bàn tỉnh, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã dần được đẩy lùi nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Tuy nhiên ở đâu đó, tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đó là có gia đình cố đẻ cho bằng được con trai vì cho rằng không có con trai là không có người “nối dõi tông đường”, việc trêu chọc cho rằng đẻ con “một bề” là gái vẫn còn xảy ra...
Anh Đ.V. M. ở thành phố Tuyên Quang cho biết, vợ chồng anh sinh được 2 người con gái đều rất ngoan ngoãn, học giỏi. Thế nhưng mỗi lần ở quê có việc, ngồi uống rượu là kiểu gì cũng bị nói kháy như “đẻ con gái thì ngồi mâm dưới đi”, hay “ra nhập FC ông ngoại đi”, “Làm gì nhiều để cho con rể nó tiêu”... Thế nhưng, anh bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu và với vợ chồng anh thì con nào cũng là con và quan trọng là phải quan tâm, chăm sóc các con đến nơi đến chốn để các con nên người, có cuộc sống hạnh phúc.
Cùng quan điểm với anh M, Thạc sỹ Phạm Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên trường Đại học Tân Trào cho rằng, “trọng nam khinh nữ” là một hủ tục, tư tưởng từ thời phong kiến cần được xóa bỏ. Nếu còn “trọng nam khinh nữ” sẽ là những rào cản kéo lùi sự phát triển của xã hội. Ngày nay, cả thế giới đang lên án và có rất nhiều những hành động quyết liệt nhằm bảo vệ, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái trước tình trạng bạo lực cũng như phân biệt, đối xử. Khi xã hội bình đẳng nam nữ sẽ góp phần giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính, đồng thời xây dựng một xã hội toàn diện và phát triển hơn.
Xây dựng xã hội nam nữ bình đẳng
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ càng có điều kiện và môi trường thể hiện vai trò không thua kém gì cánh “mày râu”. Ở trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề công tác đều thấy vai trò của người phụ nữ đã được phát huy, mang lại những giá trị lớn trong xã hội. Nhiều ngành nghề được coi là chỉ có cánh nam giới mới đảm nhận được thì phụ nữ đã làm rất tốt.
Các sinh viên nữ theo học lớp Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Em Lý Thị Dung, dân tộc Dao ở xã Yên Thuận (Hàm Yên) là tấm gương vượt khó trong cuộc sống và học tập. Sinh ra trong gia đình hộ nghèo nên Dung luôn ấp ủ ước mơ đi học nghề để sau này thay đổi cuộc sống. Dung đã đăng ký học nghề Điện Công nghiệp do trường Cao đẳng nghề và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Cứ nghĩ nghề này chỉ dành cho “cánh mày râu” nhưng Dung lại luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập và em đã được một doanh nghiệp lớn ở Vĩnh Phúc đón đi làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Dung tâm sự, với bản tính cần cù, chịu khó cộng với nghị lực vươn lên thì chị em phụ nữ có thể làm tốt được nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, quan trọng là mình có sự đam mê và niềm tin cuộc sống. Bên cạnh đó, sự quan tâm động viên từ gia đình, nhà trường đã tiếp thêm động lực giúp em trưởng thành.
Tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức bình đẳng giới với nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chào mừng ngày quốc tế phụ nữ, phụ nữ Việt Nam gắn với những việc làm ý nghĩa, thiết thực, giúp phụ nữ cảm thấy được trân trọng và đúng là “một nửa của thế giới”. Chị Trần Thị Vinh ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, vào các ngày lễ lớn như ngày 8-3, ngày 20-10, ngày Gia đình Việt Nam... ở thôn thường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tặng hoa, quà động viên chị em phụ nữ... Từ đó, chị em phụ nữ cảm thấy được yêu thương, trân trọng và sẻ chia nhiều hơn trong cuộc sống.
Xác định công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là những nội dung quan trọng nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nên trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả bình đẳng giới. Tuyên Quang được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương thuộc tốp đầu trong cả nước về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị 21/CT-TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, là tỉnh có tỷ lệ cấp ủy viên nữ cao nhất (đạt 29,2%), trong top 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND về việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình liên quan đến công tác bình đẳng giới hàng năm, giai đoạn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm thực hiện tốt các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới...
Gửi phản hồi
In bài viết