Phía sau những tấm huy chương

- Dưới sự huấn luyện của huấn luyện viên (HLV) Lâm Văn Hưng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, môn đua thuyền đã khẳng định được vị thế tại các giải đấu quốc gia và đem về những tấm huy chương.

Vượt khó tìm kiếm vận động viên

Đội tuyển đua thuyền Tuyên Quang được thành lập năm 2012, với 1 HLV và 3 vận động viên (VĐV). Ngay từ những ngày đầu tập luyện, môn đua thuyền đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bài toán cần giải quyết đầu tiên là việc tìm kiếm thêm VĐV cho đội. Để chọn được những VĐV phù hợp với môn thể thao này, cần những người có thể hình tốt, khỏe mạnh và sải tay dài nên công tác tuyển chọn cũng không đơn giản.

Để có đủ VĐV tập luyện, HLV Lâm Văn Hưng đã phải lặn lội về tận các thôn, bản, trường học, “đỏ mắt” tìm từng VĐV. Anh Hưng cho biết: việc tìm được VĐV đáp ứng yêu cầu về thể hình không hề dễ dàng, kể cả khi may mắn chọn được người thì lại vấp phải sự phản đối của gia đình các em vì bộ môn thể thao này mới mẻ, mặt khác môi trường tập luyện quá khắc nghiệt, phải thường xuyên tập luyện ngoài trời và tiếp xúc với sông nước.

HLV Lâm Văn Hưng.

Anh Hưng kể, tháng 7-2013 trong 1 lần anh đi tuyển VĐV tại xã Hồng Quang (Lâm Bình), đến Chiêm Hóa bỗng trời đổ mưa tầm tã, trú mưa gần 2 giờ đồng hồ mà vẫn không ngớt, thế là anh khoác áo mưa tiếp tục lên đường. Trời mưa to, đường trơn anh ngã lộn nhào vài lần cuối cùng rồi cũng đến nơi. Khi đến nơi thấy các em và cán bộ xã vẫn ở đó đợi mình, mặc dù đã quá thời gian hẹn. Anh thấy xúc động, càng tạo động lực để anh quyết tâm làm sao khi đã tuyển chọn được VĐV rồi phải rèn luyện, huấn luyện để các em đạt được những thành tích cao nhất tại mỗi giải đấu.

Tuyển được VĐV rồi, nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất huấn luyện không đảm bảo, đội tuyển đua thuyền của tỉnh phải đưa về Hà Nội để tập luyện; dụng cụ tập luyện thiếu thốn, có lúc cả đội gần 10 người phải chung nhau tập một chiếc thuyền. Chuyện ăn ở của các VĐV cũng do anh lo và suốt một thời gian dài là cảnh ở trọ, ăn cơm bụi. Không phàn nàn về thiếu thốn, vất vả, HLV Lâm Văn Hưng vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh: “Mưa to thì nghỉ, tạnh lại tập. Phòng tập thể lực trống lúc nào tập lúc ấy, mặt nước lặng lúc nào chèo thuyền lúc ấy”.

Bằng sự tận tụy truyền dạy của HLV, sự kiên trì, chăm chỉ tập luyện và nỗ lực vượt khó của các VĐV, đội đua thuyền Tuyên Quang dần đạt được những tiến bộ vượt bậc.

Say nghề, nghề chẳng phụ

Không phụ lòng thầy, các tay chèo Tuyên Quang liên tục đạt thành tích xuất sắc tại các giải quốc gia. Năm 2012, lần đầu tiên các VĐV đoàn Tuyên Quang tham gia Giải đua thuyền trẻ toàn quốc đã giành Huy chương Đồng và trong những năm tiếp theo tại các giải đều giành được thành tích cao. Năm 2022, các VĐV tham gia tại Giải đua thuyền cup Canoeing giành được1 Huy chương Bạc; Giải đua Rowing và Canoeing vô địch các CLB toàn quốc giành được 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX giành được 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Mới đây nhất là tại Giải đua Rowing và Canoeing vô địch các CLB toàn quốc được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 4 vừa qua, đoàn Tuyên Quang đã giành được 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc... Với những kết quả đã đạt được, môn đua thuyền đã góp công lớn cho thể thao thành tích cao của tỉnh nhà. 

HLV Lâm Văn Hưng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi gặp mặt, tuyên dương 100 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh.

Cứ nối tiếp “con chị nó đi, con dì nó lớn”, đua thuyền Tuyên Quang đóng góp nhiều gương mặt VĐV xuất sắc trong thành phần đội tuyển quốc gia như: Lý Thị Na, Nguyễn Thị Khằn...

Ngoài tuyển chọn VĐV tập luyện cho đội tuyển của tỉnh, HLV Hưng còn phối hợp với bộ môn đua thuyền Hà Nội tuyển chọn các VĐV cho đội đua thuyền Hà Nội. Đến nay có nhiều VĐV được HLV Hưng tuyển chọn đã có nhiều thành tích tại các giải đấu trong nước và tại các kỳ Sea Games như: Nguyễn Văn Tuấn, giành 1 Huy chương Bạc tại Sea Games 22; Đinh Thị Hảo, giành 3 Huy chương Vàng tại Sea Games 22 và mới đây nhất VĐV Ma Thị Thương, đã giành được 3 tấm Huy chương Vàng tại Sea Games 23.

40 tuổi đời, 13 năm tuổi nghiệp, trong đó có hơn 10 năm làm HLV môn đua thuyền, anh đã góp công lớn đem về những tấm huy chương cao quý tại các giải đấu toàn quốc. Anh Hưng chia sẻ: “Vất vả ư, nói thực là người khác ra hồ lúc gió mùa về là sụt sịt, chứ mình ra hồ lúc nào cũng thấy khỏe hơn, chắc tại mệnh mình hợp sông nước. Say nghề, nghề chẳng phụ mình. Tôi không giàu về tiền bạc nhưng có duyên đào tạo nhiều trò giỏi, được cộng tác với nhiều chuyên gia, được nhiều lần vinh danh HLV tiêu biểu của thể thao. Với tôi, đó là vốn quý, là sự ghi nhận của mọi người đối với nỗ lực làm nghề, cũng là một chút tự hào để tự tâm đắc với bản thân”.

Không thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như môn thể thao vua, các VĐV đua thuyền Tuyên Quang và những người con Tuyên Quang mà HLV Lâm Văn Hưng “đãi cát tìm vàng” lặng lẽ ghi danh ở những đấu trường trong nước và khu vực dù luôn phải đối mặt với sự thiếu thốn, khó khăn. Phía sau những tấm huy chương đó luôn có hình bóng người thầy chân chất, giản dị, say nghề, giỏi nghề, luôn gắn bó và hiểu rõ các học trò của mình. Vừa qua anh vinh dự là 1 trong 100 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục