Đối tượng sử dụng ngày càng trẻ
Có mặt tại một quán nước thuộc phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), một nhóm thanh thiếu niên cả nam và nữ cầm trên tay những điếu thuốc lá điện tử nhả khói sành điệu. Mùi khói thuốc, cộng với mùi hương liệu lan tỏa trong căn phòng nhỏ.
Những việc như này không khó bắt gặp tại nơi công cộng khi thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới đang được nhiều người trẻ đánh đồng với sự sành điệu, “cho bằng bạn bằng bè”.
Đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu và tang vật bị thu giữ. (Ảnh CA TP Tuyên Quang)
Mới đây, dòng trạng thái tìm con của một người mẹ ở Đội Cấn (TP Tuyên Quang) khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Theo đó, cậu bé năm nay vừa vào lớp 10, bị cha mẹ bắt gặp khi đang hút thuốc lá điện tử trong phòng riêng. Sau khi to tiếng với cha mẹ, cậu bỏ nhà đi vì cho rằng cha mẹ không hiểu mình, không hiểu cuộc sống hiện tại của người trẻ. Rất may mắn, sau 3 ngày bỏ nhà đi, cậu bé tự trở về nhà và hứa không sử dụng lại loại thuốc này nữa.
Bộ Y tế cho biết, hiện ở Việt Nam các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành. Tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24, chiếm 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3% và học sinh nữ là 2,8%.
Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, nhưng đến năm 2020, đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới mới đây đã xuất hiện trong nghị trường, khi tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, nhiều đại biểu lo lắng khi tình trạng giới trẻ sử dụng ngày càng nhiều. Theo lãnh đạo Công an tỉnh, sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn như kẹo, trái cây, sô-cô-la... cùng những lời quảng cáo không gây hại, sành điệu, hợp thời, đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào đời sống thanh thiếu niên.
Nguy cơ từ nghiện thuốc lá sang nghiện ma túy
Bác sĩ Đinh Mạnh Phương, Thạc sĩ Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc cảnh báo: Hầu hết thuốc lá điện tử hiện nay có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, độc hại; gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Bên cạnh đó, nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ... Thuốc lá điện tử còn chứa chất gây ung thư có trong thuốc lá thông thường. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp, đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật như ung thư phổi, ung thư thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, liệt dương... Bác sĩ Phương cũng cảnh báo, một số chất ma túy cũng có thể được cho vào thuốc lá điện tử để tăng cảm giác của người dùng có thể gây hậu quả khôn lường. Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu ở trẻ như cử động chậm chạp, trạng thái lơ mơ. Đây là biểu hiện của nghiện thuốc lá điện tử, cần được can thiệp kịp thời.
Theo đồng chí Vũ Thanh Xuân, Phó Trưởng Công an TP Tuyên Quang, thuốc lá điện tử có đến 20.000 hương liệu khác nhau, do đó cũng rất khó kiểm soát được nguy cơ một số đối tượng lợi dụng trà trộn ma túy tổng hợp vào trong.
Tại nhiều địa phương, các trường hợp ngộ độc do hút thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc do hút thuốc lá điện tử, nhưng tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử có tẩm ma túy bị phát hiện đã có.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ra Văn bản số 2015/UBND-THVX ngày 18/5/2023 về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; Văn bản chỉ đạo về triển khai Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24-5-2023 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong khu vực xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử. Đầu tháng 6-2023, qua công tác nắm tình hình tại địa bàn thành phố Tuyên Quang, tình trạng nhiều thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy (Pod Chill), Công an TP Tuyên Quang đã xác lập chuyên án, huy động lực lượng, phương tiện, khẩn trương điều tra, làm rõ nguồn gốc Pod Chill xuất hiện tại địa bàn và làm rõ các đối tượng có liên quan.
Qua điều tra, xác định 2 đối tượng người ngoại tỉnh là Trần Anh Dũng, sinh năm 1986, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội) và Trần Văn Huân, sinh năm 1997, trú tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã bị bắt giữ, khởi tố bị can về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự. Tang vật thu giữ gồm 100 sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy MDMB-4en-PINACA.
Đáng nói, việc điều chế các chất ma túy được các đối tượng thay đổi liên tục, nhiều chất không có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Như mới đây, Công an thành phố Đà Nẵng đã thông báo về một chất ma túy mới, được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, đó là chất ADB-4en-PINACA. Theo các mẫu thu giữ tại Đà Nẵng và một số địa phương khác, chất này có tác dụng gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy và rất khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường khi giám định. Đối tượng đã áp dụng thủ đoạn hòa tan chất ADB-4en- PINACA thành dung dịch và phun tẩm vào mẫu cỏ khô cắt nhỏ, sợi thuốc lá điếu, thuốc lào hoặc pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử khi sử dụng để gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy. Chất này không nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ, do đó sẽ gây khó khăn cho công tác đấu tranh và xử lý tội phạm sử dụng, vận chuyển, buôn bán trái phép chất này.
Theo cơ quan chức năng, khó khăn nhất trong quản lý hạn chế thuốc lá điện tử là hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra trên không gian mạng, người sử dụng lập thành hội nhóm riêng để trao đổi, mua bán. Trong khi đó, thuốc lá điện tử thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, pháp luật hiện nay chưa có quy định. Việc xử lý, kiểm soát chủ yếu trên lĩnh vực kinh doanh hàng hóa.
Ngày 22-6-2023, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Tuyên lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Hải, sinh năm 2003, trú tại tổ 1, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong buôn bán thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm, tang vật thu giữ là 55 sản phẩm thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.
Truyền thông về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế) Vũ Chí Thành cho biết, 2 năm trở lại đây, cùng với truyền thông về tác hại của thuốc lá thông thường, Trung tâm tập trung truyền thông về tác hại của thuốc lá thế hệ mới tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Như năm học 2022 - 2023, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đã được tuyên truyền về cách nhận biết, tác hại của thuốc lá điện tử. Đặc biệt, nhiều trường học ngoài học sinh và giáo viên, nhà trường đã mời thêm phụ huynh học sinh cùng tham dự như Trường THCS An Tường, THCS Bình Thuận… Đây là cách làm để có sự phối hợp nhiều bên để tăng cường hiệu quả.
Tỉnh đoàn Tuyên Quang cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, đoàn viên, thanh niên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Ngoài ra, tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi, sinh hoạt ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, phổ biến kiến thức cho đoàn viên thanh niên về phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong đoàn viên thanh niên và học sinh.
Đồng chí Cao Trung Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho rằng, để ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới xâm nhập giới trẻ, không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường. Chỉ khi có sự vào cuộc của nhiều bên, việc ngăn chặn, xử lý thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới mới triệt để. Lực lượng công an cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đặc biệt là quanh khu vực các trường học để đảm bảo môi trường lành mạnh cho thanh thiếu niên.
Gửi phản hồi
In bài viết