Sắt son niềm tin với Đảng

- Năm tháng dẫu đi qua nhưng tấm lòng người dân vùng chiến khu cách mạng vẫn sắt son một niềm tin yêu với Đảng và Bác Hồ. Nơi đây, bằng tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, người dân đang nỗ lực xây dựng vùng chiến khu năm xưa ngày càng trù phú, ấm no.

Về làng văn hóa Tân Lập hôm nay

Nếu có dịp về Tân Trào, không thể không ghé thăm làng văn hóa Tân Lập, nơi có gần 200 hộ dân tộc Tày quần cư, sinh sống. Hiện, hàng chục hộ dân vẫn còn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Đặc biệt có hai ngôi nhà sàn mang giá trị lịch sử to lớn: Nhà cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày đầu khi Người trở về từ Pác Bó (Cao Bằng) và nhà cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã được tu sửa, chỉnh trang, xây mới, được trang trí các loài hoa ở cổng, được gắn biển tên homestay để đón khách du lịch.

Cầu Trắng ở Tân Trào.

Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám này, du khách khi đến làng văn hóa Tân Lập, ai cũng muốn đến thăm ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Sự để dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính với Bác. Anh Nguyễn Văn Bế, cháu nội của cụ Nguyễn Tiến Sự mấy ngày nay cũng tất tả với việc đón khách do khách có nhu cầu đặt cơm và ngủ nghỉ lại ngôi nhà của anh. Ngôi nhà sàn cũng vừa được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng để anh Bế chỉnh trang, hiện có thể đón 30 khách đến lưu trú. Anh Bế cũng được tham gia các lớp học nấu ăn, các lớp du lịch cộng đồng, nâng cao kỹ năng làm du lịch. Anh Bế chia sẻ: “Ngôi nhà luôn được gia đình giữ gìn sạch sẽ, thoáng mát. Tôi trồng các loài hoa xung quanh nhà để tạo cảnh quan đẹp, trồng các loại rau sẵn có trong vườn để phục vụ khách du lịch. Bao năm nay, gia đình tôi vẫn duy trì nghề nuôi ong mật tự nhiên trên rừng để lấy sản phẩm ong chất lượng cao phục vụ khách tham quan”.

Cách đó không xa là ngôi nhà của cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở, làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Căn nhà cũng là nơi đánh máy bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Anh Hoàng Văn Nhiên, cháu nội của cụ Hoàng Trung Dân giờ đã là chủ một nhà hàng, cơ sở lưu trú lớn bậc nhất ở Tân Trào nhưng trong ngôi nhà sàn lịch sử, những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được đặt ở nơi trang trọng nhất. Dù bận rộn với công việc đón tiếp khách du lịch liên tục nhưng anh Nhiên luôn cởi mở và sẵn sàng là hướng dẫn viên du lịch về lịch sử ngôi nhà sàn của mình. Anh Nhiên chia sẻ, những năm qua, anh luôn nỗ lực xây dựng và phát triển ngôi nhà của mình không những trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn của khách tham quan mà còn là cơ sở phục vụ ăn uống, lưu trú có uy tín ở Tân Trào. Từ một nhà hàng chỉ phục vụ được hàng chục mâm cơm, đến nay, anh đã xây mới, mở rộng và có thể phục vụ nhu cầu ăn uống của hàng trăm khách du lịch. Mặc dù phát triển du lịch như vậy, nhưng anh Nhiên vẫn giữ ngôi nhà sàn có một không gian thiêng liêng, yên tĩnh để khách đến đây tưởng nhớ về vị Đại tướng của dân tộc và có thể trải nghiệm nét văn hóa ẩm thực, sinh hoạt của người Tày.

Tân Lập giờ đây đang vươn mình từ những giá trị lịch sử, văn hóa để trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch.

Làng văn hóa Tân Lập.

Tự lực phát triển kinh tế

Người dân Tân Trào giờ đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, không  trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế như thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, làm du lịch cộng đồng, phát triển dịch vụ, thương mại.

Chúng tôi về Tân Trào đúng vào ngày chợ phiên. Phiên chợ không còn như trước mà tấp nập, nhộn nhịp, kẻ bán, người mua. Từ các xã ATK như Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện hay thị trấn Sơn Dương, người dân cũng đổ về đây để lựa cho mình các mặt hàng nông sản của người dân Tân Trào. Đồng chí Viên Văn Ánh, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cả cho biết, chợ phiên Tân Trào giờ chẳng thiếu mặt hàng gì, cái gì cũng có. Trong cảnh tấp nập của phiên chợ, xa xa thấp thoáng mái đình Hồng Thái với dòng người đổ về đây tham quan rất đông.

Ngoài phát triển các dịch vụ du lịch, trên địa bàn xã Tân Trào có nhiều mô hình kinh tế, trong đó cây chè đem lại thu nhập đáng kể cho bà con. Ảnh: Thanh Phúc

Thôn Cả hiện có 315 hộ dân, trong đó có khoảng 120 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại. Đây là thôn có mức sống cao nhất trong xã Tân Trào với mức thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm. Không chỉ phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất mà Nhân dân trong thôn còn xây dựng được các mô hình trồng cây ăn quả như ổi, bưởi, táo, thanh long, hồng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Vườn cây ăn quả lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước của gia đình anh Vũ Xuân Chín, thôn Cả là mô hình điển hình về tinh thần vượt khó của người dân vùng chiến khu. Khu vườn ăn quả rộng 1 ha với 140 gốc bưởi Cát quế, 160 cây ổi Thái Lan, 200 cây táo Đại mật và Kim đào mật, hàng chục cây hồng giòn gốc Đà Lạt đang cho quả. Mỗi năm từ cây ăn quả, gia đình anh Chín thu lãi trên 300 triệu đồng. Anh Chín cho biết: “Giấc mơ của tôi là làm giàu cho mảnh đất lịch sử, cung cấp cho khách tham quan khi về với Tân Trào nhiều loại trái cây đặc sản của chúng tôi, để ai về Tân Trào cũng nhớ mãi và muốn quay lại”.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cả - Viên Văn Ánh cho biết,  đời sống người dân trong thôn ngày càng phát triển, khấm khá nhưng người dân vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp. Đình Hồng Thái - Nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên khi Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 21-5-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 luôn được nhân dân nơi đây vệ sinh, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hàng năm, vào các dịp lễ hội truyền thống của đình, nhân dân đều đóng góp lễ vật và tổ chức các trò chơi dân gian.

Bằng niềm tin yêu với Đảng, Bác Hồ và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, người dân nơi đây luôn nhớ về nguồn cội nhưng không ngừng hướng tới tương lai, nhằm xây dựng vùng chiến khu cách mạng ngày càng giàu đẹp hơn.


Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng

Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị,

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

tại Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tuyên Quang có vị trí địa chính trị và vị trí chiến lược quan trọng. Vùng đất Tuyên Quang có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã có những đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Tuyên Quang được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm địa bàn đặt cơ quan đầu não của Trung ương Đảng. Điều đó thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối tầm nhìn xa trông rộng, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.

Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, An toàn khu, căn cứ địa chiến lược, đã hoàn thành trọng trách vẻ vang, bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa danh thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi trong “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Sáu năm gắn bó với Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng; một hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ, người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha già hết mực giản dị, thương yêu, gần gũi của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, ý chí, khát vọng đổi mới và phát triển trong công cuộc xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.


Tự hào là trung tâm căn cứ địa cách mạng

Nhà nghiên cứu lịch sử Phù Ninh

Lịch sử ngày càng cho thấy sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Thường vụ Trung ương khi quyết định chọn Tân Trào làm điểm xuất phát, tổng khởi nghĩa trong cả nước. Với vai trò là trung tâm căn cứ cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Tuyên Quang đã góp phần quan trọng trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Tuyên Quang là địa phương sớm xây dựng được cơ sở chính trị vững mạnh. Căn cứ địa cách mạng ở Tuyên Quang được xây dựng vững chắc, đáp ứng các điều kiện để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chọn làm nơi đặt đại bản doanh lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Quân và dân Tuyên Quang đã bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, cán bộ cách mạng và các cơ quan Trung ương; giải phóng thị xã Tuyên Quang đã góp phần quan trọng vào thành công của Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đặc biệt, với tinh thần yêu nước, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong điều kiện tiềm lực kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã vươn lên đáp ứng cao nhất cho nhu cầu của cách mạng. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Khu giải phóng chưa có nguồn thu, không có vật chất, ngân sách, kinh phí... mọi thứ đều dựa vào sự ủng hộ của nhân dân. Tất cả hậu cần do nhân dân cung cấp bởi chúng ta chưa có kho quân nhu, hậu cần chuyên nghiệp. Riêng việc đó thôi cũng thấy rằng, sức dân đóng góp cho Cách mạng tháng Tám như thế nào.


Phát huy truyền thống quê hương cách mạng

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, 

Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, tuổi trẻ Tuyên Quang hôm nay không ngại gian khó, xung kích, cống hiến sức trẻ, chung tay giúp đỡ cộng đồng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai mạnh mẽ đến các cấp bộ Đoàn, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và tạo hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng như: Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị; các phong trào của học sinh, sinh viên, như “3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”. Thời gian tới, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, các cấp bộ Đoàn - Hội tiếp tục quan tâm tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường để thế hệ trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện và trưởng thành. Điển hình như phong trào “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Tuổi trẻ đền ơn đáp nghĩa, vì an sinh xã hội”, phong trào hiến máu tình nguyện, hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục