Tự hào Thủ đô Khu giải phóng

- Với vai trò là trung tâm căn cứ cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Tuyên Quang đã góp một phần quan trọng trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Từ căn cứ địa Tuyên Quang, với sự có mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lịch sử đất nước - dân tộc sang trang mới. Với những sự kiện quan trọng diễn ra trên căn cứ cách mạng Tuyên Quang, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những năm dài nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do.

Tuyên Quang có vị trí địa chính trị và vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất Tuyên Quang có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang có tinh thần yêu nước nồng nàn và đã có những đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.

Du khách về nguồn tham quan lán Nà Nưa.

Sự kiện mang tính dấu ấn trong lịch sử cách mạng Tuyên Quang trong thời kỳ tiền khởi nghĩa chính là sự ra đời của Phân khu Nguyễn Huệ (10-1944) với khởi nghĩa Thanh La đã lật đổ chính quyền của thực dân Pháp - phát xít Nhật và các thế lực phong kiến tay sai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Từ thắng lợi này, ta có châu Tự Do gồm một vùng đất rộng lớn, trở thành trung tâm căn cứ địa của cả nước. Nơi đây hội đủ điều kiện để Bác Hồ và Trung ương Đảng đặt đại bản doanh, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Người chỉ rõ: nơi ấy phải vững vàng, có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ, phải phát triển được lực lượng vũ trang; có chính quyền cách mạng của địa phương và có căn cứ địa vững vàng.
Ngày 4/5/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Bó - Cao Bằng về Tuyên Quang - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cả thế tiến công, phòng thủ đều thuận lợi trong sự lựa chọn sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Người. Sau một thời gian khảo sát, cuối tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Nà Nưa (thôn Tân Lập - xã Tân Trào) làm nơi dựng lán để ở và làm việc, đồng thời cũng là “đại bản doanh” của cách mạng. Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Người đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Từ Tân Trào - Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã có những quyết sách lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tân Trào được chọn làm “Thủ đô của Khu Giải phóng”, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam và trở thành Trung tâm lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng. Đầu tháng 8 năm 1945, các đại biểu trong nước và nước ngoài về Tân Trào để dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Mặc dù đang bệnh nặng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm việc và ngay tại lán Nà Nưa, Người chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Theo tư tưởng đó, ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đại diện cho 5.000 đảng viên trong cả nước khai mạc tại Tân Trào, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tình hình vô cùng khẩn cấp, Hội nghị làm việc trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 8 năm 1945. Hội nghị đã quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Trong đêm 13 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16 tháng 8, Quốc dân Đại hội khai mạc tại Tân Trào. Hơn 60 đại biểu ở ba miền Bắc - Trung - Nam, 2 đại biểu kiều bào ở Lào và Thái Lan, đại biểu các đảng phái, các đoàn thể, dân tộc, tôn giáo đã quy tụ tại Đại hội. Trước các đại biểu của nhân dân, Đảng ta đã nêu lên chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời. Mười chính sách lớn của Việt Minh được coi như Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc ta trong giờ phút quyết định, đồng thời tượng trưng cho quyết tâm sắt đá của toàn thể nhân dân quyết đứng lên giành tự do, độc lập.

Từ Tân Trào, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, căn cứ địa cách mạng tại Tuyên Quang trong những ngày sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân - phát xít không chỉ có phong trào cách mạng lớn mạnh, mà còn là nơi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng mang tính quyết định chiến lược của Đảng và của dân tộc như lán Nà Nừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, suối Lê, đèo De...

Đình Tân Trào nơi diễn ra Quốc dân Đại hội.

Có thể khẳng định, từ căn cứ địa Tuyên Quang, với sự có mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lịch sử đất nước - dân tộc sang trang mới. Và, với những sự kiện quan trọng diễn ra trên căn cứ cách mạng Tuyên Quang, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những năm dài nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trước khi rời Tân Trào - Thủ đô Khu Giải phóng về Hà Nội chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc - Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với sự tinh tế, nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn lại các đồng chí trong Đảng về trọng trách lớn lao vẫn còn đang ở phía trước của khu căn cứ địa Tuyên Quang “Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…” Đúng như lời tiên đoán, đầu năm 1947, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Đất và người Tuyên Quang lại hành trình cùng nhân dân cả nước đi tiếp chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ để giành lại nền độc lập tự do trọn vẹn, bền vững cho dân tộc. Tuyên Quang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình trở thành “Thủ đô Kháng chiến”.

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc. Với mỗi người dân Tuyên Quang mãi mãi là niềm tự hào về những năm tháng vinh dự được bảo vệ Đảng, cách mạng, bảo vệ Bác Hồ; khởi nguồn cho việc ra đời Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tự hào quê hương cách mạng

Về Tuyên Quang hôm nay, mỗi chúng ta đều tận mắt chứng kiến, từ bản làng nông thôn, miền núi xa xôi đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh  luôn duy trì từ 7 - 8%/năm. Từ năm 1991 đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 80 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 61 lần; thu ngân sách tăng 30 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 223 lần...

Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào (Sơn Dương).  Ảnh: Cảnh Trực

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,55%; đứng thứ 13 cả nước, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và đứng đầu 11 tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp tăng 4,64%; khu vực công nghiệp tăng 10,87%; khu vực dịch vụ tăng 7,35%.

Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục là 3 lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh chứng tỏ cơ cấu kinh tế của Tuyên Quang đã có sự chuyển dịch đúng hướng và tái cơ cấu kinh tế đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tích cực phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tăng dần tỷ trọng dịch vụ góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố tiềm lực kinh tế của tỉnh.

Tuyên Quang đang đứng trước những cơ hội mới, mở ra tương lai tươi sáng bằng nhiều chủ trương, chính sách lớn phù hợp, nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Trong đó có việc triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn...

Trở về xã Tân Trào (Sơn Dương), nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám cũng dễ dàng chứng kiến sự đổi thay nơi đây. Theo đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, những năm qua, nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức dạy nghề cho người dân, phát triển nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giới thiệu việc làm cho 150 người/năm, đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước; số người qua đào tạo nghề đạt 75%; duy trì, giữ vững thành quả nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là Thủ đô Khu Giải phóng, nơi khởi nguồn của Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy là tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân xứ Tuyên, với quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế và niềm tự hào suốt 78 năm qua.

Thanh Phúc - Giang Lam

Tin cùng chuyên mục