Cần chuyên nghiệp hóa hơn
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, hoạt động phát triển, khai thác du lịch cộng đồng homestay đang từng bước thay đổi diện mạo các địa phương. Tính từ năm 2021 đến tháng 6-2023 toàn tỉnh đón hơn 6 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Mô hình du lịch cộng đồng đã từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế khi thực hiện mô hình du lịch này tại các địa phương.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đánh giá, bên cạnh khó khăn nhất định như hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi, cơ sở vật chất còn hạn chế thì sản phẩm du lịch cộng đồng vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, còn manh mún. Các hộ cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, nguồn nhân lực du lịch trực tiếp, gián tiếp hầu hết là chưa được đào tạo bài bản.
Nhà dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) được quy hoạch gọn gàng để làm dịch vụ Homestay.
Lâm Bình, Na Hang là những địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch homestay với khoảng gần 100 cơ sở homestay. Đa phần du khách đều có ấn tượng tốt với chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ homestay nơi đây. Tuy nhiên, một số chủ các cơ sở homestay thừa nhận cơ sở dịch vụ vẫn chưa kịp thời đáp ứng được nhiều du khách.
Chị Triệu Thị Xướng - người có nhiều năm kinh nghiệm trong làm homestay ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) phân tích nguyên nhân là do, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực chính quyền địa phương thì một số hộ dân nơi đây tự bỏ vốn xây dựng homestay do thiếu kinh phí nên chưa có sự đầu tư quy mô, tâm lý hoàn thiện, sắm sửa dần... Do đó, chưa đáp ứng hết nhu cầu của du khách như phòng có điều hòa, dịch vụ bể bơi, ít có phòng nghỉ riêng, tiện nghi dịch vụ còn hạn chế…
Trên thực tế nhiều du khách đã bày tỏ chưa hài lòng khi được trải nghiệm ở một số homestay chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất còn hạn chế. Họ cho rằng, homestay mà họ đến chỉ giống nhà nghỉ bình dân chứ không có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống giữa người dân địa phương và du khách.
Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa, Du lịch, trường Đại học Tân Trào là người thường xuyên tham gia giảng dạy tại các lớp du lịch tại các địa phương. Bà phải thừa nhận rằng nhiều gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang chưa hiểu rõ bản chất của loại hình du lịch này. Đây là loại hình mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của mảnh đất mà du khách đặt chân đến.
Các hộ dân trên địa bàn huyện Na Hang tham gia lớp học du lịch cộng đồng do UBND huyện tổ chức.
Thời gian qua, bên cạnh dịch vụ ăn nghỉ thì tại một số điểm du lịch cộng đồng cũng có những dịch vụ trải nghiệm kèm theo. Điển hình như: biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại, trải nghiệm dệt thổ cẩm, cưỡi ngựa, tham quan, ngắm cảnh trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang... tại Lâm Bình, Na Hang; Bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa ở Sơn Dương; trải nghiệm văn hóa Dao, Tày, trải nghiệm thác nước ở Chiêm Hóa… Tuy nhiên nhiều chuyên gia du lịch vẫn nhận định, sản phẩm du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang chưa được phong phú. Các hoạt động hiện nay của du lịch cộng đồng chỉ mới mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ và chưa thật sự có các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có.
Những sản phẩm, dịch vụ na ná nhau như ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ... những nét hay, nét riêng biệt vùng miền chưa được phát huy. Chưa kể đến việc một số đội văn nghệ xen kẽ nhiều tiết mục hát múa lai tạp gây nhiều ý kiến trái chiều. Chị Võ Như Ngọc, hướng dẫn viên Công ty TNHH du lịch Quốc tế DHtravel: “Tôi thích thú khi được nghe những em nhỏ hát Then, đánh đàn Tính. Thế nhưng sau đó có tiết mục nhảy lai tạp, nghĩa là có tốp người mặc trang phục dân tộc miền núi, nhảy các điệu nhảy hiện đại trên nền nhạc nước ngoài khiến tôi thấy không đúng chuẩn mực lắm, không mang lại giá trị văn hóa truyền thống gì cả. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có định hướng để du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương”.
Cần có chiến lược dài hạn
Ông Huỳnh Việt Hoàng, Phó Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam VCTC chia sẻ, điều khiến du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do địa phương chưa có một chiến lược phát triển loại hình dịch vụ homestay rõ ràng và cụ thể, vì vậy việc định hướng cũng như công tác quản lý loại hình du lịch này còn gặp nhiều khó khăn. Do đó điều tiên quyết là Tuyên Quang cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn trong phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa ẩm thực ở Homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án về phát triển du lịch. Trong đó, các huyện, thành phố hiện nay đang tập trung triển khai xây dựng kế hoạch, đề án phát triển các làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh đã hỗ trợ duy trì, phát triển 13 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch. Đồng thời, để nâng cao chất lượng dịch vụ, 2 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã mở 17 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về hoạt động du lịch cho người dân, đặc biệt là kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ, huyện xác định trước mắt cần đầu tư vào hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở vật chất, nhân lực đặc biệt là hệ thống homestay. Năm 2022, huyện hỗ trợ 6 hộ dân, mỗi hộ 80 triệu đồng đầu tư homestay, hỗ trợ 5 đội văn nghệ homestay, mỗi đội 70 triệu đồng. Năm 2023, một số hộ dân trên địa bàn có nhu cầu làm homestay tiếp tục làm hồ sơ để trình duyệt hỗ trợ.
Tuy nhiên cũng theo ông Minh thì điều đặc biệt nhất là phải bảo tồn, giữ gìn bản sắc Văn hóa truyền thống một cách nguyên bản, tránh lai tạp. Bởi nếu để mất những yếu tố đó sẽ mất đi tài nguyên vô giá, đồng thời mất cả nguồn khách.
Còn tại Chiêm Hóa thì thôn Bản Ba, xã Trung Hà là 1 trong 13 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch. Đây cũng là địa điểm được chọn xây dựng “Làng Văn hóa du lịch cộng đồng”, nằm trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Chiêm Hóa xây dựng dự án để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) để thực hiện mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa dân tộc cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ, bài bản, có đặc trưng riêng.
Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, Đề án Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng được Huyện ủy, UBND huyện quy hoạch cụ thể, chia từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nâng cấp tuyến đường; xây dựng các sản phẩm của làng văn hóa như gà thả đồi Động Sơn; các hoạt động văn hóa bơi mảng trên hồ Ngòi Là 1 và Ngòi Là 2; phục dựng lại Lễ hội tắm lửa của đồng bào Cao Lan. Hiện đã có nhiều gia đình sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm, khám phá.
Chị Lê Thúy Hằng chủ Homestay Thúy Hằng, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình chị đã đầu tư xây dựng khuôn viên nhà ở và xây dựng 6 phòng. Chị hiểu du lịch cộng đồng là để du khách trải nghiệm văn hóa, phong tục, sinh hoạt hàng ngày do đó khi đến đây du khách được thưởng thức món ăn đặc sản như gà đồi, rau rừng, cá dúi... do chính tay chị làm ra. Du khách được khám phá cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày, tìm hiểu văn hóa địa phương, như hát Sình ca, các điệu múa đội văn nghệ sẵn sàng phục vụ du khách…
Để loại hình du lịch cộng đồng homestay tiến tới chuyên nghiệp và bền vững, cần sự vào cuộc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương với những chiến lược phát triển cụ thể, không chạy theo số lượng, làm tốt công tác quản lý nâng cao chất lượng. Đồng thời, người dân cũng cần tích cực học hỏi, hoàn thiện kỹ năng làm du lịch để mỗi người dân trở thành một “đại sứ du lịch”, góp phần nâng cao chất lượng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết