Tạo thói quen đọc sách

- Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (từ 1/10 đến 7/10) có chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Xung quanh chủ đề phát triển văn hóa đọc có nhiều nội dung đáng quan tâm, nhất là trước sự bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Dưới đây là một số ý kiến về vấn đề này:

Đổi mới công tác thư viện

Thầy giáo Trương Hữu Việt

Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh (Yên Sơn)

Để phát huy hiệu quả thư viện trường học, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em học sinh cũng như giáo viên nhà trường về văn hóa đọc. Cùng với đó, các thầy cô cũng vun đắp, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách cho các em học sinh bằng nhiều hình thức như tổ chức các hoạt động ngoại khóa Ngày hội đọc sách, thi giới thiệu sách hay, chia sẻ sách mới, xếp sách nghệ thuật, bố trí các không gian đọc sách xanh, thân thiện, giới thiệu sách phù hợp với lứa tuổi các em học sinh… Nhà trường cũng tăng cường trang bị cho thư viện các đầu sách, báo mới, bố trí sách theo từng thể loại, lứa tuổi, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng thư viện nhà trường.


Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Giảng viên Hà Thị Thu Trang

Khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, trường Đại học Tân Trào

Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các bạn trẻ, ngay từ các cấp bậc học, các trường học nên triển khai nhiều hoạt động, cuộc thi khuyến khích việc đọc sách cho học sinh như: kịch hóa tác phẩm văn học, câu chuyện lịch sử; tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách, các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để truyền lửa, tạo động lực cho các em. Bên cạnh đó, phối hợp với hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức hiệu quả các hoạt động luân chuyển sách, phát triển vốn tài liệu, xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đọc. Qua đó, giúp các em học sinh, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa có nhiều điều kiện để tiếp cận với sách, lan tỏa việc đọc ra cộng đồng.

Đọc sách là cách giải trí tích cực, giúp phát triển tư duy ngôn ngữ và làm giàu vốn sống. Việc đọc tùy thuộc vào mỗi bạn trẻ, nên xem xét mức độ nhận thức của từng lứa tuổi để chọn sách có dung lượng và nội dung phù hợp. Ngoài ra, việc chọn sách cũng nên chú ý đến sở thích, mỗi bạn trẻ có thể sẽ có những sở thích riêng. Vì vậy, lúc mới bắt đầu, nên chọn được dòng sách, chủ đề sách mà mình thích thú.


Dành thời gian đọc sách mỗi ngày

Em Đỗ Lê Thảo Linh

Học sinh lớp 12A1, trường THPT Hàm Yên (Hàm Yên)

Em thích đọc sách từ năm lớp 10. Thời gian đầu, em theo bạn xuống thư viện mượn sách tham khảo để học. Đến nay, em không chỉ mượn sách tham khảo mà còn mượn nhiều sách văn học, sách truyền tải năng lượng tích cực, sách khám phá tự nhiên…  Càng đọc sách em càng thích, mỗi trang sách như mở ra một thế giới với biết bao điều mới lạ. Vì vậy, ngày nào em cũng sắp xếp thời gian để đọc sách, mỗi ngày em thường dành 30 phút đến 1 tiếng đọc sách. Thói quen đó thường được thực hiện vào sáng sớm hoặc đêm khuya, hai khoảng thời gian này cực kỳ yên tĩnh và giúp em vừa đọc, vừa suy ngẫm.


Lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi

Em Nguyễn Hoàng Lan

Học sinh lớp 9B, trường TH và THCS Hồng Thái (Sơn Dương)

Theo em, việc đọc sách thực chất không nên theo phong trào, xu hướng mà phải tìm đọc đúng với lứa tuổi. Ngoài việc hình thành tư duy và thẩm mỹ, việc đọc sách phù hợp còn giúp xây dựng kỹ năng xã hội và cảm xúc. Những tác phẩm chất lượng giúp người đọc tiếp nhận tri thức, học cách đồng cảm, nhận diện cảm xúc và phát triển khả năng giao tiếp. Khi tiếp xúc với những câu chuyện có thể thấy mình trong các nhân vật, từ đó hình thành nhân cách và giá trị sống. Ngược lại, những sách không phù hợp có thể dẫn đến những quan điểm lệch lạc, làm hạn chế khả năng cảm thụ văn hóa và thẩm mỹ. Vì vậy, việc lựa chọn sách phù hợp là một bước thiết yếu để nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ, khuyến khích sự phát triển của bản thân.


Đọc sách cùng con

Chị Trịnh Thúy Vân

Tổ 14, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang

Tôi có 2 con, 1 gái, 1 trai. Ngay từ khi các con còn nhỏ, gia đình tôi đã thường xuyên đọc sách, đọc truyện cho các con nghe. Cuối tuần chúng tôi thường đưa con đến hiệu sách để các con tự chọn mua các cuốn sách mà chúng yêu thích. Thỉnh thoảng, chúng tôi đưa các con tới thư viện tỉnh mượn sách về đọc. Khi các con đã lớn hơn, thay vì đọc sách cho các con nghe, chúng tôi định hướng và xây dựng cho các con có thói quen dành khoảng một tiếng tự đọc sách trước khi đi ngủ. Chúng tôi cũng lựa chọn các sách theo độ tuổi, phân loại theo từng lĩnh vực. Với bạn lớn, chúng tôi định hướng con tìm đọc các sách kỹ năng sống và phát triển ngôn ngữ viết văn, lịch sử. Còn bạn nhỏ, chúng tôi hướng con đọc sách song ngữ Anh - Việt và sách khoa học theo bộ... Mặc dù, hiện nay các con khá bận rộn với việc học nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các con duy trì thói quen đọc sách.  Chúng tôi cóp sách vào máy đọc sách Kindle để các con có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi, thể loại phong phú hơn và tiết kiệm chi phí mua sách. Một cách hiệu quả để xây dựng niềm đam mê đọc sách cho con đó là bố mẹ phải làm gương, phải đồng hành cùng con đọc sách, cùng nhau chia sẻ, thảo luận về nội dung cuốn sách. Đôi khi bố mẹ là người gián tiếp truyền tải lại kiến thức từ sách cho con...

Tin cùng chuyên mục