Vấn đề đáng lo ngại
Năm 2023, theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, số lượng sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số sách còn lại nếu chia đều cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc được khoảng 1,2 cuốn sách/năm. Khi trả lời báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người Việt vẫn còn ngại đọc sách là do việc hình thành thói quen đọc sách từ gia đình có thể chưa đủ mạnh so với các nền văn hóa khác. Đặc biệt là do sự phát triển và phổ biến của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra nhiều hình thức giải trí khác nhau, làm giảm sự quan tâm đến việc đọc sách truyền thống. Cùng với đó, là thói quen và ý thức cá nhân, vì người Việt chưa có thói quen đọc sách hằng ngày hoặc do nhận thức không đủ về tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc học tập và phát triển bản thân. Nhiều người do áp lực công việc, học tập hoặc các nghĩa vụ gia đình, một số người có thể thấy không có thời gian cho việc đọc sách...
Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thái Hòa phối hợp với Trường THCS Thái Hòa (Hàm Yên) tổ chức hưởng ứng.
Thực trạng hiện nay cho thấy, ngoài những người cần đọc sách để bổ sung kiến thức phục vụ việc học tập, nghiên cứu như học sinh, sinh viên, người làm các luận án, đề tài khoa học… thì việc người dân tự học qua việc đọc sách vẫn còn là vấn đề đáng bàn.
Chị N.T.H. ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) thú nhận: “Em đi làm từ sáng đến chiều, có hôm làm đến 8 giờ tối nên nhiều lúc muốn đọc một cuốn sách yêu thích nhưng chưa sắp xếp được thời gian phù hợp. Đọc từng cuốn sách in thấy thơm mùi giấy và cách cảm nhận, tiếp nhận cũng hay hơn đọc trên mạng rất nhiều. Bởi đọc sách trên mạng chỉ lướt qua nên những kiến thức đọng lại không nhiều”.
Cũng theo một khảo sát của các cơ quan chức năng, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.
Với muôn vàn các lý do khác nhau dẫn đến việc đọc sách, tiếp cận, bổ sung kiến thức từ với sách bị giảm sút. Bên cạnh việc văn hóa đọc có dấu hiệu bị mai một thì việc chọn đọc sách một cách thực chất, phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng cũng là vấn đề đáng bàn tới.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) ủng hộ sách vào thư viện nhà trường.
Nhà giáo Ưu tú Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) cho biết, việc đọc sách đối với mỗi người, mỗi học sinh là rất quan trọng. Chính vì thế, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, tổ chức ngày hội đọc sách dành cho cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường. Tuy nhiên để việc đọc sách hiệu quả thì về phía mỗi gia đình học sinh cũng cần tích cực phối hợp với nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục con em mình. Không để các em tự do tiếp cận với các nguồn tin trên mạng Internet mà cần có sự định hướng, hướng dẫn các em đọc sách đúng cách. Từ đó vừa giúp tạo thói quen đọc sách, giúp học sinh bổ sung được kiến thức, kỹ năng sống bổ ích để phát triển toàn diện hơn.
Nâng cao văn hóa đọc trong mỗi người
Theo Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, trong số 7,3 tỉ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỉ lệ điện thoại thông minh là 63% thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%. Mạng xã hội và các thiết bị điện tử, nghe nhìn vô tình trở thành thách thức mới của sách và văn hóa đọc truyền thống. Giới trẻ ngày nay gần như không đủ thời gian để đọc trọn vẹn một tác phẩm, thay vào đó, họ có xu hướng thích đọc, thích xem những gì ngắn gọn, nhanh chóng, mang tính giải trí cao trên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết: “Anh thường vào mạng xem Riview các cuốn sách sau đó mới click vào đọc phần nội dung. Gia đình anh làm nông nghiệp nên rất cần sách về lĩnh vực này, việc đọc sách cũng giúp ích rất lớn để gia đình biết cách trồng trọt, chăn nuôi đúng kỹ thuật và hiệu quả. Thực tế hiện nay, cứ chỗ nào có sóng wifi là đọc được sách.
Cô trò cùng đọc sách.
Thực tế việc đọc sách mang lại những lợi ích hết sức thiết thực, đọc sách giúp chúng ta tiếp cận được với kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Đọc sách giúp mỗi người được bổ sung lượng kiến thức phong phú và bổ ích để phục vụ cho cuộc sống và công việc.
Em Lê Thảo Uyên, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội từng là học sinh Trường THPT Chuyên Tuyên Quang cho biết, cùng với những kiến thức được thầy cô, nhà trường truyền dạy em đã chịu khó lên mạng tìm tài liệu. Việc đọc sách Online đã giúp em bổ sung nhiều kiến thức bổ ích ở tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Năm 2023, nhờ những kiến thức tổng hợp đã giúp nhóm chúng em thực hiện thành công Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu Polymer siêu hấp thụ dựa trên tinh bột sắn và ứng dụng chế chế phẩm hydrogel chống cháy” đoạt giải nhất tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia và được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật tại Hoa Kỳ.
Lợi ích của việc đọc sách mang lại là không thể phủ nhận. Dù bạn làm nghề gì cũng cần bổ sung thêm kiến thức để nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng công việc. Và việc tự học cũng như thu nạp kiến thức qua đọc sách là vô cùng ý nghĩa. Hiện nay thế giới phẳng khi các phương tiện thông tin phát triển, mạng Internet đã phủ sóng đến tận những nơi vùng sâu, vùng xa nên tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người, mỗi nhà có thể tiếp cận được với những kho sách khổng lồ. Nhưng việc chọn đúng sách và đọc sách đúng cách cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Học sinh huyện vùng cao Lâm Bình đọc sách giờ ra chơi.
Để nâng cao hơn nữa văn hóa đọc, thu hút học sinh, người dân tự giác đọc sách, các cấp, các ngành, các địa phương, trường học trong tỉnh đã tăng cường tổ chức tuyên truyền, nâng cao tầm quan trọng của việc đọc sách. Hàng năm đều tổ chức phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” với những hoạt động thiết thực gắn với Ngày hội đọc sách, cổ vũ, triển khai hiệu quả phong trào toàn dân học tập suốt đời…
Hiện nay, nhiều giải pháp đã được đặt ra đối với các nhà trường đó là tổ chức các cuộc thi, chương trình khuyến đọc, kích thích sự hứng thú và tạo động lực cho việc đọc sách. Với các tổ chức xã hội, cần tăng cường vận động nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đọc sách thông qua truyền thông.
Cùng với đó, cần quan tâm tạo điều kiện để ai cũng có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi bằng cách thiết lập các khu vực đọc sách công cộng như trong công viên, trạm chờ xe buýt, trung tâm học tập cộng đồng và các không gian công cộng khác. Hướng dẫn, khuyến khích người dân đọc sách điện tử với kho sách phong phú, tiện ích và dễ sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải tự thấy được ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách, bồi đắp tình yêu sách, giáo dục, tạo con cái thói quen đọc sách từ nhỏ… qua đó mới có thể nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết