Kho báu cây dược liệu

- Tuyên Quang có nhiều tiềm năng lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loài dược liệu phát triển, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương đồng thời, gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng “mũi nhọn”, hướng đến nâng cao giá trị canh tác.

Ngăn chặn tình trạng “chảy máu” dược liệu

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, độ che phủ rừng lớn trên 65% đây là môi trường lý tưởng để cây dược liệu phát triển. Tại nhiều địa phương, một số tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kinh nghiệm sản xuất vào việc thuần dưỡng, bảo vệ nguồn gen dược liệu quý đang được thực hiện khá tốt. Toàn tỉnh hiện có trên 227 ha cây dược liệu được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng trên 100 ha, tập trung ở các huyện: Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... với các loại cây đặc trưng như giảo cổ lam, khôi nhung, xạ đen, cà gai leo...

Chị Bàn Thị Liên (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm (TP Tuyên Quang) với những bài thuốc của dân tộc Dao.

Những năm trước đây, nguồn dược liệu, nhất là những cây dược liệu quý liên tục... bị “chảy máu”, khai thác để bán theo con đường “tiểu ngạch”, chủ yếu qua Trung Quốc. Trước thực trạng trên các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về giá trị nguồn tài nguyên dược liệu, không tiếp tay cho các hoạt động thu mua, vận chuyển các giống cây trồng quý hiếm trên địa bàn qua biên giới.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 10 đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu được nghiên cứu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, như: thâm canh cây sa nhân, cà gai leo, ba kích, xạ đen, khôi nhung... Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu.

Đồng chí Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh khẳng định: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng nguồn dược liệu bị “chảy máu”. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Gìn giữ những bài thuốc gia truyền 

Do quá trình đô thị hóa nên hiện nay, cây thuốc nam ngày càng khan hiếm. Nhiều lương y đã miệt mài bao năm tìm kiếm, mang từ núi cao về vườn nhà nhiều loại dược liệu quý, hiếm để bảo tồn, nhân rộng. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của cây thuốc nam không chỉ quan trọng trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nguồn dược liệu quý.

Cây Khôi Nhung được trồng hiệu quả dưới tán rừng của Công ty TNHH Một thành viên Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 140 vườn thuốc nam, trong đó có một số huyện đang làm tốt công tác nuôi trồng, bảo tồn dược liệu như huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương… với nhiều loại cây dược liệu cùng những bài thuốc gia truyền được truyền từ đời này sang đời khác tạo nên kho tàng kiến thức bản địa phong phú về sử dụng cây rừng làm thuốc. Cùng với các địa phương, Hội Đông y tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn giống cây thuốc bản địa, nhất là các loại cây quý hiếm; khuyến khích người dân, hội viên Đông y tích cực phát triển vườn thuốc Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu làm thuốc.

Hằng ngày lên rừng, hái thuốc là cách mà mế Triệu Thị Lưu, xã Năng Khả (Na Hang) đang làm để có thể bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu bản địa. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thuốc nam từ nhiều đời, cha truyền, con nối, mế Lưu luôn ý thức được tầm quan trọng của các loại cây thuốc nam đối với sức khỏe con người. Do đó, khi có điều kiện là mế lại đi khắp nơi sưu tầm thêm những cây thuốc nam về trồng trong vườn nhà, vừa để bảo tồn nguồn gen, vừa khai thác lâu dài. Từ các loại dược liệu trên, gia đình mế Lưu đã kết hợp thành nhiều bài thuốc như: thoái hóa xương khớp, cột sống, gan thận, đại tràng… và được nhiều người bệnh tin tưởng tìm đến tận nơi để bốc thuốc.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện và thấy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi để phát triển cây dược liệu, năm 2020 Công ty TNHH Một thành viên Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình đã đầu tư phát triển cây dược liệu với quy mô lớn. Lương y Hoàng Quốc Thanh, Giám đốc, Công ty TNHH Một thành viên Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình cho biết, tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu nơi đây, năm 2020 công ty đã trồng thử nghiệm 5 ha cây dược liệu theo phương pháp nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp cộng sinh với các loại cây như: Cây cỏ ngọt, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung, khôi nhung, nấm lim xanh... đây là những cây dược liệu quý. Vườn rừng của công ty ngoài mục đích phát triển kinh tế còn có vai trò bảo tồn các giống cây dược liệu quý tự nhiên. Sau gần 4 năm phát triển cây dược liệu đến nay công ty đã phối hợp với bà con Nhân dân ở xã Bình An, Phúc Yên, Phúc Sơn mở rộng diện tích cây dược liệu được trên 20 ha. Đặc biệt, công ty còn sưu tầm được một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay “Kim hoa trà”, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”, đang trồng thử nghiệm để tiến tới nhân rộng. 

Gắn với phát triển du lịch

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tuyên Quang có địa hình, khí hậu, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp cho du khách khám phá. Trong đó, các loại cây dược liệu và những mô hình phát triển dược liệu sẽ có tiềm năng thu hút du khách. Từ nhiều năm nay, mô hình du lịch nông thôn đã được đưa vào khai thác, kết hợp cùng người dân địa phương để tạo ra những giá trị, trải nghiệm mới cho du khách. 

Hợp tác xã Thảo dược Bình An (Lâm Bình) có nhiều bài thuốc được làm từ cây dược liệu.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua việc phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Đây là hướng đi tiềm năng, không chỉ khai thác giá trị văn hóa, thế mạnh tự nhiên, xã hội của các địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển dựa trên du lịch và thế mạnh dược liệu. Những tri thức dân gian và kinh nghiệm trong chế biến thuốc, chữa bệnh bằng các bài thuốc, phương pháp cổ truyền bí ẩn của người dân bản địa là một trong những ưu điểm tiềm năng cho sự phát triển dược liệu gắn với du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Theo đó, du khách có thể trải nghiệm một ngày cùng người Mông làm thảo quả; người Dao làm rong, chăm sóc vườn dược liệu quý; cùng người Tày làm lúa, sáng ra đồng, lên nương bữa trưa cơm nắm, nước suối khe, tối về thưởng thức các món ăn ngon được bà con chế biến từ những cây thuốc dược liệu, thưởng thức tiếng hát, điệu múa bản địa…

Điều mừng hơn cả là gần đây, cây dược liệu đã và đang được các địa phương trong tỉnh gắn với phát triển du lịch, trên cơ sở các tiềm năng về cảnh quan, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức văn hóa bản địa của từng vùng. Bên cạnh đó, cây dược liệu đã và đang mang lại đa giá trị cho sức khỏe con người, kinh tế và môi trường.

Tuy nhiên, theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tuyên Quang đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trồng 1.200 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, giai đoạn 2021 - 2025 trồng 300 ha. Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm cho biết, mục tiêu thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh qua các giai đoạn đến nay vẫn chưa thực hiện được, nguyên nhân chính là do các văn bản hướng dẫn thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn chưa có. Cùng với đó, Tuyên Quang cũng là 1 trong 14 tỉnh nằm trong đề án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ để trồng thí điểm nhưng đến nay Chính phủ cũng chưa phê duyệt.

Hy vọng rằng, với những chính sách thiết thực, phù hợp, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh sẽ đi đúng định hướng, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần đưa cây thuốc Nam có vai trò cao hơn trong cơ cấu sử dụng thuốc của người Việt, theo đúng tinh thần: Thuốc Nam cho người Việt!

Bác sỹ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh

Bảo tồn, phát huy giá trị cây dược liệu

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây dược liệu ở các huyện, thành phố. Một số dự án về bảo tồn, trồng và chăm sóc cây dược liệu, điển hình như dự án trồng cát sâm, trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn organic đã được triển khai hiệu quả. Cùng với đó Hội viên Hội Đông y tỉnh tích cực bảo tồn và phát triển 70 loại cây dược liệu quý như sâm bố chính, ba kích, sa nhân, khôi nhung, cà gai leo, ngũ gia bì chân chim, thiên môn đông… đều là những dược liệu rất quan trọng đối với mọi người. Hội tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển các cây dược liệu. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm khẳng định giá trị cây dược liệu của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung. Việc này không chỉ giúp cho người nông dân tận dụng được các loại quỹ đất, mà còn có thu nhập dựa vào rừng, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Bên cạnh đó còn hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa giữa người dân với doanh nghiệp.


Bác sỹ CKI Bàn Thị Bích
Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang

Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

Phương pháp kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đã được Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng trong khám, điều trị bệnh. Hiện nay bệnh viện ứng dụng trên 100 vị thuốc Nam, thuốc Bắc trong điều trị bệnh, chiếm đến trên 70% tỷ lệ sử dụng thuốc tại đơn vị, trong đó riêng các loại dược liệu thuốc Nam chiếm 35%. Tất cả các loại thuốc sử dụng tại bệnh viện được đấu thầu theo Thông tư hiện hành, bao gồm cả thuốc nội nhập và ngoại nhập. Các bài thuốc dược liệu được sử dụng phù hợp với phác đồ điều trị từng bệnh và từng người bệnh, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả trong điều trị bệnh. Các vị thuốc dược liệu quý có tác dụng hành khí, hoạt huyết, thông kinh lạc, bổ khí huyết nâng cao thể trạng. Thuốc dược liệu được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh về thần kinh, khớp, tai biến, các bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, cúm… Các bài thuốc dược liệu phát huy hiệu quả trong điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho Nhân dân.


Lương y Nguyễn Hữu Quang, thôn 2, xã Trung Môn (Yên Sơn)

Có biện pháp bảo vệ, phát triển cây dược liệu

Các bài thuốc nam đã được sử dụng từ lâu trong dân gian an toàn, ít gây tác dụng phụ, phù hợp với thể trạng người Việt. Nhiều cây thuốc quý như lá lốt, hương nhu, đinh lăng, hay bồ công anh có khả năng chữa các bệnh về xương khớp, tiêu hóa, và các bệnh ngoài da rất tốt mà lâu nay mọi người ít để ý. Song, để đạt được hiệu quả cao, việc sử dụng thuốc nam cần dựa trên nguyên lý điều hòa cơ thể, không chỉ điều trị triệu chứng mà còn tác động vào gốc rễ của bệnh. 

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nên hiện nay, cây thuốc nam tự nhiên ngày càng khan hiếm. Do đó, cần phải có những biện pháp bảo vệ và phát triển cây dược liệu bền vững, kết hợp giữa truyền thống và khoa học hiện đại, nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài cho việc chữa bệnh, đồng thời giữ gìn di sản quý giá của y học cổ truyền.


Lương y Chẩu Thị Hiến, Giám đốc Hợp tác xã Thảo dược Bình An,
thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình)

Mở rộng quy mô trồng cây dược liệu

Để phát triển cây dược liệu có quy mô lớn và mang lại thu nhập cho bà con trong khu vực thì cần có sự hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật canh tác và nguồn vốn... Để có thể đưa số lượng dược liệu lớn vào trồng, canh tác tại địa bàn mang hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới (kế hoạch 5 năm 2024 - 2029)  Hợp tác xã Thảo dược Bình An phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Với các loại cây dược liệu như: cây khôi nhung, ba kích, xạ đen, đu đủ đực, khúng khéng, cây cát sâm, cây sâm đại hành, sâm cau...

Hiện nay tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của huyện Lâm Bình là rất lớn. Tôi mong muốn thời gian tới được hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng quy mô trồng cây dược liệu. Trong đó chủ yếu tập trung vào mở rộng diện tích cây khôi nhung và cây cát sâm (khoảng 2 ha). Đây là những cây có giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập ổn định cho bà con và tạo ra nguồn cung cấp dược liệu chất lượng cao cho thị trường và khẳng định giá trị của các loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục