San đôi vai, tròn 2 gánh
Chủ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám đến thời điểm này là nữ Chủ tịch UBND cấp xã duy nhất của huyện Hàm Yên.
Giữ cương vị Chủ tịch đã 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ đầu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng đến nhiệm kỳ thứ 2, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, rồi việc triển khai tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua địa bàn xã… khiến đôi vai người phụ nữ ấy nhiều lúc trùng xuống.
Phụ nữ Dao Tiền xã Tân An, Chiêm Hóa truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quang Hòa
Chị Tám chia sẻ: Thời điểm mới bùng phát dịch Covid-19, việc khoanh vùng, truy vết được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Nhiều trường hợp, 1-2 giờ sáng cán bộ Trạm Y tế đến nhà vận động, người dân vừa quát vừa chửi. Cán bộ Trạm gọi điện báo cáo, chị lại phải tất tả lên đường. Đến nhà Dân, vừa phải phân tích, vừa phải “nịnh”, rồi bỏ tiền thuê xe chở người đến điểm cách ly an toàn.
Sau Covid-19, là vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng cho công trình cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Toàn những việc lần đầu phải thực hiện, nhưng chị Tám bảo, mình quyết tâm 200 - 300% so với đàn ông, để “giữ thể diện cho phụ nữ”.
Đại diện Hội quý bà thanh lịch Việt Nam tỉnh Tuyên Quang động viên người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Bận rộn là vậy, nhưng tranh thủ cuối ngày, hay ngày nghỉ nào ít việc, chị lại cùng chồng về ăn bữa cơm với bố mẹ chồng.
Cũng như chị Tám, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa) Phan Thị Nguyệt cũng chia vai để vừa làm tròn việc Đảng giao, vừa trọn vẹn vai trò là vợ, là mẹ, là dâu con trong gia đình. Chị Nguyệt cũng là nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đầu tiên của huyện Chiêm Hóa.
Chị Nguyệt bảo, may mắn là chồng chị hiểu và chia sẻ. Những ngày bão số 3, chị phải lên Trụ sở UBND xã để trực và điều hành công việc, chồng là người động viên, ủng hộ, “cung cấp” thực phẩm và cả quần áo… để chị yên tâm làm việc.
Không chỉ những người làm Nhà nước, phụ nữ Tuyên Quang tham gia điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân Tuyên Quang, hiện có 33 thành viên tham gia sinh hoạt. Điều này phần nào khẳng định sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực khó - vốn trước đây mặc định dành cho đàn ông.
Tiến sĩ Trần Lệ Thanh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào từng cảm thán: Cái hay của nhịp sống hiện đại là đã xóa bỏ được ranh giới rõ ràng giữa vai trò của nam và nữ trong gia đình hay xã hội.
Việc tổ chức các sân chơi, hoạt động về bình đẳng giới giúp chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng cao tham gia vào các hoạt động xã hội, tự tin khẳng định mình.
Tiến sĩ Trần Lệ Thanh là một trong số ít nữ Tiến sĩ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Nghỉ hưu, bà mở doanh nghiệp và tiếp tục công việc điều hành doanh nghiệp bất động sản của mình hội nhập trong kỷ nguyên mới. Tiến sĩ Trần Lệ Thanh chia sẻ: “Vai trò của người phụ nữ ngày nay đã thay đổi nhiều so với truyền thống xưa. Trước đây, phụ nữ thường được coi là phải hy sinh, đặt gia đình và người khác lên trên hết. Thậm chí, đôi khi phụ nữ còn không được coi trọng hay ghi tên vào gia phả dòng họ. Nhưng giờ thì phụ nữ đã có quyền học hành, thăng tiến, được trao quyền như nam giới”.
Trong thời điểm bão số 3 bùng phát, Tiến sĩ Trần Lệ Thanh cùng các cộng sự xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Theo bà Thanh, trái tim người vợ, người mẹ, người bà như bà không thể ngừng việc đóng góp, cống hiến cho cộng đồng.
Cần sự sẻ chia và cảm thông
Việc nỗ lực vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống của chị em phụ nữ trong xã hội hiện đại đã gặt được những trái ngọt. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn cần tình yêu thương, sự đồng hành và sẻ chia của người chồng và các thành viên trong gia đình.
Tuyên Quang nằm trong Top những tỉnh có phụ nữ tham gia các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao nhất cả nước (Trong ảnh: Chị Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh (Yên Sơn) thăm hỏi tình hình sản xuất của người dân sau cơn bão số 3).
Để đạt mục tiêu bình đẳng giới, hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh Tuyên Quang đang triển khai đa dạng các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Công việc này được triển khai tại 121 xã và 570 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật...
Các nội dung tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 179/KH-BTV ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xây dựng môi trường bình đẳng, an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Những người mẹ là người thầy đầu tiên của con. Ảnh: Quang Lê
Trách nhiệm chia sẻ cũng đang được nhiều gia đình hiện đại áp dụng. Chị Nguyễn Thị Kim Hương, Hội Quý bà thanh lịch Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, cũng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 14, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho rằng: Việc bình đẳng trong đóng góp, cống hiến trong xã hội cũng cần phải được thực hiện ngay từ trong gia đình. Ai cũng có thể rửa bát, nấu cơm, nhặt rau; ai cũng có thể sửa điện, bê vác, hay cống hiến, làm lãnh đạo, nếu họ giỏi và đam mê điều đó. Quan trọng là, khi làm việc với niềm vui và sự hạnh phúc, thì chẳng có gì là quá sức cả.
Tiến sĩ Trần Lệ Thanh sử dụng câu nói của tỷ phú Warren Buffett: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” làm lời khuyên cho các chị em phụ nữ và các gia đình. Thay vì gánh vác mọi thứ một mình, hãy biết chia sẻ và hỗ trợ. Chỉ khi hạnh phúc, phụ nữ mới thực sự phát huy vai trò là sợi dây kết nối tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, phát triển và hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết