Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến

-Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Báo Tuyên Quang trích dẫn một số ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, các đại biểu dự Hội thảo khoa học “75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến” nhằm làm rõ thêm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Tuyên Quang; làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp.

TRUNG TƯỚNG TRỊNH VĂN QUYẾT
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đặc biệt, trong thời gian trở lại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến, Người luôn quan tâm đến công tác giáo dục cán bộ, chiến sỹ về ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua các bài viết, bài nói Người đã thể hiện rõ quan điểm “lấy chính trị làm gốc”, thực hiện “người trước, súng sau” để từ đó tập trung củng cố niềm tin chiến thắng, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Sự quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ Quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất ở các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân. Người khẳng định: “Quân đội ta đã tiến bộ nhiều, nhưng còn nhiều nhược điểm: trình độ kỹ thuật, chiến thuật còn kém, nhất là trình độ chính trị chưa được nâng cao, lập trường giai cấp chưa vững, cán bộ công nông chưa được cất nhắc đúng mức”. Vì vậy, “trong chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”, vì rằng, dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà cán bộ, chiến sỹ không có lập trường, quan điểm vững, tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thì súng đó cũng bỏ đi.

Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn và tư duy chiến lược của Người trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó có công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ Quân đội đã thành công trong việc động viên, khơi dậy và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội cùng với toàn Đảng, toàn dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.


TS BÙI VĂN CƯỜNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội,  
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Do cuộc kháng chiến lan rộng, để bảo toàn lực lượng, từ Hà Nội, Ban Thường trực Quốc hội và cơ quan giúp việc đã di chuyển qua nhiều nơi và cuối cùng chọn địa bàn Tuyên Quang là nơi làm việc (từ năm 1947 - 1954). Để đảm bảo an toàn bí mật, tháng 4/1947, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã chuyển từ thị xã Tuyên Quang vào ATK Tân Trào và chọn thôn Niếng, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương là nơi làm việc. Cuối năm 1949, Ban Thường trực Quốc hội chuyển đến ở và làm việc tại Ngòi Khoác, thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương và thôn Nà Lá, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa (1949 -1952). Giữa năm 1952, Ban Thường trực Quốc hội rời Chiêm Hóa về thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Tháng 8/1954, Ban Thường trực Quốc hội đã rời thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương về lại Thủ đô Hà Nội, kết thúc chặng đường chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mở ra một thời kỳ mới của đất nước - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Trong quá trình hoạt động, Ban Thường trực và các cán bộ Văn phòng luôn nhận được sự đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang.

Hầm an toàn làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng ở thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, Yên Sơn giai đoạn 1953 -1954
tập trung chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.     Ảnh: Quang Hòa

Trải qua một chặng đường lịch sử gần 80 năm hoạt động, Văn phòng Ban Thường trực qua nhiều lần đổi tên, đầu tiên là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội (1946 - 1962), Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1962 - 1981), Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (1981 - 1992) và Văn phòng Quốc hội từ năm 1992 đến nay. Quá trình phát triển ấy luôn gắn liền với tiến trình lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống Pháp (02/4/1947 - 02/4/2022) cũng là dịp để cán bộ Văn phòng Quốc hội ôn lại truyền thống của những ngày đầu thành lập. Đây cũng là dịp để Quốc hội, cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã giúp đỡ, chở che và bảo vệ Ban Thường trực Quốc hội trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang.

ĐỒNG CHÍ PHẠM QUANG HIỆU
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến đã để lại nhiều bài học có giá trị trong những giai đoạn cách mạng tiếp theo của dân tộc. Những hoạt động đó không chỉ góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam mà còn là hình mẫu, nền tảng tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hiện nay.

Trong thời kỳ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến chống Pháp 1947 - 1954, mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện hạn chế, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất sáng tạo, với tần suất cao, không chỉ thể hiện những tư tưởng lớn của Người về đối ngoại mà còn để lại cho chúng ta những mẫu mực về phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Có thể thấy những bài học về phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay là: Dự đoán đúng về xu thế phát triển của tình hình trong nước và quốc tế, xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại; kết hợp linh hoạt giữa các hình thức đối ngoại, tạo thời cơ và kịp thời tận dụng khi thời cơ xuất hiện;  kết hợp giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự; kết hợp giữa việc xây dựng thực lực với hoạt động ngoại giao; kết hợp giữa tìm kiếm bạn đồng minh với tận dụng triệt để mâu thuẫn trong nội bộ đối phương, phân hoá chúng, loại dần từng kẻ thù một để tập trung đối phó với kẻ thù chính; luôn kiên định về mục tiêu, linh hoạt về sách lược, luôn giữ thế tiến công nhưng biết nhân nhượng, thỏa hiệp đúng lúc, giành thắng lợi từng bước để đi tới thắng lợi quyết định.

Những bài học về đối ngoại sâu sắc đó cho đến nay vẫn còn mang ý nghĩa nguyên vẹn và tiếp tục soi sáng cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay của nước ta.

TIẾN SỸ ĐINH NGỌC QUÝ​
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong suốt một thời gian dài. Lòng dân cách mạng hòa quyện trong thế hình sông núi hiểm trở, cơ động, tiến công, phòng ngự đều thuận lợi đã đưa Tuyên Quang trở thành một trong những vùng an toàn khu tuyệt đối tin cậy của cách mạng cả nước. Nơi đây được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cách mạng, lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang một lần nữa vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng chọn là trung tâm đầu não kháng chiến.

Từ Tuyên Quang đã ra đời nhiều quyết sách quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng từ đây, nhân dân cả nước ngày càng được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Đó là điều kiện cơ bản, đảm bảo vững chắc cho sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, dân chủ, hòa bình thế giới đối với cách mạng Việt Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi ghi sâu những cố gắng, đóng góp lớn lao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược của toàn dân tộc.

PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Với tầm nhìn chiến lược về cách mạng và dự báo trước về cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ cách mạng tại Tuyên Quang. Từ cuối năm 1946, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng An toàn khu (ATK) chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, trong đó ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang được chọn làm trung tâm.

Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến đã về tới Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Một lần nữa, lịch sử lại giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô kháng chiến, căn cứ vững chắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Đất và người Tuyên Quang lại hành trình cùng nhân dân cả nước đi tiếp chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ để giành lại nền độc lập tự do trọn vẹn, bền vững cho dân tộc. Nơi đây đã ghi dấu những năm tháng cam go về cuộc chiến trường kỳ của dân tộc và cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.

Có thể nói, Tuyên Quang - cái nôi của cách mạng, nơi bảo tồn và phát huy giá trị những di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc. Đây cũng là nơi góp phần hun đúc nên một con người - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục