Kim Quan nhớ Bác Hồ

- Con đường bê tông nhỏ nối từ đường quốc lộ dẫn chúng tôi tìm về thăm Di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan (Yên Sơn). Lán ở, làm việc và hầm an toàn của Bác nằm ở chân núi Nà Lơi, quay theo hướng Đông, nhìn về dòng sông Phó Đáy. Căn lán nhỏ đơn sơ đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Nơi Bác ở sàn mây vách gió/Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà/Đêm trắng một ngọn đèn khêu nhỏ/Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

 “Ta có Bác dẫn đường lên trước”

Tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, quyết định các vấn đề quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao. Người là “ngọn đuốc” soi đường, dẫn lối lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Người trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Tại Khuôn Điển, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư cổ vũ tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Người viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang”. Bác rất tin tưởng các chiến sỹ sẽ vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó. Ngày 15-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng gửi điện đến toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi Quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu ở Điện Biên Phủ; nêu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch “là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Người nhắc nhở Quân đội ta phải cố gắng chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, không chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Kim Quan, Người đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để phục vụ tiền tuyến và phòng đói; phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến mau thắng lợi. Cũng từ nơi đây đồng chí Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta đã lên đường đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ…

Cán bộ và nhân dân xã Kim Quan (Yên Sơn) thăm điểm Di tích Lán ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Khuôn Điển.    

Tháng 8-1954, từ Khuôn Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường trở về Thủ đô Hà Nội.

Ông Lương Văn Tính, 70 tuổi, trước đây là cán bộ xã Kim Quan cho biết, khi còn trẻ, ông thường được nghe người cao tuổi trong xã kể chuyện về quãng thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại Khuôn Điển. Khi đó, người dân không hề biết cụ già có dáng người mảnh khảnh, đôi mắt vô cùng hiền từ thường ngồi câu cá bên bờ Vực Nhù là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà con trong thôn, trong xã chỉ truyền tai nhau đó là “Ông Ké làm cách mạng”. Mãi sau này, khi Bác rời đi, người dân nơi đây mới được biết đó là Bác Hồ. Ngoài lo toan những công việc quan trọng của đất nước, Bác Hồ còn dành thời gian dạy dân làng cách trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất, dạy dân cách sinh hoạt hợp vệ sinh phòng tránh bệnh tật. Bác còn căn dặn người dân phải thương yêu, đoàn kết, giữ bí mật cho cán bộ cách mạng. 

Trong khoảng thời gian sống và làm việc ở Khuôn Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo, vạch đường, chỉ lối cho cán bộ, chiến sỹ của ta chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận Điện Biên Phủ và trên cả mặt trận ngoại giao.

Những hoạt động của Bác ở Kim Quan cho chúng ta hiểu hơn về tư tưởng của một con người vĩ đại luôn hết mình vì nước, vì dân, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc và một  khát vọng hòa bình luôn hiện hữu, cháy bỏng trong suy nghĩ, hành động của Bác.

Bức tranh nông thôn mới nâng cao

Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã thay đổi lề lối, tác phong làm việc, gần dân, giúp đỡ và lắng nghe nhân dân để chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn. Những năm qua, Kim Quan là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân, hết năm 2019, xã Kim Quan đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Về Kim Quan hôm nay, cảm nhận rõ sự bừng sắc của một vùng quê cách mạng. 100% đường trục xã, đường ngõ xóm, đường nội đồng đã được cứng hóa; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; 3/3 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh; 7/7 thôn đều có nhà văn hóa khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị phụ trợ; trụ sở Ủy ban nhân dân xã, cơ sở vật chất văn hóa xã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân đến giao dịch thuận lợi.

Xã Kim Quan đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Ảnh: Thái An

Với mục tiêu phấn đấu đạt 43,2 triệu đồng/người/năm vào năm nay, xã đang tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong đó chú trọng việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như chuỗi liên kết chăn nuôi trâu vỗ béo, trồng, chế biến chè,  hồng không hạt và ngô làm thức ăn gia súc. Đồng thời phát huy có hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác nhằm phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi gà đen... Kim Quan cũng đang tập trung phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC, xây dựng vùng chuyên canh chè đặc sản, xây dựng thương hiệu gà đen tiến tới xây dựng thương hiệu gà đen Kim Quan và chè đặc sản Ngọc Thúy Khuôn Hẻ...

Ông Dương Văn Thái, Trưởng thôn Khuôn Điển phấn khởi cho biết, những năm gần đây, đời sống của người dân trong thôn nâng lên rõ rệt nhờ hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. Người dân đã nỗ lực, năng động tìm nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Toàn thôn hiện có trên 20 ha rừng trồng sản xuất. Số lượng các mô hình chăn nuôi gia cầm, gia súc trong hộ gia đình tăng lên. Năm 2021, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.

Về Kim Quan hôm nay, cảm xúc bồi hồi, xúc động và phấn khởi đan xen trước những giá trị lịch sử to lớn về Bác và diện mạo nhiều đổi thay của mảnh đất cách mạng. Lòng kính yêu vô hạn của người dân Kim Quan chính là sức mạnh để Kim Quan hôm nay vững bước đi lên.

Ghi chép: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục