ATK Tuyên Quang
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trước khi rời Tân Trào (Sơn Dương) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, dự kiến khả năng có thể trở lại tổ chức kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa.
Ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và lan rộng. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và khả năng phòng thủ của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trở lại Việt Bắc. Tuyên Quang đã được chọn làm trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, an toàn khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các cơ quan Trung ương.
Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương). Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trở lại Việt Bắc để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã có 65 bộ, ban, ngành và các cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại hàng trăm địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Suốt một dải từ Sơn Dương, Yên Sơn đến Chiêm Hóa với thế núi sông hiểm trở, đã trở thành khu căn cứ an toàn của Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, ở Sơn Dương có các bộ và cơ quan ngang bộ như: Nội vụ, Ngoại giao, Ngoại thương, Giao thông, Canh nông, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Lao động, Giáo dục và Công an (lúc đó là Nha Công an). Ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng tại đây. Các bộ Nội thương, Thương binh - Xã hội đóng ở Chiêm Hóa, Bộ Kinh tế ở Yên Sơn. Tại Sơn Dương còn có các cơ quan đầu ngành như Nha Lâm chính, Nha Ngân khố, Kho dự trữ, Sở Đúc tiền, Cục Lưu trữ quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã, Nhà xuất bản, v.v...
Tại ATK Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định và thông qua nhiều chủ trương và chính sách lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và ngoại giao, lãnh đạo toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi. Tại Tuyên Quang đã diễn ra nhiều đại hội, hội nghị quan trọng quyết định đường lối, vận mệnh của đất nước. Cũng tại Tuyên Quang, với cương vị là lãnh tụ tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh thực thi hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền, huy động tối đa trí tuệ, nhân tài, vật lực của toàn dân cho cuộc kháng chiến.
Di tích lán và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lãnh đạo kháng chiến thời kỳ 1953-1954, tại xã Kim Quan (Yên Sơn).
Ảnh: Quang Hòa
ATK Tuyên Quang là nơi diễn ra nhiều cuộc đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động ngoại giao, như gửi thư, điện, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, trả lời các nhà báo nước ngoài, nhằm giới thiệu, tuyên truyền tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Cả nước hướng về Việt Bắc, mà Tuyên Quang là trung tâm căn cứ địa, nơi có Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc. ATK Tuyên Quang cũng là nơi để nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ và đồng tình ủng hộ sự nghiệp của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến của cả nước. Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc hơn 5 năm tại nhiều địa điểm khác nhau và cũng ở Tuyên Quang Người đã có nhiều quyết định quan trọng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua gian khó đến ngày chiến thắng.
Suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng, bảo vệ Thủ đô Kháng chiến; bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những địa danh như: Làng Sảo, Khấu Lấu - Vực Hồ, Lũng Tẩu, Lũng Trò, Bản Chương, Khuôn Điển, Hang Bòng, Khun Mạ… của Tuyên Quang nơi đã từng in dấu chân Người mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống cách mạng
Những mảnh đất lưu dấu chân Người năm xưa, nay đã có nhiều đổi thay. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương luôn khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương), nơi vinh dự được đón Bác trở lại để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược hôm nay đang đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Nguyễn Duy Biền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Sảo cho biết, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, người dân luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ di tích để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ cho nhân dân cả nước hướng về, ôn lại truyền thống, những năm tháng hào hùng của dân tộc, cũng như biết thêm về dấu mốc cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích Hội trường Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951). Ảnh: Hải Yến
Là một trong 7 xã điểm đầu tiên của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Đảng bộ và Nhân dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đang tiếp tục từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, nơi đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức trong nước, nay đã được phục dựng nguyên mẫu với Hội trường Đại hội; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; lán ở của Bác Hồ; nhà bia tổng thể... trở thành “địa chỉ đỏ” cho các hoạt động giáo dục truyền thống không chỉ riêng tỉnh Tuyên Quang mà của đồng bào cả nước, với hàng trăm nghìn lượt người tham quan mỗi năm.
Cụm Di tích an toàn khu Kim Quan, huyện Yên Sơn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ ở và làm việc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953 - 1954). Kim Quan hôm nay cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: với người dân Kim Quan, Cụm Di tích an toàn khu Kim Quan là niềm tự hào gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.
Thi đua học và làm theo Bác
Trong mỗi chặng đường phát triển, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ. Việc học tập, làm theo Bác luôn được Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang cụ thể hóa vào trong mỗi việc làm, hành động cụ thể trên mọi lĩnh vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến đời sống của người dân.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đảng bộ tỉnh. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2021.
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Tiếp tục nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nội dung với chủ đề: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng tỉnh Tuyên Quang có nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; môi trường xanh - sạch - đẹp; kinh tế phát triển nhanh, bền vững”. Đây chính là những hành động thiết thực cụ thể hơn nữa để việc học tập, làm theo Bác trở thành động lực quan trọng, giải pháp quan trọng đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết