Công dân số - công dân học tập suốt đời

- Trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, thì vai trò của con người, đặc biệt là con người có trí tuệ càng trở nên quan trọng. Để khai thác tốt tiềm năng của con người, biến thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi mỗi con người phải trở thành những công dân số, học tập suốt đời.

Một trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định trong Nghị quyết là “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Để thực hiện được nhiệm vụ này không ai khác ngoài các công dân số. Vì vậy, trước hết và điều kiện nền tảng cho chuyển đổi số thành công là hình thành cộng đồng công dân số.

Với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, con người luôn là chủ thể, là động lực cho sự phát triển. Tất cả mọi sản phẩm, của cải, vật chất đều do con người lao động, sản xuất, sáng tạo ra. Chính vì vậy dù trong giai đoạn phát triển nào, tri thức của con người sẽ là nguồn lực, động lực chủ yếu tạo nên sự tăng trưởng. Điều này càng có ý nghĩa trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, khi nguồn lực con người được đặt ở vị trí trung tâm, khơi dậy và phát huy tiềm năng của các nguồn lực khác để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển.

Tuy vậy, để có những công dân số hiểu biết về khoa học công nghệ, có kiến thức về phần cứng và phần mềm, cũng như kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử, am hiểu pháp luật đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực học tập suốt đời để làm chủ được khoa học công nghệ, có tri thức và trở thành công dân số, công dân toàn cầu. Bởi khoảng cách từ  “nguồn nhân lực” tới “nhân lực” còn khá xa, đó chính là quãng đường từ giáo dục phổ thông đến học nghề, học đại học, sau đại học, của mỗi người. Hay nói một cách khác: muốn là công dân số thì phải học tập suốt đời, vì quá trình thay đổi của cuộc cách mạng trí tuệ sẽ không có điểm dừng, nó thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục