Ông là người đầu tiên lập nghiệp ở đây và tự đặt tên cho xóm là Đồng Măng. Ông nghĩ thiết thực và dễ hiểu thôi, đặt tên gắn với những cái nổi bật của xóm cho dễ nhớ, để nhắc nhở con cháu sau này về những ngày đầu cha ông khai thiên lập địa. Những đồi măng tre, măng vàu, rồi hóp, mai đua nhau mọc xanh tốt, thứ mà ngày đó người ta cho nhau thôi. Người ở xóm ngoài, xóm trong vào đây lấy măng như một lẽ tự nhiên là thứ đất trời ban tặng. Nhiều người còn chặt cả bụi tre về làm nhà cửa, làm rào rậu, măng ít mọc hẳn đi.
Bất lực, tiếc nuối mà ông đâu dám can thiệp. Ông đến xã báo cáo thực trạng, thế rồi xóm cũng được kiện toàn ban lãnh đạo, có đủ các đoàn thể hoạt động. Và tất nhiên, ông được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Những đồi măng được đưa vào hương ước quản lý chặt chẽ, nhà nào cũng phải có trách nhiệm bảo vệ. Chòm xóm xưa có mươi nóc nhà, giờ có trên 3 chục đều là người xuôi lên, người ở xóm ngoài vào, người ở thượng huyện xuống. Xóm không có tình trạng đói đứt bữa như ở nơi khác nhưng giàu lên thì khó quá. Thế mạnh là cây măng nhưng làm gì để loài cây này trở thành cây làm giàu là điều khiến ông phải nghĩ.
Có những đêm thao thức, mất ngủ. Ông dậy sớm lắm, chong đèn đọc sách. Đêm tĩnh lặng, ông nghe rõ cả tiếng thở dài của vợ từ phía phòng bên. Bà lục đục dậy, chêm cho ông ấm chè, khoác thêm cho chồng chiếc áo phao. Bà hiểu ông đang nghĩ gì, mong muốn điều gì cho cái xóm Đồng Măng này nên lo lắng nhiều, người xọp cả đi.
Cái tính ông vốn thế, đã làm cái gì là làm đến cùng. Sáng sớm hôm ấy, ông tạm biệt vợ con lên huyện học cách chế biến măng. Cán bộ nhiệt tình giúp đỡ như chắp thêm niềm khát khao trong ông vươn tới ước mơ. Ông học được kỹ thuật làm lò sấy măng, khai thác, chế biến măng để cung ứng vào thị trường thành phố. Đầu mối tiêu thụ đã có rồi, giờ chỉ còn là sản phẩm chất lượng, mẫu mã bao bì thế nào để đáp ứng yêu cầu của khách hàng thành phố nữa thôi.
Mẻ măng đầu tiên ra lò được một siêu thị ở thành phố thu mua luôn, ông vui đến rơi lệ. Ông dặn vợ làm mâm cơm thịnh soạn tạ ơn đất trời, tổ tiên đã ban cho xóm Đồng Măng nghề mới. Người xóm Đồng Măng được ông truyền nghề, những bụi tre được chăm sóc chỉn chu hơn nên mức độ đẻ măng cũng dày hơn khá nhiều. Từ nghề mới này, xóm Đồng Măng giàu lên hẳn, nhà nào cũng lợp ngói đỏ, xây được nhà máy bằng, hiên tây mái chảy, nhà mái Thái.
Đúng là trâu buộc ghét trâu ăn. Dạo này đêm nào xóm Đồng Măng cũng có người đến trộm măng bán lại cho lò sấy của ông. Có người ngấm ngầm đổ dầu hỏa vào những bụi tre để triệt hạ. Ông phát hiện ra và biết đó là ai, có lần bắt được tận tay nhưng vì tình nghĩa nên ông bỏ qua. Người xóm Đồng Măng xử lý lại đất bị ô nhiễm do dầu hỏa, măng lại đón hơi sương lên tốt tươi.
Năm nay sức ông yếu hẳn. Căn bệnh phổi tái phát, ho nặng hơn và ông lặng lẽ ra đi sau một đêm trời mưa rả ích. Tiếng gió thổi những bụi tre kẽo kẹt như tiếng khóc than người đàn ông cần mẫn chăm chút sự sống của những bụi măng. Người xóm Đồng Măng tự hào vì ông, biết ơn khi được ông truyền dạy nghề nên đồng lòng tôn vinh tên tuổi ông, hình tượng ông là Thành Hoàng Làng. Cả xóm Đồng Măng chung ngày giỗ Thành Hoàng Làng. Những rặng tre quanh ngôi đình bỗng trổ hoa, người xưa bảo tre mà trổ hoa thì may mắn lắm, được Thành Hoàng Làng phù hộ, che chở. Gió rì rầm tỏa ra từ những hàng tre như những câu chuyện kể, như lời hát ca ngợi công lao của người đàn ông đã về với đất mẹ.
Gửi phản hồi
In bài viết