Phố vắng

- Con phố nhà bà khá vắng vẻ. Chỉ có mỗi thứ 7 là nhộn nhịp hơn vì các loại xe tấp nập chở hàng đến đây giao lại cho bà. Người phố biết bà làm gì nên cũng chả ai hỏi hay tò mò gì cả.

Sớm nay thứ 7, phố bỗng vắng hơn mọi khi. Người phố biết bà đang ốm nặng, các gia đình thay nhau đến thăm hỏi, chăm sóc bà. Nhìn mọi người xung quanh, bà trở mình rồi thở dài. Tiếng thở dài như nuối tiếc điều gì đó làm chưa trọn vẹn với cuộc đời này.

Có tiếng nói thì thầm bên tai bà. "Chị nghỉ ngơi đi, rồi sẽ khỏe thôi. Chị khỏe thì bà con được nhờ". Bà nhìn người hàng xóm, bỗng dưng nước mắt cứ trào ra. Bà thèm tình thân, tình máu mủ ruột rà nhưng cuộc đời bà chỉ có những người hàng xóm là thân thích. Những lúc ốm đau thế này, bà ước có đứa con gọi mẹ, đánh thức bà dậy ăn uống, thuốc thang. Bà ngoảnh đi, cố gạt những giọt nước mắt.

Bà lớn lên ở phố này từ nhỏ. Phố vẫn vắng thế dẫu có nhiều nhà hơn. Đến giờ bà vẫn chữa hết bàng hoàng vì trận lụt năm đó đã cướp đi tất cả người thân của bà. Bà được người phố cưu mang, nuôi nấng từ bé, khi lớn lên lúc nào bà cũng đau đáu với việc trả nghĩa người ở phố này.

Những nóc nhà ở phố lúc nào cũng lầm lũi, buồn tủi, ít thấy người ta cười bao giờ. Có lẽ vì cái trận lụt năm đó, những người thân ra đi mãi mãi, khiến người phố chẳng thể nguôi ngoai. Cô bé năm nào giờ thành thiếu nữ, xinh đẹp hơn người nhưng vẫn từ chối những lời mật ngọt đám trai tráng phố bên. Cô chịu khó làm lụng, tiền kiếm được cô chả giữ riêng cho mình bao giờ. Nhà nào có việc như xây cất nhà cửa, con cái lập gia đình, cô giúp đỡ vô tư lắm, chả bao giờ tính toán thiệt hơn. Nhà nào ở phố làm gì cũng nhờ vả cô và cô thấy trách nhiệm của mình phải giúp đỡ để đền đáp công ơn của họ.

Thời gian rồi cũng co lại với tuổi xuân, cô thiếu nữ giờ đã ngả bóng xế chiều. Bọn trẻ ở phố lớn lên, sinh con, cô lên chức bà lúc nào không hay. Nhưng thôi, đó là lẽ đời, bà vẫn lầm lũi làm việc, giúp đỡ xóm giềng như người thân của mình. Rồi bà lập tổ tình nguyện, kêu gọi những người cùng có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Tổ tình nguyện của bà hoạt động vươn ra khỏi dãy phố vắng nơi bà ở, đến với nhiều địa phương vùng cao, vùng khó khăn. Vào dịp cuối năm, những chiếc xe ô tô chở hàng hóa ở khắp nơi cập chỗ bà ở rồi lại đi khắp nẻo. Giờ bà có tuổi rồi, đôi chân có lúc mỏi nhưng điều đó không phải là thách thức bà đến với người nghèo nơi vùng sâu, núi thẳm. Tết năm nào cũng thế, bà về đến nhà đã sắp sang canh, những người phố đến nhà giúp bà chuẩn bị bánh chưng, con gà làm mâm cỗ cúng. Bà đứng lặng, chợt thấy xót lòng, chả muốn khóc mà nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt.

Bà nắm tay những người hàng xóm tốt bụng, sụt sịt, giọng như nghẹn lại: Tôi lại phiền các ông bà rồi.

- Ấy chết, sao chị nói thế, chị giúp đỡ người phố này nhiều lắm, tiền của, công sức xây cất nhà cửa, chị có tính đếm gì đâu. Như nhà tôi đây chẳng hạn. Giờ chị đi làm phúc ở xa, về muộn, chúng tôi làm giúp cũng là cái tình...

Bữa cơm sau cúng giao thừa được bày ra, mọi người rôm rả chuyện trò. Hình ảnh những người nghèo hớt hải buổi chiều nay mang quà về làm cỗ Tết khiến bà trăn trở mãi. Bà thấy buồn trong lòng vì việc mình làm thiện nguyện cứ kéo từ hết năm này qua năm khác, cái nghèo khổ mãi chưa hết. Bà chỉ mong, việc của bà ít đi, không còn nhiều người cần cứu trợ nữa.

Thành Công

Tin cùng chuyên mục