Cha mẹ, ôm cây lúa, bắp ngô, chăn nuôi gà vịt mà sống. Thế hệ 8X lớn lên trong cơ chế thị trường, trầy trật với lập thân, lập nghiệp. Miền núi đang ào ạt xây dựng nông thôn mới. Đất đồi bạt ngàn, anh theo chủ trương đi trồng nhãn, vải thiều. Phủ xanh đất rừng bằng keo, bạch đàn. Rồi cam, chanh. Cây nào cũng có thể làm giàu. Nhưng rồi, chỉ vài ba năm sau, cả làng, cả xã đều oải ra.
Niềm khao khát ước mơ làm giàu thôi thúc anh. Học hết cấp ba, không thi đại học, anh quyết bám đất, bám rừng. Thanh niên nam nữ lao vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, xa quê hương tìm kiếm đồng lương ít ỏi. Huấn không theo trào lưu. Anh loay hoay với đất và nước. Đất rộng, ao hồ nhiều. Biết làm gì nhỉ? Nuôi cá, thì cả làng đã làm. Nó chỉ là thực phẩm thay thế, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nuôi cá thương phẩm không làm mới kinh tế. Chăn nuôi đã khó, đầu ra cho con cá, cũng là một vấn đề. Câu hỏi lớn như xoáy vào tâm trí chàng trai miền núi. Huấn bắt đầu lặng lẽ theo cách riêng của mình. Học cách nuôi ốc nhồi.
Từ lâu trong dân gian, người nông dân chỉ ước mơ vườn rau, ao cá. Chuyện vườn cây, ao ốc nghe vừa lạ, vừa ngang tai. Cha mẹ anh không tin vào hướng này. Cả làng đều gàn. Người thì cho là Huấn phiêu lưu, "ốc không mang nổi mình ốc..." Huấn không nản. Anh bắt đầu mầy mò, nghiên cứu đặc tính của loài ốc. Tìm hỏi bác Google, đi tham quan, học hỏi tại những làng nghề nuôi ốc nhồi ở Ninh Bình và vùng đồng bằng bắc bộ. Tiếp đến, việc quan trọng là tìm nguồn gen tốt. Giống tốt sẽ là nhân tố quyết định lớn cho sản phẩm và chất lượng. Đã có người, do không tìm hiểu kỹ nên mang ốc bươu vàng về, làm hại cho cây xanh, tàn phá môi trường. Lúc ấy, triệt bỏ nó còn vô cùng khó khăn. Anh bắt đầu cải tạo ao ruộng. Điều tiết bùn, nước và trồng cây xanh ven bờ. Những con ốc nhỏ nhoi bắt đầu cuộc sống mới. Lứa vụ đầu tiên luôn thấp thỏm, hồi hộp trong tâm trí anh.
Làm quen với loài nhuyễn thể này, Huấn như người đi mò. Người đời nói về ốc: "mồm bò, không phải mồm bò, mà lại mồm bò”. Mấy ngàn mét vuông ao dành cho ốc. Đồi, vườn cũng dành cho ốc. Mấy sào đất đồi, đất vườn Huấn trồng đu đủ. Cả một vườn đu đủ trĩu trịt trái, đó là món ăn chính của ốc. Chỉ cần băm chặt, thả xuống ao là chúng biết bám kín miếng đu đủ. Lát sau là hết trụi.
Nuôi ốc, Huấn không mất quá nhiều thời gian. Đang mùa hoa bèo nở tím mặt ao. Không phải ngẫu nhiên mà cây bèo lại có mặt ở đây. Bèo tím là nơi trú ngụ ngày nắng nóng, lúc lạnh rét của ốc. Khi cây bèo nở đặc ao, anh lại vớt lên tạo khoảng không cho ốc. Thân cây bèo làm phân xanh cho đu đủ. Từ khi nuôi, đến khi thu hoạch ốc, chỉ trong vòng một trăm ngày. Không phải lo bệnh, dịch cho ốc. Con ốc to có thể lên tới trên một trăm gam. Mùa thu, ốc vừa tuổi béo. Con ốc cũng trầm tính như chủ của nó. Huấn rít thuốc lào rèn rẹt. Khi đã có sản phẩm, nói giời, nói đất cũng lắm người tin. Lại vào Google tìm nơi tiêu thụ, các nhà hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh. Ôi, cái thứ ngày xưa coi là rẻ rúng, giờ lên ngôi. Chàng trai "mò cua, bắt ốc" bỗng chốc thành ông chủ ốc.
Giờ thì, Huấn không phải "đổ vỏ” như mấy người trong làng dèm pha. Xe từ khắp nơi tự khác tìm đến. Nhà hàng đặc sản đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Huấn còn ương và bán con giống cho những người xung quanh. Tôi hỏi nhỏ:
- "Huấn không sợ người ta "chiếm đoạt" thương hiệu à?".
- Nếu vùng quê lam lũ này, ốc có thương hiệu, sẽ thành một làng nghề. Huấn ốc cười rất tươi.
Gửi phản hồi
In bài viết