“Đừng để rác trôi vào người”

- Ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề đáng báo động ở các TP. Hồ Chí Minh, Huế, hay Hà Nội. Nó là vấn đề chung của tất cả các tỉnh, thành, trong nước và ngoài nước. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật đặc biệt, một cách truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường đến với mọi người. Chỉ có ý thức và hành động đúng đắn, con người mới vượt qua môi trường ô nhiễm, độc hại để được sống trong không gian xanh - sạch - đẹp, trong lành, thuần khiết.

Cảnh báo mạnh mẽ về ô nhiễm môi trường

Dẫu chương trình nghệ thuật “Hoa và rác” (do nhóm Feelings Art House tài trợ, đồng giới thiệu cùng sự hợp tác của Quỹ Nghệ thuật và văn học Trịnh Công Sơn, truyền thông của Công ty Le Bros, sự tham gia của 120 nghệ sĩ cùng nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã khép lại cách đây hai tuần, nhưng nó vẫn đọng lại trong người xem một cách làm hay về cảnh báo ô nhiễm môi trường, bởi ở đó thông điệp cảnh báo được kết hợp với nghệ thuật mềm mại, hấp dẫn dễ đi vào lòng người, thúc giục mọi người nâng cao ý thức và hành động để ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đang ngày càng trở nên trầm trọng và phổ biến, dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí. Đặc biệt là tại các đô thị lớn lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Việc xử lý rác thải đã được cố gắng tăng cường nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Đi qua nhiều đoạn đường, chúng ta dễ bắt gặp rác thải, ruồi nhặng, xác chuột chết bốc mùi hôi thối đến khó thở; nhiều dòng kênh, bờ sông cũng đầy rác. Nhiều người vô tư thảy rác ra đường không đúng nơi quy định. Rác thải không được xử lý tốt sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến cuộc sống, sinh hoạt của mỗi gia đình, của từng con người.

Chương trình nghệ thuật Hoa và Rác lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.

Ông Ngô Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar (chuyên về xử lý rác thải tại TP. Hồ Chí Minh) - Đạo diễn chương trình “Hoa và rác” cho rằng tình hình rác gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Những người làm công tác xử lý rác thải như ông rất lo lắng. Ông cảnh báo: “Nước thì trôi ra biển, rác lại trôi vào người. Mọi người cần có ý thức và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường, có như thế mới ngăn chặn được rác, không để rác trôi vào người”.

Là một kỹ sư, một chuyên gia về xử lý rác thải, ông Ngô Việt ấp ủ việc đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cảnh báo về ô nhiễm môi trường. Để thông điệp dễ đi vào lòng người, lay động được lòng người, ông quyết định chọn sử dụng hình thức nghệ thuật, lấy tên chương trình là Chương trình nghệ thuật “Hoa và rác”.

Độc, lạ chương trình nghệ thuật “Hoa và Rác”

Nét độc, lạ chính là việc gắn hoa và rác. Ông Ngô Việt cho hay: “Sự lựa chọn các tác phẩm của các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một sự kết hợp tinh tế của “hoa” và “rác”. “Những sáng tác đó chứa đựng nguồn cảm hứng - như tình yêu thiên nhiên, quê hương… Đó chính là “hoa” với những vẻ đẹp tinh tế. Từ những cảm xúc đó, chúng tôi sáng tác, phát triển thêm để dẫn dắt khán giả từ cái đẹp đến những trăn trở về môi trường. Đó là cách chúng tôi kết nối “hoa” và “rác”.

Hoa và rác nghe đã thấy rất khác biệt, kết hợp rất khó nên muốn thành công cần phải có sự sáng tạo, độc, lạ. “Môi trường thường bị cho là khô khan, sáng tác những ca khúc về môi trường, về rác là điều rất khó. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để Chương trình nghệ thuật “Hoa và Rác” trở thành một tác phẩm nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, vũ đạo, kể chuyện và thiết kế sân khấu thân thiện với môi trường.

Chúng tôi dùng thủ thuật lồng các bài hát, như: “Mùa xuân đầu tiên” (nhạc sĩ Văn Cao), “Tình Hoài Hương” (nhạc sĩ Phạm Duy), “Góp lá mùa xuân” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Sắc màu” (nhạc sĩ Trần Tiến), “Yêu dấu tan theo” và “Đêm thấy ta là thác đổ” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)...  kết hợp múa, trong đó múa để thể hiện thông điệp cảnh báo môi trường, không phải là múa phụ họa theo bài hát. Chẳng hạn như cùng với thể hiện ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì trên tháp cao sân khấu người ta vứt rác ào ào xuống khi bên dưới đang có nhiều người. Đấy là một sự đối lập gây ấn tượng mạnh mẽ”, ông Ngô Việt chia sẻ.

4 chương của chương trình nghệ thuật “Hoa và rác” được bố cục hợp lý. Lần lượt là “Tình quê hương” đưa khán giả trở về với những giá trị thiên nhiên thuần khiết; Rải và Nhặt phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa con người và môi trường, giữa sự thải bỏ và thu gom; Hoa và Rác tái hiện nét đối lập giữa vẻ đẹp thiên nhiên và thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng; “Môi trường muôn sắc” là những gợi mở về một thế giới đa dạng và tươi đẹp khi con người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về điều lạ, độc đáo về đạo cụ, thiết kế sân khấu, ông Ngô Việt cho biết: “Toàn bộ đạo cụ được tạo dựng từ vật liệu tái chế, tận dụng từ những máy móc đã cũ, hỏng trong nhà máy xử lý rác của tôi. Khó thực hiện nhất là tháp phế liệu cao 5 mét - được chế tác từ một máy phân loại rác.

Đây là cách chúng tôi thể hiện trách nhiệm môi trường và hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác”.
Chuyện rác, ô nhiễm môi trường không phải là chuyện riêng của quốc gia nào. Mọi người trên trái  đất cần chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Đây cũng là lý do ông Ngô Việt muốn đưa Chương trình nghệ thuật “Hoa và rác” đến với nhiều nước.

Nhận xét về chương trình nghệ thuật “Hoa và rác”, ông Nguyễn Trung Trực, đại diện Quỹ Nghệ thuật và văn học Trịnh Công Sơn cho rằng: “Đây là một chương trình hay, nhắc nhở chúng ta có ý thức và hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường. Mỗi chương như một bức tranh sống động, được vẽ nên bằng những giai điệu còn mãi với thời gian của các nhạc sĩ gạo cội, từ những ca khúc ngập tràn tình yêu quê hương, trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên.

Chương trình còn có sự xuất hiện của những ca khúc quốc tế bất hủ như Summertime (George and Ira Gershwin), Earth Song (Michael Jackson), Think of me (Andrew Lloyd Webber)... Những điều chưa đẹp trong xã hội cũng được hé lộ khi đứa trẻ lớn lên cũng được gợi nhắc và trở thành chủ đề cho nhóm Feelings khai thác trong phần trình diễn của mình”.

Một số khán giả như chị Phạm Thị Thúy (đến từ phường Gia Thụy, quận Long Biên), anh Đào Văn Khôi (đến từ phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đều bày tỏ lần đầu tiên được xem một chương trình nghệ thuật mang tính tuyên truyền bảo vệ môi trường nhưng lại độc, lạ, hấp dẫn. Điều đó khiến bản thân người xem càng ý thức hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Đinh Xuân Trường

Tin cùng chuyên mục