Từ giảng đường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đến các Liên hoan phim quốc tế, anh đã nhiều lần được vinh danh, trong đó có bộ phim “Cha cõng con” nổi tiếng với những khung hình đẹp như tranh vẽ. Giờ đây, đạo diễn tiếp tục hành trình sáng tạo với dự án phim lịch sử “Anh hùng”, trong đó dự kiến có những cảnh quay tại chính quê hương anh - Tuyên Quang. Trong cuộc trò chuyện cùng Báo Tuyên Quang, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ những quan điểm về cách quảng bá văn hóa, dựa trên nền tảng truyền thống kết hợp với tư duy làm nghệ thuật hiện đại.
Đạo diễn Lương Đình Dũng.
Phóng viên: Chào đạo diễn Lương Đình Dũng, anh đánh giá như thế nào về tiềm năng văn hóa của Tuyên Quang? Tuyên Quang có những yếu tố nào nổi bật, có thể trở thành chất liệu cho quảng bá văn hóa?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ đầu tiên là âm hưởng về Tuyên Quang trong tôi thực sự thi vị, vừa là cụ thể vừa là vô hình nhưng được quy tụ từ ngàn đời đã tạo nên một Tuyên Quang đầy đủ cảnh sắc sơn thủy hữu tình khiến bất kỳ ai đến Tuyên Quang cũng dễ yêu và khó quên. Ngoài ra Tuyên Quang là một vùng đất đặc biệt về văn hóa nhiều dân tộc, có những di tích lịch sử cách mạng quan trọng và hơn nữa những di tích hòa vào thiên nhiên hùng vĩ được bảo tồn tốt. Dưới góc nhìn về phim ảnh thì đó là những điều kiện tốt để thi vị hóa những câu chuyện vừa thần thoại vừa có thực sẽ tạo nên cho Tuyên Quang nhiều câu chuyện phong phú vô cùng sinh động gắn liền với thác nước, hồ xanh và những dòng sông với cảnh quan đẹp, đồ ăn cũng ngon nữa. Đặc biệt là con người Tuyên Quang trong mắt mọi người là những người trong trẻo dễ gần. Không cần đi xa xôi quá hay đòi hỏi những chất liệu phải thế này phải thế kia mới truyền thông quảng bá được, đôi khi biết cách chúng ta đánh thức tất cả, kể cả là một tổ kiến hay tổ ong to hơn bình thường cũng có thể làm trỗi dậy sự tò mò của khán giả.
Phóng viên: Theo đạo diễn, quảng bá văn hóa hiện nay cần thay đổi như thế nào để phù hợp với thị hiếu thời công nghệ 4.0?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Nếu xét về điều kiện từ văn hóa đến cảnh quan con người, Tuyên Quang hội tụ đủ. Nhưng ngày nay quảng bá văn hóa cần có một hệ thống và có tính chiến lược. Tôi đã có thời gian làm trong công ty truyền thông nước ngoài khá lâu, tôi nghĩ rằng nội dung là cốt lõi, những nét chấm phá rất riêng của người Tuyên Quang mới là điểm mạnh để thu hút mọi người. Giờ đây quảng bá không còn là thông tin đơn thuần nữa mà nó phải bán đi cảm giác thực sự tốt nhất cho người muốn khám phá và họ cần, có thể từ những bộ váy áo sặc sỡ, từ cảnh quan Cọc Vài, xôi đa sắc, màn nhảy lửa..., không nhất thiết cứ phải cái gì đó to đùng mà đôi khi chỉ là một dấu ấn. Tất cả đó nhưng ta phải tạo nên một “bữa tiệc hình ảnh và nội dung” chuyên nghiệp và tinh tế sẽ khiến người xem nức lòng, đôi khi họ đến một nơi khám phá chỉ là một cái cây, một cái giếng mà Tuyên Quang có nhiều lắm những giá trị vô giá để quảng bá văn hóa một cách lôi cuốn và khác biệt.
Còn phương tiện thì ngày nay, mọi người không chỉ đến bảo tàng hay đọc sách để biết về văn hóa, họ xem TikTok, YouTube, phim tài liệu ngắn, vlog du lịch… Vì thế, việc số hóa, kể chuyện bằng hình ảnh, tạo ra trải nghiệm tương tác, thậm chí là ứng dụng công nghệ XR (thực tế mở rộng) là những hướng đi không thể bỏ qua. Văn hóa không nên chỉ dừng lại ở bảo tồn mà cần được “sống” và “thở” cùng thời đại, đừng để nó cũ đi.
Phóng viên: Đạo diễn có thể chia sẻ một vài ví dụ điển hình trong hoặc ngoài nước về cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quảng bá văn hóa địa phương?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Có nhiều ví dụ hay. Hàn Quốc là một bài học lớn - họ dùng điện ảnh, âm nhạc, thời trang để truyền tải văn hóa truyền thống nhưng với cách làm rất hiện đại. Như trong phim Kingdom, Minari hay show Arthdal Chronicles… mọi thứ được làm một cách có hệ thống và trách nhiệm, không lắt nhắt làm cho có, tất nhiên chi phí nó phải thực sự đúng, đủ và không bao giờ chấp nhận những sản phẩm quảng bá kém chất lượng, có thể nói cho họ miễn phí họ cũng không chấp nhận. Tôi nói ở đây có nghĩa là chúng ta chủ động tạo ra những sản phẩm quảng bá hơn là chúng ta chờ những cơ hội may mắn.
Ở Việt Nam, Ninh Bình làm khá tốt trong việc dùng phim ảnh để đưa hình ảnh địa phương ra thế giới, điển hình là khi Kong: Skull Island quay tại Tràng An.
Trở lại Tuyên Quang, “Múa lửa” của người Pà Thẻn, Dao ở Tuyên Quang, đó là một nghi lễ tuyệt vời nhưng ít người biết đến. Nếu được dàn dựng, kể lại bằng ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo - chẳng hạn một bộ phim ngắn hoặc series 1 phút kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố bí ẩn hay ẩm thực... tôi tin sẽ thu hút giới trẻ đến khám phá. Hay tận dụng âm hưởng những cô gái Tuyên Quang đẹp đến thanh khiết, chúng ta thực hiện những câu chuyện đẹp, nó cũng sẽ tạo ra những con đường du lịch mới cho Tuyên Quang.
Đạo diễn Lương Đình Dũng với vai trò Giám khảo tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội.
Phóng viên: Nếu được chọn một hình thức nghệ thuật hoặc truyền thông để quảng bá văn hóa Tuyên Quang, đạo diễn sẽ chọn gì và vì sao?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi sẽ chọn phim điện ảnh và các sản phẩm phim quảng cáo ngắn nhưng phải có nội dung sáng tạo và đặc biệt. Điện ảnh có sức lan tỏa mạnh mẽ giúp thi vị hóa nhiều địa danh và con người, đó vừa là nghệ thuật vừa là công cụ truyền thông cực kỳ hiệu quả, dễ tạo sức lan tỏa truyền miệng phù hợp với hiện đại và không biên giới, hơn nữa nó có thể tồn tại hàng chục và vài chục năm nếu phim đó tốt. Còn với phim quảng cáo ngắn có thể lan truyền rất nhanh, đa dạng và sinh động phù hợp với hành vi của giới trẻ hiện nay. Hơn mọi điều là phim ảnh sẽ giúp tăng ý thức bảo vệ cảnh quan và phát triển cảnh quan, nơi một bộ phim nếu có dư âm tốt thì người dân sẽ tự động bảo vệ nó.
Phóng viên: Với kinh nghiệm của mình, đạo diễn có thể gợi ý cho Tuyên Quang một mô hình hay dự án truyền thông văn hóa mang tính đột phá? Làm thế nào để kết hợp giữa bảo tồn giá trị truyền thống và đổi mới hình thức quảng bá?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Hiện tại tôi thấy tỉnh đã làm tốt việc thu hút các nhà làm phim. Tiếng tăm về Tuyên Quang trong giới làm phim đang tốt lên rất nhiều. Nhưng những bộ phim thì cần thời gian và chúng ta nên có phương án song song không nên chờ đợi vì thế để thúc đẩy sớm thì tôi muốn chia sẻ một ý tưởng, nó cũng là một trong những cách làm của một số quốc gia. Tôi có một ý tưởng: “Tuyên Quang - Dòng chảy văn hóa”, nó không phải một phim tài liệu đọc dài dòng, nó không phải là một phim chỉ quay mô tả mọi thứ. Tôi muốn dùng kỹ nghệ tạo nên những hình ảnh thực sự quyến rũ bất kỳ ai xem nó và người xem phải cảm thấy tiếng nước, tiếng cười, tiếng chim bay và mùi thơm của xôi nếp... chia làm 5 tập mỗi tập 3 phút. Quay tốc độ 300h/1s phối hợp với 50h/1s... và nhiều kỹ thuật điện ảnh hiện đại nữa.
Tôi muốn nói nó là “bữa tiệc hình ảnh”, về cảnh quan, về ẩm thực, về văn hóa và những bí ẩn văn hóa, về con người và trái tim của họ. Những phim này vừa có tính quảng bá, bảo tồn và kích thích mọi giác quan cũng như tạo nên sự tự hào của Tuyên Quang. Những tập phim này khi ghép vào nhau cũng tạo nên một phim đủ giúp khách trong nước và quốc tế muốn khám phá Tuyên Quang và khi chia nhỏ cũng vừa đủ trên các nền tảng nhưng cũng đủ để len lỏi vào những khán giả dẫn dắt họ quyết định đến Tuyên Quang và thấy xứng đáng để đi và đến.
Phóng viên: Theo đạo diễn, điều quan trọng nhất để một địa phương có thể quảng bá văn hóa thành công là gì?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Ngoài điều kiện ăn ở, quảng bá thì đó là tư duy làm văn hóa như làm thương hiệu nhưng phải tập trung và rất sâu vào những điều đặc biệt tỉnh ta đang sở hữu. Tức là phải có chiến lược, có câu chuyện cốt lõi, có sản phẩm cụ thể và nhất là có sự đồng hành giữa các nghệ sĩ, người dân và chính quyền. Nếu chỉ làm theo kiểu phong trào thì rất khó để đi xa. Với tôi thì cuối cùng vẫn là định hướng và sự tiên quyết của lãnh đạo.
Phóng viên: Đạo diễn có dự án hoặc hoạt động nào muốn đề xuất để thu hút sự quan tâm của công chúng đến văn hóa Tuyên Quang không?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Ở tư cách cá nhân tôi muốn về Tuyên Quang làm phim như một khát vọng của một người con quê Tuyên Quang. Tôi luôn muốn làm một điều gì đó. Thứ 2 về chuyên môn tôi đã đi chọn cảnh ở nhiều tỉnh thành thì Tuyên Quang có những bối cảnh mà không nơi nào có được như Lâm Bình hợp với phim “Anh hùng” và may mắn là lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng luôn ủng hộ, đó là một tác động lớn khiến cho tôi cảm thấy có động lực và chúng tôi đang triển khai giai đoạn 2 của phim và casting diễn viên.
Dự án phim “Anh hùng” là một dự án lớn, trong dự án này tôi chỉ đóng vai trò của một đạo diễn và thú thực các nhà đầu tư cũng luôn muốn tôi thực hiện nhanh hơn. Tôi biết mọi người đầu tư phim Anh Hùng lý do yêu quý các anh hùng dân tộc. Tuy nhiên trong một dự án phim lớn thì đầu tiên là phải tuân theo quy trình sản xuất phim chuyên nghiệp có tính quốc tế do phim hội tụ nhiều ekip đến nhiều nơi, nhiều quốc gia và phải theo quy trình mới đảm bảo sự kiểm soát và đảm bảo chất lượng cũng như sự thống nhất trong mỗi ngày làm việc và một khâu tối quan trọng đó là công nghệ điện ảnh mỗi ngày tiến lên vượt bậc, có những đại cảnh của phim phải chuẩn bị có khi vài tháng và quay mất đến 8 ngày với chi phí khổng lồ thì bây giờ phối hợp trí tuệ nhân tạo có thể chỉ quay trong 2 ngày mà hiệu quả rất tốt, tôi và ekip có thể dự đoán được đường đi công nghệ giúp chúng tôi làm tốt cho phim hơn, đó cũng là một lý do chúng tôi cần thời gian vì muốn thực hiện bộ phim hiệu quả với công nghệ hình ảnh hiện đại. Bởi cuối cùng mục tiêu bộ phim phải tốt và trong công việc tôi tương đối quyết liệt và tuân thủ cách làm việc chuyên nghiệp trong bất kỳ khâu nào liên quan đến chất lượng phim, theo đó truyền thông cho phim cũng vậy.
Dự án truyền thông cho bộ phim cũng được một nhóm truyền thông xây dựng độc lập và ở nước ngoài kinh phí truyền thông cho một bộ phim đôi khi ngang bằng kinh phí sản xuất phim đó. Ekip truyền thông phim cũng sẽ thực hiện theo các bước bài bản, thậm chí từng chi tiết của ekip và ở phim “Anh hùng” nghĩ chất liệu cho truyền thông có thể nói là rất lớn, tất nhiên đội ngũ truyền thông cũng giữ bí mật và bất ngờ. Tôi nghĩ tác động của truyền thông khi thực hiện phim “Anh hùng” sẽ tác động rất mạnh tới khán giả quan tâm đến Tuyên Quang vì mục tiêu của nhà đầu tư họ không tạo nên những thước phim lịch sử, câu chuyện mà họ còn muốn đưa câu chuyện phim Anh hùng ra thật xa biên giới và thật rộng để khán giả quốc tế biết đến Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn đạo diễn!
Gửi phản hồi
In bài viết