Nơi hồ gọi mây trôi...

- Có những nơi chỉ cần đặt chân đến một lần là lòng đã chợt mềm đi. Hồ sinh thái Na Hang là một nơi như thế. Không ồn ào náo nhiệt, không lớp lớp xe cộ hay nhà cao chen trời, hồ Na Hang hiện ra như một mặt gương lặng, nơi đất trời soi bóng nhau và mọi ưu phiền lặng lẽ tan biến.

Minh họa: Xuân Đức

Mặt trời chưa kịp vén màn sương, hồ sinh thái Na Hang đã khoác lên mình chiếc áo lụa trắng tinh khôi. Những vách đá vôi sừng sững như những người khổng lồ trầm mặc đứng canh giấc mơ cho vùng đất. Tôi đến đây, không phải để tìm kiếm những ồn ào náo nhiệt, mà để lắng nghe tiếng thở khẽ khàng của núi rừng, để cảm nhận cái sâu lắng trong từng nếp văn hóa đã bao đời neo đậu. 

Na Hang không chỉ là một hồ nước, mà là linh hồn của núi rừng Tuyên Quang. Đi xa hơn một chút, là Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, nơi rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn nguyên sinh, nơi có hàng trăm cây nghiến cổ thụ vẫn kiên cường ôm lấy đá vôi. Những dấu chân voọc mũi hếch hay tiếng chim ríu rít trong vòm xanh dường như nhắc ta rằng, thiên nhiên nơi đây vẫn sống, vẫn thở - và vẫn chờ được lắng nghe.

Giữa lòng hồ ấy là bao câu chuyện cổ tích còn vang vọng. Vách đá “Nàng Tiên - Chú Khách” đứng đó tự bao đời, như đang níu giữ khoảnh khắc giữa thiên đường và hạ giới. Thác Nậm Me róc rách, hoa Phặc Phiền thơm ngát - loài hoa của sự thanh thản và chữa lành - cứ như thể thiên nhiên nơi đây vốn được tạo ra để ôm dịu những tâm hồn mỏi mệt.

Và rồi, ở thác Khuổi Nhi, những đàn cá nhỏ vây quanh chân người, mải miết rỉa nhẹ - như thể cũng góp phần xoa dịu những lặng thầm mà ta mang đến. Sự sống ở đây không hối hả, chỉ đủ để người ta nhớ, để khi xa rồi còn mang theo cả mùi nước, màu mây và tiếng thì thầm của núi.

Nhưng Na Hang không chỉ có thiên nhiên. Hát then, tiếng đàn tính nơi đây mới thực sự là sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại. Giữa mênh mang sóng nước, tiếng then cất lên từ chiếc thuyền trôi nhẹ nhàng, vang vọng như lời ru ngọt ngào của mẹ thuở nào. Giờ đây, người dân không chỉ giữ then để nhớ, mà còn hát để mời gọi. Du khách có thể học hát, học đàn, để sống chậm lại một nhịp giữa cuộc đời hối hả. Tiếng hát mộc mạc, trong trẻo như tâm hồn của người Tày vùng cao. Một lời ru không tên, nhưng đủ làm người đi xa phải quay đầu.

Na Hang của hôm nay không chỉ còn là một chốn yên bình gói gọn trong tự nhiên tĩnh tại. Những năm gần đây, du lịch đã đến như một làn gió mới - nhẹ nhàng mà bền bỉ. Những con thuyền chở khách thong dong trên mặt hồ không còn hiếm hoi. Người dân bản địa bắt đầu kể chuyện bằng ánh mắt tự hào - về Tát Kẻ - Bản Bung, về thác Khuổi Nhi, về Cọc Vài... hay về những cây nghiến di sản nghìn năm tuổi vẫn chở che bản làng.

Có lẽ, với nhiều người, hồ Na Hang là một điểm đến. Nhưng với riêng tôi - đó là nơi lòng mình có thể bình yên trú ngụ. Là nơi đất và người chan hòa như nước với mây, như sóng lăn tăn gợn nhẹ trên trái tim đang kiếm tìm một chốn lặng yên.

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục