Trong cuộc trò chuyện với Báo Tuyên Quang Cuối tuần, Trung tướng nhắc lại những kỷ niệm sống động về một thời lửa đạn và cho rằng, thế hệ cha anh đã hoàn thành sứ mệnh “thu non sông về một mối”, thì thế hệ hôm nay phải là người viết tiếp trang sử “Việt Nam hùng cường”. Đó là cách tốt nhất để tri ân quá khứ và làm rạng danh tương lai.
Phóng viên: Thưa Trung tướng, trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đâu là ký ức khiến ông xúc động và day dứt nhất mỗi khi nhớ lại?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Tôi nhập ngũ ngày 27/5/1965, khi đó tròn 20 tuổi. Sau gần 5 tháng huấn luyện, tôi cùng đồng đội nhận lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Hành quân thời ấy vô cùng gian nan, đường rừng hiểm trở, có lúc đói khát, mệt lả, nước mắt chảy ra nhưng không ai dừng bước. Cứ mỗi lần nghe các anh đảng viên động viên “Sắp được đánh Mỹ rồi”, là máu lại nóng lên, tinh thần lại phơi phới.
Khi đặt chân tới chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi đóng quân tại khu rừng nguyên sinh phía Tây Điểm cao 1062. Mới vào chưa được bao lâu thì sốt rét rừng tấn công. Tôi nằm liệt gần 20 ngày, tưởng như không qua khỏi. Nhưng chính những người đồng đội thân yêu đã giúp tôi sống sót, họ liều mình vi phạm kỷ luật, “trộm thuốc” cứu tôi. Lúc đó, tôi hiểu rằng, trong chiến tranh, đồng chí đồng đội là chỗ dựa sống còn.
Một trong những ký ức sâu đậm nhất là lần chúng tôi bị phục kích cuối năm 1969. Hôm ấy, tôi cùng ba anh em nữa Miên, Túc và San từ Hòa Lương quay về căn cứ. Không may, chúng tôi lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ. Trời mưa phùn, đi trong đêm, địa hình hiểm trở. Khi phát hiện nhau, cả hai bên đều bất ngờ đến mức không dám nổ súng. Nhưng chỉ một thoáng sau, lính Mỹ vùng dậy, cố bắt sống chúng tôi. Tôi nhanh trí lao xuống dốc, vừa chạy vừa tung lựu đạn để mở đường thoát thân. Ba người chúng tôi may mắn chạy thoát. Đến khi trời sáng, tìm mãi không thấy anh Túc. Hôm sau, nghe tin anh hy sinh, ba anh em ôm nhau khóc giữa rừng. Túc là đồng đội thân thiết, một người gan dạ, thông minh, từng vượt qua bao hiểm nguy, nhưng lần này không may...
Một kỷ niệm khác cũng in đậm trong trí nhớ tôi là lần nằm hầm bí mật với anh du kích Hòa Vang vào đầu năm 1972. Khi đang trinh sát, bất ngờ nhận tin địch càn quét. Một đồng chí du kích dẫn tôi chui xuống hầm bí mật. Căn hầm chỉ đủ chỗ cho hai người ngồi bó gối, chật chội, ngột ngạt, kín mít suốt hơn 30 tiếng đồng hồ. Mùi ẩm mốc, nước ngập, không khí khan hiếm, đến mức chuyện vệ sinh cá nhân cũng thành cực hình. Vậy mà người du kích đi cùng vẫn bình tĩnh, nhường cho tôi từng ngụm nước, giữ im lặng tuyệt đối để đảm bảo an toàn. Khi được giải cứu, một cô gái du kích khác đã dẫn tôi đi tắm, dúi vào tay tôi bộ quần áo và nói: “Đây là đồ của ba em. Anh cứ mặc tạm, coi như ba em tặng”. Cô ấy tên là Liễm - một cái tên tôi không bao giờ quên. Sau này quay lại chiến trường xưa, tôi tìm hỏi thì được biết cả hai cô gái du kích ấy đã hy sinh. Tôi đến nghĩa trang, thắp hương mà lòng nặng trĩu.
Những ký ức ấy không phải chỉ là câu chuyện cá nhân. Đó là biểu tượng cho tình đồng đội, tình quân dân giữa chiến tranh. Tôi luôn nghĩ, nếu không có họ, tôi đã không thể sống sót để kể lại hôm nay.
Hội trường Bộ chỉ huy Miền, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1973 - 1975. Ảnh: Đức Hải
Phóng viên: Nhìn lại chặng đường đã qua, ông muốn gửi gắm điều gì tới thế hệ hôm nay, những người chưa từng trải qua chiến tranh nhưng đang mang trên vai trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng của cha anh?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Nếu chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh “thu non sông về một mối”, thì thế hệ hôm nay phải là người viết tiếp trang sử “Việt Nam hùng cường”. Đó là cách tốt nhất để tri ân quá khứ và làm rạng danh tương lai. Với tôi, trưởng thành từ một người lính, đi qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và Bảo vệ Tổ quốc. Tôi đã có thời gian 11 năm liên tục trực tiếp chiến đấu tại chiến trường khu V và 4 năm chiến đấu tại biên giới Tây Nam, được chứng kiến biết bao cảnh tang tóc, đau thương mà đội quân viễn chinh của Mỹ cùng lính đánh thuê và bọn tay sai bán nước đàn áp, giết hại dân lành. Tôi đã trực tiếp tham gia chiến đấu qua những chiến dịch quân sự như: Tổng tiến công và nổi Xuân Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch mùa hè năm 1972; Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tháng 3 năm 1975 và Chiến dịch giải phóng Campuchia mùng 7 tháng 1 năm 1979... chứng kiến sự bền gan, vững chí và lòng tin với Đảng của nhân dân các dân tộc thuộc địa bàn Quân khu V, Tây Nguyên, chứng kiến các đơn vị nữ quân nhân, các đơn vị TNXP vượt khó mở đường, tải đạn cho Bộ đội ta đánh giặc...
Thật xúc động, cảm phục trước những người lính đã nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại phía sau những lá thư chưa kịp gửi, lời hứa chưa kịp thực hiện. Có những người mẹ, người vợ tiễn chồng con ra đi mà không biết rằng, đó là lần chia tay cuối cùng. Đó là những hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại, chính họ đã góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi cho dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cũng trải qua những khó khăn, thiếu thốn tưởng chừng như không thể vượt qua của những tháng năm sau ngày Giải phóng. Sự thay đổi từng ngày của đất nước sau quyết định của Đảng cộng sản Việt Nam và hôm nay ở tuổi “cổ lai hy” lại được thấy những thành tựu to lớn của đất nước ta sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Hòa bình là ước vọng, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là những người lính đã cầm súng trải qua chiến tranh, chắc trong số chúng ta không ai muốn lâm vào cảnh bom rơi đạn nổ như ở Nga và Ucraina và Trung đông. Tôi chỉ mong thế hệ hôm nay đừng lãng quên lịch sử, đừng thờ ơ với những giá trị đã được đánh đổi bằng máu. Thế nên tôi mong, mỗi hành động của các bạn đều có ý thức về cội nguồn. Mỗi công dân đều phải là một chiến sĩ thời bình, trách nhiệm, tử tế và có ích cho xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng đã dành thời gian cho Báo Tuyên Quang Cuối tuần!
Gửi phản hồi
In bài viết