Lưu giữ mạch nguồn văn hóa

- Cùng với cả nước, Tuyên Quang đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Xung quanh vấn đề này, Báo Tuyên Quang đã nhận được những ý kiến tâm huyết về đặt tên làng, tên xã.

Địa danh không chỉ là tên gọi, mà còn là giá trị lịch sử

Ông Nguyễn Việt Thanh

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tuyên Quang là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi từng là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Những tên gọi như Tân Trào, Kim Bình, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang... đã in đậm trong sử sách và tâm thức người dân cả nước. Đó không chỉ là tên làng, tên xã, mà còn là những “từ khóa lịch sử”, nơi lưu dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong những thời khắc lịch sử của dân tộc.

Do vậy, khi sắp xếp lại địa giới hành chính, tôi kiến nghị cần tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng giá trị văn hóa - lịch sử của các địa danh. Những địa danh đã gắn với truyền thống cách mạng, di tích lịch sử, lễ hội dân gian, hay đời sống tinh thần cộng đồng cần được ưu tiên giữ lại. Có thể đổi tên đơn vị hành chính mới, nhưng vẫn bảo lưu các tên gọi truyền thống ở cấp thôn, bản, khu phố, hoặc đặt tên cho các công trình công cộng, để không làm đứt gãy mạch văn hóa.

Chúng ta hiện đại hóa tổ chức bộ máy, nhưng không thể để mất đi hồn cốt quê hương. Việc giữ tên gọi làng, xã đã gắn với những địa danh lịch sử, giá trị văn hóa, ví như: Tân Trào, Ỷ La hay Kim Bình… chính là giữ lại ký ức của dân tộc, là giáo dục thế hệ sau về cội nguồn và lòng yêu nước.


Gắn bó, trách nhiệm và tự hào

Ông Vi Văn Thân

Thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Na Hang

Bản thân tôi rất tán thành và nhất trí chủ trương của Đảng về sáp nhập và tinh gọn bộ máy để mở rộng không gian để cho đất nước có điều kiện phát triển tốt hơn. 

Đối với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tôi nhất trí là theo tinh thần là ở địa phương nào có cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa và truyền thống của dân tộc đậm nét nhất thì lấy tên của xã ấy làm tên gọi. Tên gọi không chỉ đơn giản là một ký hiệu hành chính để xác lập danh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là hồn cốt của mỗi vùng đất. Một cái tên có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, hay đơn giản là tuổi thơ, là mái nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ. Một địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa sẽ khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng.

Dù tên đơn vị hành chính mới cấp xã mới có thể mang giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa hay đơn giản là những tên đánh số thì điều quan trọng nhất vẫn là quá trình lựa chọn ấy đã được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch, người dân được tạo điều kiện tiếp cận thông tin đầy đủ, thể hiện chính kiến một cách công khai, dân chủ, các cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe ý kiến người dân. Người dân được tham gia vào quyết định tên gọi vùng đất mình sinh sống, được cảm thấy mình là một phần của lịch sử mới, của một chặng đường phát triển mới, từ đó hình thành nên sự gắn bó, trách nhiệm và tự hào.


Lắng nghe dân để kịp thời thay đổi

Ông Lê Tuấn Phong

Chủ tịch UBND phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)

UBND phường sau khi tiếp nhận văn bản về triển khai lấy ý kiến người dân đối với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh đã tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ công chức phường, các tổ trưởng, Trưởng Ban công tác Mặt trận các tổ dân phố để tuyên truyền, triển khai lấy ý kiến nhân dân tại các cuộc họp. Qua lấy ý kiến nhân dân ở các tổ dân phố trên địa bàn phường về tên gọi mới sau sáp nhập, hợp nhất, tỷ lệ đồng thuận đạt 100%. Với việc sáp nhập xã Trung Môn, 5 phường: Ỷ La, Tân Hà, Phan Thiết, Minh Xuân, Tân Quang và 1 phần diện tích tự nhiên, 1 phần dân số của xã Kim Phú với tên gọi phường Minh Xuân, người dân đều cho rằng tên gọi này không chỉ đơn thuần là một danh xưng hành chính, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, là niềm tự hào của cộng đồng, phù hợp với nguyện vọng chung. Tôi tin rằng, mỗi người dân phường Minh Xuân sau khi sáp nhập sẽ càng phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống xây dựng quê hương giàu đẹp.


Tránh xáo trộn nhiều

Bà Đặng Thị Thủy

Thôn 3 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên)

Tôi đồng thuận với việc sáp nhập xã Yên Phú và xã Yên Lâm. Xã sau sáp nhập lấy tên gọi là xã Yên Phú rất phù hợp. Tên gọi không chỉ là địa danh đã gắn bó với người dân từ bấy lâu nay, để nhắc nhớ thế hệ sau về những truyền thống đáng tự hào mà những thế hệ đi trước đã và đang xây dựng mà còn là thế mạnh của vùng đất này. Khi nhắc đến đất Yên Phú không chỉ người dân trong tỉnh mà người dân nhiều nơi biết đến là vùng đất có lễ hội Động Tiên trong truyền thuyết, vùng cây ăn quả ngon bậc nhất xứ Tuyên.

Hơn nữa, theo tôi tên gọi một xã không đơn thuần chỉ là đơn vị hành chính mà còn nhiều vấn đề liên quan đến người dân như: giấy khai sinh, căn cước công dân, bảo hiểm y tế, con dấu, biển hiệu và các thủ tục hành chính có liên quan. Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã giữ tên gọi một xã cũng hợp lý vừa không gây phát sinh thêm tên mới, vừa đỡ phần thủ tục giấy tờ cho nhiều người dân.

Tin cùng chuyên mục