Sai ở nhiều nơi
Trên Website của VTV, tin Tuyên dương, khen thưởng học sinh tiêu biểu Thủ đô năm học 2023 - 2024 có đoạn “Báo cáo tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2023 - 2024, thành phố Hà Nội có 12 học sinh đạt giải quốc tế; 184 em học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia”.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng viết “Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức, TPHCM có 110/167 học sinh dự thi đạt giải. Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, TPHCM có 4 dự án tham gia và đều đạt giải, trong đó có 1 dự án đạt giải nhất, 1 dự án đạt giải ba và 2 dự án đạt giải tư…” (Tin TPHCM: Tuyên dương hơn 500 học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2023 - 2024).
Phông nền sân khấu dùng sai từ ĐẠT.
Những tin tuyên dương học sinh giỏi trên nhiều Website hầu hết đều dùng sai từ đoạt - đạt. Trang của Sở GDĐT Hà Nội viết: “Về giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế, 184 học sinh đạt giải quốc gia”. Trang của Sở GDĐT Hải Dương cũng viết sai: “Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hải Dương có 108 thí sinh tham dự kỳ thi. Kết quả, có 89 em đạt giải”. Trang của Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang cũng tương tự: “Năm học 2023 - 2024, tỉnh Tuyên Quang có 2.722 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, trong đó có 1.388 em đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt có 56 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia”.
Các trường hợp như đã dẫn, phải viết là đoạt như các báo sau mới chính xác: “Tuyên dương học sinh đoạt giải các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023” (Báo Tin tức); “5/5 học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic Vật lý quốc tế” (Báo Tuổi Trẻ); “Tuyên dương học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022” (Báo Quân đội nhân dân); Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen và vòng nguyệt quế cho học sinh đoạt giải quốc gia (Báo Tuyên Quang).
Còn có thể thấy tình trạng nhầm lẫn Đoạt và Đạt trong rất nhiều văn bản, giấy tờ, chứng nhận của cơ quan Nhà nước. Ví dụ: “Giấy khen Trường A… - Đạt giải nhất tập thể…”; “Bộ giáo dục và Đào tạo Chứng nhận Tiết mục đạt giải Đồng liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc…”, phông nền sân khấu (Backroup) một sự kiện do một UBND cấp tỉnh tổ chức: “Lễ tuyên dương học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi năm học”…
Trong nhiều tên sách cũng viết đoạt thành đạt như: sách “Những tác phẩm đạt giải báo chí toàn quốc năm 1996 - 1997” (NXB Hà Nội 2005), sách “Những bài văn đạt giải Quốc gia” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội); “Những bài văn đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh - thành phố toàn quốc” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Vậy dùng từ thế nào cho đúng?
Theo Từ điển mở Wiktionary và Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), ĐOẠT là lấy hẳn được về cho mình, qua đấu tranh với người khác. (VD: Đoạt chức vô địch, Đoạt lấy chính quyền, Vũ khí đoạt được của địch). Còn ĐẠT là đến được đích, thực hiện được điều nhằm tới. (Ví dụ: Đạt mục đích, Đạt nguyện vọng, Năng suất chưa đạt).
Bìa sách dùng sai từ ĐẠT.
Theo Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên) định nghĩa: “ĐOẠT là giành được trong cuộc tranh đoạt; dùng sức lực giành được chiến thắng”; còn “ĐẠT nghĩa là đến được địa điểm, hoặc một giai đoạn nào đó; đạt tới, hoàn thành, đạt được”.
Như vậy có thể thấy, cả ĐOẠT và ĐẠT đều chung một nét nghĩa biểu niệm: (hoạt động) lấy (phần thắng) về mình. Chính điều này gây ra sự nhầm lẫn trong việc sử dụng hai động từ này trong hoạt động nói năng, viết lách. Tuy chung một nét nghĩa biểu niệm, nhưng 2 từ trên lại khác nhau ở cách thức thực hiện (hoạt động).
Chính vì vậy, xin mách bạn cách dùng từ như sau: Với từ ĐOẠT, dùng trong các trường hợp có sự cạnh tranh, thi thố, vượt lên hoặc loại bỏ đối thủ để giành ngôi vị, giải thưởng (đoạt giải, đoạt chức vô địch; đoạt Huy chương Vàng; đoạt ngôi vô địch). Với từ ĐẠT, dùng trong trường hợp chỉ sự cố gắng phấn đấu, đến được đích, hoặc đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí nào đó, và được khen thưởng, công nhận bằng danh hiệu nào đó mà không cần đến sự cạnh tranh trực tiếp, vượt lên hay loại bỏ ai. (Ví dụ: Đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi (đáp ứng yêu cầu điểm số của mỗi danh hiệu); Đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (đáp ứng tiêu chí về chất lượng, mẫu mã…).
Gửi phản hồi
In bài viết