Kể chuyện cho sản phẩm du lịch

- Giữa thị trường du lịch đầy cạnh tranh làm sao để một sản phẩm du lịch nổi bật và in sâu vào tâm trí du khách? Câu trả lời chính là sức mạnh của những câu chuyện. Kinh nghiệm từ nhiều địa phương đã chứng minh: Khi mỗi điểm đến được dệt nên từ lịch sử, văn hóa và hơi thở cuộc sống, du khách sẽ không chỉ tham quan mà còn được chạm đến tận cùng chiều sâu tâm hồn của vùng đất ấy. Đây chính là “chìa khóa vàng” tạo nên sức hút độc đáo, định vị thương hiệu du lịch địa phương, biến mỗi chuyến đi thành trải nghiệm khó quên.

Từ câu chuyện đến trải nghiệm

Du khách đến một địa điểm du lịch, bên cạnh những bức ảnh check-in thì nhiều người còn thích thú khám phá chiều sâu lịch sử, văn hóa của mảnh đất đó. Chính những câu chuyện ẩn chứa phía sau mỗi điểm đến là “linh hồn” níu chân du khách và thôi thúc họ trở lại thêm nhiều lần nữa.

Minh chứng sống động cho “sức mạnh kể chuyện” này đã được bà Tạ Thị Tú Uyên, Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Viettravel chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến Thương mại du lịch do Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang tổ chức cuối tháng 4 vừa qua. Đó là câu chuyện về chè Long Tỉnh tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Để kích thích du khách mua chè, người dân nơi đây đã khéo léo kể về việc Chủ tịch Mao Trạch Đông từng mời Tổng thống Nixon thưởng thức và sự ngưỡng mộ của vị Tổng thống này đối với loại chè đặc biệt ấy. Dù đây là một câu chuyện có yếu tố hư cấu để tăng tính hấp dẫn, nhưng nó đã thành công trong việc kích thích sự tò mò của du khách.

Du khách thích thú trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang.

Từ kinh nghiệm thực tiễn này, bà Tạ Thị Tú Uyên nhấn mạnh rằng Tuyên Quang cần vận dụng để gắn kết những câu chuyện vào sản phẩm, từ đó tạo điểm nhấn riêng biệt cho du lịch địa phương. Điều này cũng được nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đồng tình và đề xuất tại Hội nghị kết nối Thương mại du lịch gần đây. Các đại biểu mong muốn Tuyên Quang cần chú trọng hơn nữa vào việc xây dựng và quảng bá câu chuyện cho từng điểm đến, biến du lịch Tuyên Quang thành những trải nghiệm đầy cuốn hút và khó quên.

Ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần VIETISO (Hà Nội) chia sẻ, du lịch phát triển nhiều loại hình, để tạo điểm nhấn riêng, cần có “câu chuyện” đi kèm. Việc đầu tư xây dựng những câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm du lịch sẽ tạo sự tò mò, lôi cuốn, tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch. Đồng thời tạo được những nét riêng cho du lịch từng vùng miền.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã khai thác thành công sức mạnh kể chuyện để phát triển du lịch. Điển hình như: cao nguyên đá Hà Giang không chỉ thu hút bởi cảnh sắc hùng vĩ mà còn bởi những truyền thuyết về nàng tiên Hoa Đào ở núi đôi Quản Bạ, câu chuyện về nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô gắn liền với những cánh đồng hoa tam giác mạch.

Những câu chuyện này được kể qua từng bản làng, từng cung đường, khiến du khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn cảm nhận được chiều sâu văn hóa, lịch sử của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Hay tại Đà Lạt: Thành phố sương mù không chỉ quyến rũ bởi cảnh quan lãng mạn mà còn bởi những giai thoại đầy chất thơ. Câu chuyện về Đồi thông hai mộ, Hồ Than Thở hay Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là điểm đến, mà là những mảnh ghép của một bức tranh tình yêu, những truyền thuyết ly kỳ, tạo nên sức hút riêng biệt cho Đà Lạt.

Các chuyên gia truyền thông đã đúc kết rằng, sự thu hút, hấp dẫn của một di sản, một sản phẩm không chỉ nằm ở bản thân di sản hay sản phẩm đó, mà nhiều khi được quyết định bởi nghệ thuật kể chuyện.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ…

Tuyên Quang là mảnh đất “sơn kỳ, thủy tú”, giàu bản sắc văn hóa. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, đình, đền đều có sự tích gắn với địa danh đó. Tỉnh ta có 22 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, dân tộc đều chứa đựng những kho tàng truyện cổ tạo nên nét văn hóa riêng. Đặc biệt, hiếm có địa phương nào trong cả nước như đất Tuyên Quang - nơi được coi là trái tim của chiến khu Việt Bắc, Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Mỗi tên đất, tên làng ở đây đều gắn với lịch sử cách mạng hào hùng, anh dũng của dân tộc.

Với tiềm năng sẵn có, đây chính là nguồn tư liệu phong phú, là “mỏ vàng” để Tuyên Quang khai thác, sáng tạo nên những câu chuyện độc đáo, gắn liền với từng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, một thực tế đáng trăn trở là trong thời gian qua, ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa khai thác hết hiệu quả, chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có để marketing, đưa những câu chuyện này đến gần hơn với du khách.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Viettravel trăn trở: “Tôi nhiều lần đến Tuyên Quang và thấy du lịch Tuyên Quang có sự chuyển mình, tuy nhiên tôi vẫn thấy tiếc nuối khi Tuyên Quang lãng phí một tài nguyên về khai thác câu chuyện gắn với mỗi sản phẩm du lịch. Đơn cử, chúng ta chưa biết tận dụng những câu tục ngữ như: “chè Thái, gái Tuyên”, “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”… để kể câu chuyện miền gái đẹp vào các tua du lịch…”.

Du khách chụp ảnh check-in tại xã Khuôn Hà (Lâm Bình).

Một số chuyên gia du lịch cũng đưa ra nhiều nhận định, tiếc nuối khi Tuyên Quang chưa khai thác được “gia tài” bản sắc văn hóa, truyện cổ dân gian vào từng sản phẩm du lịch. Du khách đến Tuyên Quang hiện nay có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thưởng thức đặc sản, nhưng ít ai có cơ hội được đắm mình vào không gian kể chuyện, được lắng nghe và cảm nhận sâu sắc về chiều sâu văn hóa của vùng đất này.

Bà Bùi Thị Hương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Sức Sống Mới (Hà Nội) cho rằng: “Tôi ấn tượng tua du lịch lòng hồ Na Hang, du khách được đi thuyền trên lòng hồ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghe sự tích Cọc Vài và đến chạm tay vào Cọc Vài để lấy may. Rõ ràng đây là cách làm du lịch khá ấn tượng, nếu chúng ta không gắn câu chuyện vào sản phẩm du lịch thì có ai hứng thú đi trên lòng hồ, chạm tay vào cọc đá đâu. Cách làm du lịch này ở Tuyên Quang chưa nhiều, do đó chúng ta phải sáng tạo và nhân rộng cách làm này để mỗi điểm đến thu hút thêm nhiều du khách”.

“Thỏi nam châm” hút khách

Trao đổi về chiến lược phát triển du lịch gắn liền với câu chuyện kể, chị Chẩu Thị Nga, Phó Giám đốc Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang, đầy tâm huyết khẳng định: “So với nhiều địa phương khác trên cả nước, Tuyên Quang chúng ta sở hữu một tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí vượt trội, để phát triển marketing du lịch dựa trên sức mạnh của những câu chuyện. Mỗi góc phố, mỗi con suối, mỗi mái nhà sàn ở nơi đây đều có một câu chuyện riêng. Vấn đề là chúng ta cần biết cách khai thác, “đánh thức” và kể lại những câu chuyện đó một cách sống động, hấp dẫn để chạm đến cảm xúc du khách”.

Theo chị Chẩu Thị Nga, việc biến tiềm năng văn hóa phong phú thành sức hút du lịch đòi hỏi cách làm dài hơi. Yêu cầu trước hết phải sưu tầm câu truyện cổ, truyền thuyết từ các nghệ nhân, người cao tuổi tại các làng bản để tránh mai một. Tiếp theo là biết cách phục dựng, hệ thống hóa để gắn kết khéo léo những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, phong tục tập quán gắn với sản phẩm du lịch (điểm đến, sản vật địa phương).

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt (Hà Nội) chia sẻ, kinh nghiệm từ các địa phương, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc tái hiện nguyên bản câu chuyện cổ mà cần khuyến khích sự sáng tạo để “thổi luồng gió mới” vào những câu chuyện, biến chúng thành các phiên bản hiện đại. Do đó, cần có sự tham gia có bài bản của các văn nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà làm phim...) sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ những câu chuyện du lịch, di sản văn hóa.

Những tác phẩm này sẽ không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa mà còn tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt hơn nữa đó là vấn để đầu tư phát triển nguồn nhân lực kể chuyện. Trong đó, chú trọng vai trò người dân bản địa. Họ chính là những nhân chứng sống, những kho tàng câu chuyện vô giá. Khi người dân tự hào kể câu chuyện của mình, đó chính là sợi dây kết nối chân thực và mạnh mẽ nhất với du khách.

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Thời gian qua, ngành du lịch Tuyên Quang từng bước chú trọng đến việc phát triển marketing du lịch dựa trên sức mạnh của những câu chuyện. Trong đó có sản phẩm mới thu hút du khách như: “Chiến khu xưa - trải nghiệm mới”, Bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa, “Hành trình khám phá” Cổ Yểng - Bản Bung - Thanh Tương, huyện Na Hang… đều dẫn dắt du khách đến với câu chuyện văn hóa, lịch sử để tự du khách cảm nhận, trải nghiệm. Chúng tôi nhận thấy rằng, những câu chuyện ẩn chứa trong mỗi di tích, mỗi sản phẩm, mỗi phong tục tập quán chính là “linh hồn” thu hút và giữ chân du khách”.

Hiện nay một số địa phương như Lâm Bình, Na Hang đã từng bước chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo và quảng bá những câu chuyện gắn với sản phẩm du lịch một cách bài bản. Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực là hướng dẫn viên du lịch bản địa có khả năng truyền đạt hấp dẫn để “kể chuyện” cho du khách.

Việc đầu tư bài bản vào sức mạnh kể chuyện không chỉ là chiến lược tiếp thị, mà còn là cách để tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của Tuyên Quang. Khi mỗi chuyến đi là một câu chuyện đáng nhớ, Tuyên Quang sẽ thực sự bừng sáng, trở thành điểm đến không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn sâu sắc về văn hóa, chạm đến trái tim du khách toàn cầu, khẳng định vị thế của “Thủ đô Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” đầy bản sắc và quyến rũ.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục