Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.
Đây là bộ trường thiên tiểu thuyết được thực hiện trong suốt 20 năm, phản ánh sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh qua hình thức văn xuôi hư cấu, với bút pháp sử thi hiện đại, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học viết về Người trong thời đại hôm nay.
Năm 2022, tác giả chính thức bắt tay viết 5 tập tiểu thuyết: Nợ nước non (2022), Lênh đênh bốn biển (2023), Từ Việt Bắc về Hà Nội (2024), Đường lên Điện Biên (2025) và Việt Nam - Hồ Chí Minh (2025).
Với sự tích lũy sử liệu, tư liệu qua các chuyến nghiên cứu trong và ngoài nước, kết hợp vốn sống sâu sắc từ quê hương Nghệ An và trải nghiệm thực tế xã hội, tác phẩm khắc họa chân thực hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc -
Hồ Chí Minh. Tác phẩm lựa chọn hình thức văn xuôi có hư cấu, đồng thời phản ánh bức tranh rộng lớn của xã hội Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến nửa sau thế kỷ XX. Trong chuỗi hơn 1.000 trang sách, người đọc cùng nhân vật chính trải qua các mốc thời gian từ quê hương xứ Nghệ đến bước ngoặt xuống tàu Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước, rồi trở về lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, đấu tranh thống nhất đất nước. Tập cuối với tiêu đề Việt Nam - Hồ Chí Minh kết thúc sử thi bằng lời nhắc nhở và tôn vinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Người như một di sản vĩnh hằng.
Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” ra mắt độc giả đúng dịp sinh nhật Bác Hồ.
Bộ tiểu thuyết có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật, là đóng góp có ý nghĩa trong nền văn học hiện đại viết về Hồ Chí Minh. Tác phẩm không chỉ tái hiện toàn vẹn cuộc đời của Bác qua lăng kính văn chương, mà còn là một nỗ lực “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội XIV.
Đông đảo nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ và bạn đọc đã chia sẻ thẳng thắn, xúc động về thi pháp tiểu thuyết, tính sử thi của văn học, sự khác biệt giữa viết sử và viết văn, cũng như hành trình lao động đầy trách nhiệm của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.
Không dừng lại ở việc tái hiện hành trình lịch sử của một cá nhân vĩ đại, “Nước non vạn dặm” còn đặt ra một yêu cầu thẩm mỹ đối với người viết văn hiện đại khi tiếp cận đề tài lịch sử - chính trị. Thi pháp mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vận dụng là sự kết hợp giữa kết cấu trường thiên sử thi với khả năng hư cấu có chọn lọc, nhằm đảm bảo sự chân thực lịch sử mà vẫn giữ nhịp điệu tự sự linh hoạt của văn chương. Trong đó, các sự kiện như Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng năm 1930, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, hay bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969… không chỉ được tái hiện như những dấu mốc chính trị, mà còn được nhìn dưới lăng kính nhân văn - nơi phẩm cách con người được đặt làm trung tâm.
“Nước non vạn dặm” vì thế không chỉ là một bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, mà còn là minh chứng cho một nỗ lực văn chương nghiêm cẩn trong việc góp phần lưu giữ ký ức dân tộc, tái khẳng định vị thế văn học như một kênh truyền tải tư tưởng và văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào chặng đường mới. Không chỉ dựng lại một nhân vật lịch sử, theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, “Nước non vạn dặm” là một đại sử thi về Hồ Chí Minh và đất nước của Việt Nam của Người, Nhân dân yêu quý của Người qua từng chặng đời, chặng đường cách mạng.
Vừa qua, tiểu thuyết Từ Việt Bắc về Hà Nội - tập 3 của Bộ “Non nước vạn dặm” đoạt giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 2, giai đoạn 2021 - 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết