Tuyên Quang tỉnh Phú (1861) là tác phẩm Đặng Xuân Bảng viết thời kỳ ở Tuyên Quang. Đây là một bài bút ký về địa chí bao gồm thiên nhiên khí hậu, dân cư, phong tục tập quán, văn hóa, kinh tế, chính trị, quốc phòng. Chữ Phú ở đây mang nghĩa phô bày nhưng kết cấu tác phẩm không theo thể phú của văn chương cổ. Bằng sự quan sát con người và cuộc sống xứ Tuyên cùng những kiến thức lịch sử, Đặng Xuân Bảng đã tạo nên một bức tranh bao quát nhiều mặt về Tuyên Quang từ cách đây nhiều trăm năm trước.
Cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên quang.
Ngay phần đầu bài phú, tác giả đã có cái nhìn riêng: “nay Tuyên Quang lại là vùng đất thượng du có hình thế rồng cuộn hổ chầu, vốn là xứ thần linh tụ hội, là thành đồng của quốc gia”. Về mặt hành chính, bài viết cho thấy “thời Nguyễn ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang đặt dưới quyền một viên tổng đốc Sơn Hưng Tuyên cai quản. Từ thời Lê sơ trở về trước cai trị bằng cách không cai trị, tùy thống lĩnh bằng đơn vị thừa tuyên nhưng thực tế đều do các thủ lĩnh ở địa phương cai quản”. Về địa danh “xứ Tuyên Quang này cổ xưa thuộc nước Văn Lang đến thời nhà Trần mới đặt là châu Tuyên Quang”.
Về huyện lỵ “huyện Đương Đạo, Để Giang nay thuộc Sơn Tây. Để Giang nhà Lê đổi là Sơn Dương. Đương đạo nhà Minh ban đầu đổi là Đăng Đạo. Năm thứ 14 bớt tên, nhập vào Sơn Dương. Đại Man đời Đinh Lê gọi là châu Vị Long”.
Khí hậu Tuyên Quang được Đặng Xuân Bảng mô tả “khi sương mù lan tỏa thì trong vòng gang tấc chẳng nhìn thấy gì. Từ mùa hạ sang mùa thu mưa rào như trút, lũ rót suối tuôn đất bằng chìm ngập...”. Với hệ thống núi non Biền Sơn, Chân Sơn, Nghiêm Sơn, Cấm Sơn, Sâm Sơn; địa hình khu vực tỉnh lỵ được mô tả “Đến như một dải núi Sâm Sơn dài dặc đã trở thành phên dậu cho tỉnh thành... Núi dựng đứng chặn lên sông Lô, cao và dài lượn tới vài dặm. Mặt Tây núi có chùa Ngọc Lân công chúa”.
Vị trí thành Tuyên được mô tả: “cổng mở ba mặt, xây đá bốn bề, lấy đồi đất ở trong làm hiểm cố, sông Lô vây quanh để làm hào, giáo mác thì giấu trên Trường Thành, đài bắn pháo thì cao vòi vọi. Trước là thành bằng đất năm Thiệu Trị thứ tư (1844) xây bằng đá ong. Năm Minh mệnh giặc Nông Văn Vân bao vây thành trong mấy ngày quan quân cố thủ rồi giặc phải bỏ trốn. Tuy chưa đến tận châu huyện mà oai quyền của triều đình cũng đáng gọi là tráng quan”.
Về văn hóa giáo dục, thời đó “cũng có trường học để mở rộng kiến văn ở xã Duyên La tại phía Nam tỉnh thành. Tuyên Quang chưa có quan học chính ở các cấp. Thời Thiệu Trị (1841 - 1847) mới đặt quan giáo thụ ở phủ Yên Bình. Kỳ kiểm tra học sinh của tỉnh vào mùa hạ và mùa đông do quan đốc học tỉnh Sơn Tây kiêm làm. Triều đình lại còn đặt ra nhà học định số học sinh khiến cho người ta xem đấy mà tự hào vươn lên. Năm Tự Đức thứ năm (1852) quy định các tỉnh ở biên giới mỗi tỉnh đặt ba viên học sinh cấp cho lương tháng do quan giáo thụ cho học tập hằng năm vào bốn tháng giữa của bốn quý hội đồng khảo hạch.
Về cơ cấu tổ chức, “ty bố chính coi việc tài chính thuế khóa. Ty án sát coi việc hình án ngục tụng. Quan lãnh Bình coi việc quân sự”.
Về nơi tế lễ, có “Đàn Tiên Nông, Văn miếu, Miếu hội đồng, Miếu thành hoàng, Đàn xã tắc, Đàn Sơn Xuyên, Đàn Ân Điển”.
Về giao thương “cửa khẩu trên sông có Tam Kỳ, Phù Hiên. Tuyên Quang là nơi xe thuyền tụ tập nơi các nhà buôn lại qua”.
Về đền chùa được nhắc tới có Đền Cao Vương, động Hương Nham, chùa Tuyên Sơn chùa Xuân Lôi”.
Về những tấm gương trinh liệt có Lâm Thị Cao người Gia Thận, châu Chiêm Hóa; Nghi Thị Nghị, thôn Cẩm La, châu Thu. Gương dẹp loạn có Ma Thế Cử, Hoàng Văn Phác.
Thành phố Tuyên Quang hôm nay.
Về khoáng sản quý có mỏ sắt, mỏ bạc, mỏ đồng, vàng cám, mỏ diêm tiêu, lưu huỳnh. Thủy sản có con giao (thuồng luồng), con lươn và loài cá anh vũ ở xã Thanh Tương, châu Chiêm Hóa; giống tôm núi ở xã An Phú gọi là mỏ tôm.
Rừng Tuyên Quang được miêu tả “Mùa xuân hoa đua nở ong bay khắp nơi. Mùa thu rừng cây râm ran tiếng ve ngâm”. Trong rừng có các thứ chim cát liễu, họa mi, chim công, chim chả, gà lông gấm, chim hót trăm giọng, chim cuốc, chó quý, hươu, nai, bò, dê, lừa, vượn, gấu…
Rừng còn có nhiều loại gỗ quý như ngọc tùng, ba la, vàng tâm, khổ luyện, cây Thọ, cây tùng, gỗ đinh, gỗ sến, cây trâu nằm có hình thù rất lạ, thớ gỗ thô có mùi thơm mọc ở núi Ngọc Mạo, nơi khác không có. Ở đây còn có nhiều cây trúc hóa long, trúc hoa văn, cây dược liệu như hà thủ ô, quả kim anh, sa nhân, lê thơm, lan Tố Tâm cây gió, cây cát hoàng Thảo, tam thất… Những sản vật của núi rừng nhiều không thể kể xiết.
Bài viết của Đặng Xuân Bảng còn cho thấy tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt của người Tuyên Quang xưa. Trong đó một số vẫn còn đến nay như “sáng đem dao đi vào rừng chiều mang lá xanh bên núi, rộn tiếng mõ trâu bò ngoài nương, lác đác ngựa lừa thồ hàng đi chợ quê…”.
Những lễ hội và trò chơi giải trí xứ Tuyên cũng được khắc họa sinh động “mùa xuân thanh niên nam nữ chơi trò đẩy cây, kéo co ở cửa đền để so tài làm vui. Vào tiết Thanh Minh trai gái tảo mộ xong rồi chơi hội đạp thanh bên sườn núi, hát đối đáp nam xướng nữ họa suốt ngày mới tàn, đó gọi là chơi xuân. Chung nhau hút rượu trong chậu qua mũi để làm vui…”.
Ngoài ra, xứ Tuyên xưa còn hiện lên trong tác phẩm với những tín ngưỡng, trang phục “phụ nữ người Man đều mặc xiêm thêu hoa. Bạch tộc thì hoa trắng, hắc tộc thì hoa đen, các Man khác thì hoa đỏ...”. Mối quan hệ xã hội cũng được khái quát rất chân thực “thói tục quen hòa giải tranh chấp chỉ hạn chế trong xóm làng. Nhà nhà đề cao phong tục chất phác. Việc xét xử phân giải về ruộng đất tranh chấp chỉ gọn ở cấp phủ huyện hay một hai tổng là xong...”.
Có thể nói, bài ký đã cho thấy Tuyên Quang từ xa xưa là mảnh đất giàu có về tài nguyên khoáng sản, thiên nhiên tươi đẹp, con người yêu nước, cần cù chất phác gắn kết cộng đồng. Những giá trị và truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được các thế hệ người Tuyên Quang nay phát huy, bồi đắp, để Tuyên Quang mãi là vùng đất sáng.
Sơn Vũ
(Theo Địa chí Tuyên Quang)
Gửi phản hồi
In bài viết