Áp lực từ mong muốn vẻ đẹp hoàn hảo
Trên các mạng xã hội, hình ảnh về những gương mặt hoàn hảo, vóc dáng chuẩn mực, làn da không tì vết ngày càng tràn ngập, tạo nên một chuẩn mực sắc đẹp khắc nghiệt. Nhiều phụ nữ cảm thấy áp lực phải đạt được những tiêu chuẩn này. Thay vì yêu thương bản thân, họ chạy theo những vẻ đẹp không thực tế, khiến việc làm đẹp từ một hành động tích cực trở thành cuộc đua mệt mỏi.
Có nhiều cách làm đẹp được quảng bá là giúp phụ nữ nhanh chóng đạt được vẻ ngoài mong muốn, nhưng thực tế không ít trong số đó mang lại hậu quả khôn lường. Ví như phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành lựa chọn phổ biến, từ nâng mũi, cắt mí mắt đến hút mỡ, độn cằm... Nhưng nếu không chọn lựa kỹ càng nơi thực hiện, hoặc lạm dụng các cuộc phẫu thuật này, chị em có thể đối mặt với biến chứng nặng nề: sưng tấy, nhiễm trùng, thậm chí biến dạng gương mặt và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Tiêm chất làm đầy, botox cũng là phương pháp khiến nhiều chị em không ngại rút ví, với mong ước xóa nếp nhăn, làm căng da. Nhưng nếu gặp phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém sẽ khiến sưng phù, dị ứng, thậm chí liệt mặt.
Để có làn da trắng sáng, không ít phụ nữ chọn các loại kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mua qua mạng xã hội. Ban đầu, làn da có thể trắng nhanh chóng, nhưng lâu dần, da sẽ bị bào mỏng, yếu đi, dễ bắt nắng và thậm chí còn có nguy cơ ung thư da do chứa hóa chất độc hại.
Làm đẹp thái quá không chỉ gây hại về thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần. Khi cơ thể không còn như mong muốn, phụ nữ dễ rơi vào trạng thái tự ti, lo lắng, trầm cảm. Không ít trường hợp đã phải đối diện với sự tàn phá về sức khỏe, thậm chí là mất đi mạng sống chỉ vì mong muốn vẻ đẹp “hoàn hảo” một cách mù quáng.
Hậu quả khôn lường
Trên công luận, chúng ta thường gặp không ít vụ việc thương tâm liên quan đến làm đẹp thái quá, cảnh báo về sự nguy hiểm của các phương pháp thẩm mỹ không an toàn.
Có phụ nữ 33 tuổi tại TP. HCM qua đời sau khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Có cô gái 22 tuổi ở Hà Nội, sau khi tiêm filler để làm đầy môi tại một cơ sở làm đẹp nhỏ lẻ, đã gặp phải chất filler không rõ nguồn gốc gây tắc mạch máu và dẫn đến nguy cơ hoại tử. Mặc dù sau đó cô được điều trị để giảm thiểu tổn thương, nhưng một phần cơ mặt đã bị liệt vĩnh viễn, gây ảnh hưởng nặng nề về cả thẩm mỹ và tâm lý.
Lại có người phải đối mặt với biến chứng mù mắt vĩnh viễn sau khi tiêm filler nâng mũi tại một spa do chất filler được tiêm sai vị trí và làm tắc nghẽn động mạch võng mạc trung tâm, gây mù lòa. Đau lòng hơn, có người tử vong sau khi tiến hành hút mỡ bụng tại một bệnh viện tư. Nguyên nhân do thuyên tắc phổi, một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong các ca hút mỡ không được thực hiện đúng quy trình và kỹ thuật.
Những vụ việc kể trên là lời cảnh báo đanh thép về sự nguy hiểm của các phương pháp làm đẹp không an toàn, đặc biệt là khi chọn những cơ sở thiếu chuyên môn hoặc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chị em cần phải thận trọng hơn trong việc làm đẹp, tìm hiểu kỹ càng và ưu tiên sự an toàn trước khi quyết định thực hiện bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng phải đi kèm với sự hiểu biết và tỉnh táo. Cần đặt sức khỏe lên hàng đầu và biết yêu thương cơ thể mình. Thay vì chạy theo các xu hướng làm đẹp nhất thời, phụ nữ nên lựa chọn những phương pháp an toàn và phù hợp với bản thân.
Và điều quan trọng nhất, làm đẹp không chỉ là việc thay đổi bề ngoài mà còn là việc nuôi dưỡng cả tinh thần. Một phụ nữ sẽ đẹp hơn nếu có một tâm hồn đẹp, có tấm lòng nhân ái và có trí tuệ. Việc làm đẹp bằng các dịch vụ thẩm mỹ chỉ nên là phương tiện để thể hiện bản thân chứ không phải là áp lực phải theo đuổi một vẻ đẹp không có thật. Hãy làm đẹp một cách thông minh và có trách nhiệm, để sức khỏe và tinh thần luôn được bảo vện
Gửi phản hồi
In bài viết