Xé Túi Mù: Trào lưu nhiều nguy cơ

- Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện trào lưu “xé túi mù” - hoạt động mua một túi hàng không rõ nội dung, chứa các món đồ được giấu kín. Nhiều người mua với mong muốn khám phá điều bất ngờ, nhưng trào lưu này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng chú ý.

Trào lưu bóc túi mù đang khiến nhiều người bị “nghiện”.

Thú vị hay vô bổ?

Nếu lướt TikTok những ngày gần đây, bạn có thể bắt gặp nhiều người livestream ngồi bóc hàng chục chiếc túi nhỏ có vỏ ngoài y hệt, nhưng trong mỗi túi lại là một món đồ khác nhau. Chúng được gọi là “túi mù” vì chỉ khi chi tiền cho người livestream bóc chúng ra, bạn mới biết bên trong có gì. Nó cũng có tên là “túi nhân phẩm” hay “túi may mắn”, vì bóc được đồ mình muốn hay không còn tùy vào… độ may mắn của bạn. 

Túi mù là một biến thể của hộp mù (blind box), bắt nguồn từ Nhật vào dịp năm mới từ những năm 80. Tuy nhiên phải đến giữa năm 2023, các hộp mù mới trở nên sốt nhờ công ty đồ chơi POP Mart của Trung Quốc và các sàn thương mại điện tử.

Cách chơi bóc túi mù khá đơn giản: Bạn chỉ cần chọn và trả tiền túi mù theo các gói mà người livestream đưa ra (thường là 6, 9, 12 túi hoặc nhiều hơn), rồi… nín thở ngồi chờ họ gọi tên mình và bóc túi. Thỉnh thoảng người livestream sẽ có “ưu đãi” như cho phép khách chỉ túi mù muốn bóc, tặng thêm 1 túi nếu mở trúng nguyện vọng khách chọn, hoặc mở được 2 món đồ giống nhau liên tiếp.

Trò chơi bóc túi này tuy đơn giản, nhưng sức hút nó mang lại thì không thể xem thường. Theo dữ liệu từ YouNet Media, lượng thảo luận về túi mù liên tục gia tăng trên Facebook và TikTok từ tháng 2 đến nay, đặc biệt bùng nổ với hơn 150.000 lượt vào tháng 9. Còn theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric, riêng trong quý III năm nay, tổng doanh thu của 539 tiệm túi mù trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 4.6 tỷ đồng.

Không chỉ thế, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng cũng tham gia trào lưu xé túi mù trên TikTok, thu về hàng trăm ngàn lượt xem. Có nhiều thanh niên bị túi mù “gây nghiện”, khi chỉ định xem cho vui, nhưng thức suốt đêm với trò này.

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng cũng bị cuốn vào trào lưu bóc túi mù.

Những nguy cơ

Vì mỗi lần chơi phải bóc khá nhiều túi, đã có không ít cư dân mạng bày tỏ lo ngại về số lượng rác thải nhựa trò chơi này sẽ thải ra môi trường. Số khác thì hoài nghi tính an toàn của đồ chơi trong túi mù, khi một số tiệm bán online không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Túi mù được bán dưới nhiều mức giá, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, khiến người mua thấy hấp dẫn với mong muốn nhận được món đồ giá trị cao. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, giá trị của các món đồ bên trong thường không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nhiều người đã thất vọng khi nhận được các sản phẩm lỗi thời, hư hỏng hoặc không sử dụng được, gây cảm giác lãng phí.

Ấy là chưa kể người bán có thể lợi dụng sự tò mò và lòng tin của khách hàng để cung cấp sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, nguy cơ rất lớn với sức khỏe, đặc biệt là mỹ phẩm và đồ dùng cá nhân.

Theo các chuyên gia, khi mua hàng qua túi mù, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ hiệu quả. Nếu gặp phải hàng kém chất lượng, việc khiếu nại và đòi bồi thường gặp nhiều khó khăn, vì người mua đã đồng ý với rủi ro ngay từ đầu. Do đó, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia trào lưu này.

Xé túi mù có thể là một trải nghiệm thú vị, nhưng cũng cần sự cẩn trọng để tránh lãng phí tiền bạc và rủi ro cho bản thân. Bạn cần chọn nhà bán uy tín, chỉ mua từ những người bán có cam kết và đánh giá tốt; cần xem kỹ mô tả sản phẩm và các điều khoản, tránh rơi vào bẫy chiêu trò. Đồng thời, cần tự hỏi về giá trị thật sự của món hàng, xem liệu món quà bất ngờ có thực sự đáng giá số tiền bạn bỏ ra.

Thực tế đã cho thấy, cái gì đã là trào lưu thì sớm muộn cũng sẽ có ngày hạ nhiệt. Nếu chỉ chơi theo trào lưu mà không thực sự là sở thích của bản thân, sẽ có lúc chúng ta bị sốc khi nhận ra mình đã “chốt đơn” những món hàng không cần thiết, và nguy cơ cháy túi sẽ luôn hiện hữu.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục