Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và tham gia nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Giang Thanh Long (trong ảnh) nêu những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam để biến nguy thành cơ khi già hóa dân số. Báo Tuyên Quang trân trọng gửi đến bạn đọc.
Phóng viên: Thưa giáo sư, già hóa dân số là gì? Tác động của già hóa dân số với sự phát triển của nền kinh tế?
Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long: Già hóa dân số được hiểu chung nhất là quá trình thay đổi cấu trúc tuổi của dân số mà ở đó tỷ lệ và số lượng người cao tuổi của một nước ngày càng tăng lên. Để so sánh quốc tế, thì các tổ chức lớn (như Quỹ dân số Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới…) thường định nghĩa một quốc gia sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn “dân số già” khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (năm 2020) về dân số Việt Nam cho giai đoạn 2019 - 2069 với giả định mức sinh trung bình thì dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” vào năm 2036. Nghĩa là, chúng ta chỉ còn 12 năm nữa để chuyển sang trạng thái dân số từ “đang già” hiện nay sang “già”.
Dân số già hóa có cả những điểm có lợi và điểm bất lợi với sự phát triển của một quốc gia. Một mặt, dân số cao tuổi nhưng khỏe mạnh, có tích lũy và đảm bảo an sinh thu nhập thì trở thành nhóm tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế cũng như thúc đẩy các hình thức sản xuất và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Tuy nhiên, dân số cao tuổi có sức khỏe yếu, thiếu an sinh xã hội sẽ thực sự là thách thức, bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm người này sẽ tăng cao, gánh nặng này sẽ dồn vào thế hệ lao động tương lai. Ngay cả những nước đã có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc một số nước châu Âu cũng đang “gồng mình” với sự thu hẹp nhanh của lực lượng lao động cũng như chi tiêu y tế, hưu trí tăng vọt.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, Việt Nam nói chung, Tuyên Quang nói riêng đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, nhưng theo dự báo chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số. Tác động cơ cấu dân số hiện nay và tương lai với sự phát triển của nền kinh tế như thế nào?
Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long: Cũng để so sánh quốc tế thì dân số được chia thành 3 nhóm, gồm có dân số trẻ em (từ 0 đến đủ 14 tuổi); dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến đủ 64 tuổi) và dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Theo định nghĩa của Liên hợp quốc (năm 2004), các nước bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” khi tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm dưới 30% tổng dân số và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số. Vì thế, cũng theo dự báo dân số đã nêu, “cơ cấu dân số vàng” ở Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2039.
Việt Nam, trong đó có Tuyên Quang đang có hai xu hướng dân số quan trọng cùng diễn ra, đó là dân số đang trong giai đoạn có “cơ cấu vàng” và giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2039, trong khi cũng đang trong giai đoạn “đang già” và sẽ chuyển sang “già” từ năm 2036. Hai xu hướng này cho cả cơ hội và thách thức về tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trong những thập kỷ tới...
Nếu chúng ta tận dụng tốt “cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ ngày càng tăng lên với việc làm ổn định, thu nhập ngày càng cải thiện, tham gia đầy đủ các chế độ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe tốt không chỉ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong hiện tại mà còn tạo ra những lợi ích lớn trong tương lai khi nhóm dân số này trở thành người cao tuổi, đó là có nhóm dân số cao tuổi khỏe mạnh, năng động, có nguồn tích lũy tài chính ổn định và có thể đóng góp dài hơn cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngược lại, dân số trẻ nhưng việc làm, thu nhập không ổn định… khó có thể mong có được một xã hội già hóa thành công bởi sẽ phải trả giá rất lớn.
Phóng viên: Với rất nhiều năm nghiên cứu và tham gia nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về vấn đề già hóa dân số với sự phát triển bền vững của quốc gia, Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm, chính sách ứng phó của các quốc gia phát triển và gợi ý cho Việt Nam nói chung và Tuyên Quang nói riêng về vấn đề này?
Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long: Với diễn biến về dân số Việt Nam, cụ thể là các tỉnh, trong đó có Tuyên Quang cần có những bước đi quyết liệt trong các chiến lược, chính sách dân số. Trên cơ sở đó phải tận dụng được tối “cơ cấu dân số vàng” đồng thời chuẩn bị cho thời điểm dân số “già” sắp đến.
Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, già hóa dân số là xu hướng tất yếu, chỉ là nó diễn ra nhanh hay chậm nên không thể “ứng phó” (cope with) mà là “thích ứng” (adapt). Để làm được việc này, mỗi nước đều có chiến lược riêng để thúc đẩy dân số trẻ, tận dụng lợi thế của dân số cao tuổi đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ví như Nhật Bản, những năm 1960 của thế kỷ trước, quốc gia đã nhận ra tỷ suất sinh bắt đầu giảm nhanh đối mặt với tình trạng dân số già nên đã đưa ra hàng loạt chính sách về tăng cường sức khỏe sinh sản để đảm bảo chất lượng dân số như: áp dụng nhiều chính sách để trợ giúp thai sản, hỗ trợ phụ nữ trong đảm bảo việc làm sau sinh, cân đối công việc - gia đình cùng với các chính sách cho các ông chồng/ông bố để cùng có trách nhiệm trong chăm nuôi con. Nhật Bản cũng đã thành lập Trung tâm nguồn nhân lực bạc nhằm kết nối việc làm phù hợp cho người cao tuổi và các nhà tuyển dụng.
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là một điển hình về tăng trưởng kinh tế thần kỳ tại Đông Á cuối thế kỷ 20 với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với định hướng phát triển kinh tế đất nước dựa vào công nghiệp, Hàn Quốc đề ra các chính sách kinh tế kết hợp ảnh hưởng thuận lợi từ biến đổi cơ cấu dân số tuổi đã tạo nên hiệu quả kinh tế vượt trội qua nhiều thập niên. Đó là thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích người dân gia tăng tích lũy; triển khai các chính sách để hỗ trợ các gia đình trẻ, hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ sinh; hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người cao tuổi…
Hay Singapore vẫn tự tin về một xã hội già hóa trong tương lai bởi đất nước này đã nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thách thức. Cơ hội đầu tiên mà đảo quốc sư tử tìm thấy được cơ cơ cấu dân số già là xây dựng một thị trường mới thông qua việc nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người cao tuổi. Chính quyền Singapore khuyến khích các doanh nghiệp trong nước loại bỏ tuổi nghỉ hưu để nhân viên lớn tuổi vẫn được phép tham gia vào thị trường lao động. Như vậy, lực lượng người cao tuổi vẫn là những lao động có thu nhập hàng tháng, họ phục vụ xã hội với tư cách là những chính khách cao tuổi như những cố vấn, những nhà lãnh đạo đối với thế hệ trẻ…
Dân số là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế - xã hội, để thích ứng với việc già hóa dân số trong tương lai, Việt Nam nói chung và Tuyên Quang cần sớm xây dựng các kế hoạch kỹ càng biến nguy thành cơ. Đó là thực hiện hiệu quả đồng bộ các chính sách kinh tế, dân số, an sinh xã hội, trong đó, trọng tâm là chính sách về dân số, đảm bảo mức sinh thay thế và giữ ổn định cơ cấu dân số. Và thực tế Việt Nam chúng ta đã hành động để đảm bảo mục tiêu: Dân số và phát triển. Bằng chứng rõ nhất là ngày 15-8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững.
Phóng viên: Một lần nữa xin cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long.
Gửi phản hồi
In bài viết