Để làm rõ những chính sách này cùng những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Ông Đậu Anh Tuấn.
Phóng viên: Xin ông cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã có những nghị quyết, chính sách nào nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh hiện nay?
Ông Đậu Anh Tuấn: Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dấu mốc lịch sử thứ hai là nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5 ngày 3/6/2017 về kinh tế tư nhân trở thành ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình đổi mới đất nước cho thấy các chính sách phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đảng và nhà nước ta luôn xem đội ngũ doanh nhân là một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Sau gần 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực.
Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, năm 2023 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Nghị quyết đã tạo thêm động lực, niềm tin và nhận được sự hân hoan của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tuy có nội dung kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị nhưng một số quan điểm, nhận thức của Đảng về doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự thay đổi tích cực hơn khi coi đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lấy đạo đức, văn hóa làm cốt lõi trong xây dựng đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Từ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân vào trong Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị cho xã hội, tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng tham gia công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh của doanh nhân Việt Nam trước những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua?
Ông Đậu Anh Tuấn: Nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp được thực thi trong thực tiễn đã tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn trên các phương diện và cộng đồng xã hội.
Nhiều doanh nhân Việt Nam đã làm rạng rỡ tên tuổi đất nước khi tên tuổi và xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới, trở thành “đại sứ” quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới. Không ít doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,... Nhiều sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đội ngũ doanh nhân còn tạo ra hàng chục triệu công việc cho người lao động, cũng như an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn lan tỏa mạnh mẽ đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc Việt Nam, có trách nhiệm cao và chủ động tham gia cùng với Nhà nước thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng.
Phóng viên: Ông có đề xuất giải pháp gì để tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm cộng đồng xã hội, tinh thần yêu nước của đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay?
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng với những nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai trong thực tế đã khẳng định rất rõ vai trò của doanh nhân trong cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước. Đó không chỉ là trách nhiệm thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội mà còn ở chỗ xây dựng, khẳng định thương hiệu, uy tín của chính doanh nghiệp; ở chỗ tạo ra các sản phẩm có chất lượng, ở trách nhiệm bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam với thế giới.
Và để đội ngũ doanh nhân phát huy được năng lực, trí tuệ, trách nhiệm với cộng đồng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thể chế để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đây phải được xem là công việc cần được ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới. Trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách phải vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân; lắng nghe ý kiến, tiếng nói của doanh nghiệp. Việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, người dân phải được thực hiện tại mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách, pháp luật giai đoạn tới sẽ không chỉ dừng lại ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang có mà phải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, chúng ta cần kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính; thực hiện tốt chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để an lòng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, động viên đội ngũ doanh nhân cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia; xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Báo Tuyên Quang!
Gửi phản hồi
In bài viết