Y phục xứng kỳ đức

- “Y phục xứng kỳ đức” là một thành ngữ cổ, mang ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa trang phục và phẩm chất của con người. Câu này không chỉ nói về cách ăn mặc, mà còn phản ánh một triết lý sống mang đậm tính nhân văn trong văn hóa Á Đông.

Một triết lý đạo đức

Có thể hiểu ngắn gọn “y phục” nghĩa là trang phục, quần áo; còn “xứng kỳ đức” có nghĩa là tương xứng, phù hợp với phẩm chất và đạo đức. Theo nghĩa đen, câu nói này chỉ ra rằng cách ăn mặc của một người cần phải phù hợp với tư cách, đạo đức và vị thế xã hội của họ. Hiểu rộng hơn, trang phục không chỉ để che chắn cơ thể, mà còn thể hiện phần nào con người và phẩm hạnh của chủ nhân.

 Áo dài là trang phục đẹp được các thiếu nữ diện đi chùa ngày xuân.

Người xưa rất coi trọng mối liên hệ giữa hình thức bề ngoài và phẩm chất bên trong. Cách ăn mặc được xem như một phần quan trọng để thể hiện sự tôn trọng đối với bản thân và người xung quanh, đặc biệt trong các dịp lễ nghi hay sự kiện trọng đại. Một người có đạo đức tốt, phẩm hạnh cao quý thì trang phục của họ cũng phải phản ánh được điều đó, vừa chỉnh tề, vừa thể hiện sự trang nhã, kín đáo và phù hợp.

Sự phù hợp thể hiện ở mối quan hệ giữa trang phục và công việc, ví như không đi dép lê nơi công sở, hoặc không có người nông dân nào mặc comle đi cày ruộng. Trang phục cũng cần phù hợp sự kiện, nên người mặc lòe loẹt đi đám tang thường bị chê cười, người mặc xoàng xĩnh đến tham dự các buổi họp quan trọng, các sự kiện lễ nghi hoặc những dịp đặc biệt thì không nên.

Hoàn cảnh, điều kiện kinh tế cũng là yếu tố đánh giá sự phù hợp của trang phục. Trong điều kiện kinh tế cho phép, bạn có thể diện những bộ trang phục đắt tiền, nhưng mua nợ hoặc sẵn sàng chi bạo để có trang phục đẹp, trong khi bạn vẫn chưa có tự do về tài chính thì cần tránh.

Tính ứng dụng trong cuộc sống hiện đại

Dù câu nói xuất phát từ thời xưa, nhưng triết lý “y phục xứng kỳ đức” vẫn phù hợp trong xã hội ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, cách ăn mặc vẫn là một phần quan trọng để thể hiện phong cách cá nhân, đồng thời cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh. Có câu “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” - nên cần chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, sự kiện và địa vị.
Một người có phong thái lịch sự, trang phục chỉn chu sẽ gây ấn tượng tốt hơn và thể hiện sự tự tin, chính trực. Ngược lại, nếu lòe loẹt, phô trương quá mức, hoặc ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh, có thể khiến người khác có ấn tượng sai về phẩm cách của mình.

Trang phục là một phần bề ngoài, nhưng cũng là một cách để thể hiện lòng tự trọng và tôn trọng người đối diện. Câu nói “Y phục xứng kỳ đức” nhắc nhở chúng ta rằng, vẻ đẹp thực sự của trang phục phải là sự phù hợp từ hoàn cảnh, địa vị, vóc dáng, đến điều kiện của mỗi người. Nếu ham trang phục đắt tiền kiểu “trưởng giả học làm sang” sẽ khiến người đời chê cười, lại dễ lâm vào cảnh túng thiếu.

Trong xã hội hiện đại, triết lý này vẫn giữ nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho cách sống và ứng xử của mỗi người. Bởi dân gian còn có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhấn mạnh vào giá trị cốt lõi của con người - tức là tính cách, phẩm chất và tài năng bên trong mới là điều quan trọng nhất. Bề ngoài dù có đẹp đẽ, hào nhoáng, cũng không thể thay thế cho bản chất thực sự của con người. Nếu như  “Y phục xứng kỳ đức” nhắc nhở rằng dù đạo đức và phẩm chất bên trong là quan trọng, nhưng vẻ ngoài cũng không nên bị xem nhẹ; thì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhấn mạnh rằng vẻ ngoài chỉ là phụ, và nội dung bên trong - phẩm chất và giá trị thực sự của con người - mới là yếu tố quyết định.

Dù sở hữu hơn 72,9 tỷ USD nhưng nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg luôn giản dị với áo phông, quần jeans.

Công chúng thường bắt gặp hình ảnh của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cực kỳ giản dị với áo phông, quần jeans và áo khoác hoodie, đi lại hằng ngày trên một chiếc xe hơi thông dụng giá tầm trung. Nhưng ông chính là tỷ phú sở hữu 72,9 tỷ USD khi mới chỉ 37 tuổi và đã cam kết đóng góp 99% tài sản tại Facebook trong suốt cuộc đời mình cho hoạt động từ thiện.

Warren Buffett - 1 trong 3 tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản hơn 85 tỷ USD không dành nhiều thời gian cho các thương hiệu thời trang đắt tiền hay các mẫu điện thoại mới đến từ nhà Apple. Ông chỉ tốn $2.38 cho mỗi bữa sáng bao gồm: 2 chiếc xúc xích và 1 ly Coke ở tại cửa hàng McDonald, và dùng chiếc điện thoại Nokia nắp gập cho đến năm 2020 mới dùng iPhone 11 do một người bạn tặng. Sống tối giản là thế, nhưng Warren Buffett được cả thế giới kính trọng bởi tài năng trong kinh doanh đầu tư và những việc làm từ thiện nổi tiếng.

Như vậy, có thể thấy “Y phục xứng kỳ đức” hàm chứa những bài học quan trọng trong cách sống và ứng xử. Một người không chỉ cần có đạo đức tốt mà còn cần biết cách thể hiện sao cho xứng đáng với giá trị bên trong của mình. Khi có sự phù hợp giữa 2 yếu tố này, chúng ta có thể hướng đến sự hài hòa, hoàn thiện cả về bề ngoài lẫn phẩm chất bên trong, trở thành những con người có nhân cách và thái độ sống toàn diện.

Mai Ngọc

Tin cùng chuyên mục