Phố nghề Xuân Hòa

- Tuyên Quang từ xa xưa đã có những phố nghề nổi tiếng, gắn với biết bao câu chuyện in sâu vào ký ức người thành Tuyên. Trong đó, có phố nghề ở Xuân Hòa với câu ca Xuân Hòa cát, cót, củi, phên một thời.

“Đường Xuân Hòa lắm cát khó đi”

Chẳng là phố Xuân Hòa nằm sát dòng sông Lô với tấp nập tre nứa từ mạn ngược về. Nứa lột mỏng làm nan đan cót, nứa băm vỡ làm nan đan phên. Cũng từ sông Lô, người Xuân Hòa khai thác cát, củi từ mạn ngược làm kế sinh nhai.

Ở phố Xuân Hòa, đã có thời hầu hết các gia đình sống bằng nghề khai thác cát. Ngày ấy, việc khai thác cát hoàn toàn dựa vào sức lao động thủ công. Để có được những hạt cát mịn màng, chất lượng, người Xuân Hòa không chỉ dùng sức lao động miệt mài, với đôi tay chai sạn, mà dùng cả sự thấu hiểu về dòng sông Lô. Mùa nước cạn, người ta dùng những chiếc cuốc và xẻng để moi cát từ lòng sông, chất thành đống lớn ngay mép nước cho khô ráo rồi mới sàng để tách riêng cát vàng hạt to và cát hạt mịn. Đôi giành gánh cát cũng không giống giành gánh lúa dưới xuôi. Nó được buộc với những chiếc dây thừng làm quang, nhưng trong số dây ấy có một sợi, chỉ cần dùng ngón tay giật khẽ, là cả giành cát được đổ xuống, trong khi chiếc đòn gánh vẫn trên vai. Vừa nhanh, vừa tiện.

Nghề đan cót đã nuôi sống nhiều thế hệ người Xuân Hòa. Đan cót không nặng nhọc, nhưng cần khéo kéo.

Cứ như thế, từng hạt cát qua tay, rồi qua vai người Xuân Hòa lên các chuyến xe đi khắp nơi. Cát sông Lô ngày ấy chính là sinh kế, là nguồn sống của nhiều gia đình phố Xuân Hòa. Từ những ngôi nhà tranh tre đơn sơ cho đến các công trình lớn nhỏ trong làng, cát là nguyên liệu chính để trộn vữa, đắp nền. Nên ở Xuân Hòa đâu đâu cũng cát. Nên người thành Tuyên lứa U 60 trở lên hẳn còn nhớ câu vè hồi niên thiếu vẫn trêu nhau Gái Xuân Hòa vừa chua vừa chát/Đường Xuân Hòa lắm cát khó đi.

Nghề làm cát sông thủ công không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn cả lòng kiên trì, sự chịu khó. Tuy vất vả, cực nhọc, nhưng người Xuân Hòa vẫn kiên trì bám trụ, giống như họ vẫn gắn bó với dòng sông Lô với nhịp lên xuống của con nước, hiểu rõ mùa nào cát sạch, mùa nào nhiều phù sa, và cả khi nào mực nước sông thuận lợi cho việc khai thác cát.

Cát sông Lô vô cùng quý giá, nên ngày nay người ta tìm đủ mọi cách để có được giấy phép khai thác. Các phương tiện cơ giới được thay thế lao động thủ công. Những chiếc thuyền máy, xà lan cỡ lớn, cùng hệ thống bơm hút cát hiện đại đã giảm đi công sức của con người rất nhiều. Nhưng chúng cũng hút luôn cả bờ bãi ven sông. Nên nghề làm cát thủ công ngày xưa, giờ chỉ còn là ký ức về một thời lao động nhọc nhằn mà đáng quý.

Chuyện tình nan cót

Chuyện rằng hồi ấy phố Xuân Hòa có anh chàng rất khỏe, vác nứa từ dưới sông phăm phăm lên phố. Lại có cô nàng tóc dài óng ả, ngón tay búp măng tài chẻ nan cót. Mỗi thanh nứa ngộ bánh tẻ, cô lột được 8 đến 10 sợi nan. Phục tài nhau, cô nàng thường nhờ anh chàng vác nứa, cưa mấu. Còn anh chàng làm xong cứ ngồi cả buổi bên hè, ngắm đôi tay chẻ nan đan cót thoăn thoắt mà nên duyên.

Nằm dọc sông Lô, người Xuân Hòa xưa tận dụng các sản vật từ sông làm kế sinh nhai. Nên Xuân Hòa cũng là phố cót, củi, phên.

Những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước, đi dọc phố Xuân Hòa, đâu đâu cũng vang tiếng lách tách từ bàn tay khéo léo của người đan cót. Nghề đan cót không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn cần sự thấu hiểu về vật liệu và kỹ thuật. Người đan thường chọn những cây nứa bánh tẻ, mang về cưa bỏ mấu, rồi chẻ nhỏ, lột thành từng nan mỏng. Nứa già lột sẽ gẫy, nứa non khi đan xong sẽ bị “ngót”, lá cót hở khắp nơi. Để có được những lá cót đẹp, bền, người đan phải kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng khâu, từ việc chọn nứa cho đến công đoạn chẻ nan, rồi đan thành hình. Mỗi lá cót, dù đơn giản nhưng lại là thành quả của quá trình lao động miệt mài, bền bỉ. Lá cót đan xong giơ lên trời không thấy khe hở nào mới là hoàn hảo.

Đan phên cần nhiều sức hơn, thường do đàn ông làm. Cây nứa về được cưa thành đoạn mét hai, mét rưỡi tùy đặt hàng của khách, chẻ dọc làm đôi rồi dùng mũi dao băm dọc thanh nứa sao cho mềm mà không đứt rời. Băm xong kết thành những tấm phên lóng mốt, lóng hai, dùng lợp nhà, thưng vách, rất mát.

Cót, phên có mặt trong đời sống hàng ngày của người Tuyên ngày xưa. Cót dùng lợp mái nhà, làm vách ngăn, cót để phơi thóc, phơi nông sản. Phên dùng để thưng vách, lợp mái nhà, phên còn xuất bán về xuôi... Nghề đan phên cót đã trở thành nguồn thu nhập chính của người Xuân Hòa một thời. Và nghề đan cót, đan phên kéo dài suốt dãy phố Xuân Hòa, từ bến phà Nông Tiến đến Tổng kho Lương thực, kéo lên cả mạn bờ sông đến khu Cần cẩu, đền Mỏ Than, đã nuôi sống biết bao thế hệ người Tuyên.

Những tấm cót với màu vàng nâu của nứa luôn gợi nhắc về những ngày tháng lao động bình yên, gắn liền với mùa nứa từ mạn ngược, với cánh đồng ngày mùa thơm hương lúa, dùng cót phơi những hạt vàng. 

Ngày nay, nghề khai thác cát và đan cót, đan phên ở Xuân Hòa dần bị mai một vì đã có những doanh nghiệp dùng máy móc hút cát từ sông và không ai còn dùng cót, phên lợp nhà hay thưng vách.

Nhưng đi dọc phố, thỉnh thoảng vẫn thấy lác đác bóng người miệt mài ngồi bên hiên nhà, đôi tay thoăn thoắt đưa từng sợi nan vàng óng, thành những lá cót tinh tế, bền bỉ, như một cách lưu giữ hồn nghề, hồn phố xa xưa.

Thái An

Tin cùng chuyên mục