Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật

- Nếu ví tác phẩm chính là đứa con tinh thần của nhà văn thì phải có cả một quá trình “thai nghén” mới cho ra đời được. Mỗi người một vẻ, không ai giống ai kể cả về nỗi cực nhọc hay niềm hạnh phúc khi trông thấy “đứa con” của mình chào đời và được đón nhận. Chính vì thế việc thực thi trách nhiệm về bản quyền đối với tác giả là ứng xử văn minh, thể hiện sự tôn trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Theo công ước Berner về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (có hiệu lực tại Việt Nam từ 26-10-2004) thì quyền tác giả hay tác quyền hoặc bản quyền là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm mình sáng tạo. Quyền tác giả dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa, nghệ thuật để không bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm, chiếm hữu.

Tại Việt Nam, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI,  họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986, Việt Nam chuyển sang thời kỳ đổi mới và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước (gọi tắt là kinh tế thị trường). Quan niệm sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt và ý thức về quyền tác giả văn hóa, nghệ thuật ngày càng rõ trong xã hội.

Các hoạt động trưng bày sách nhằm quảng bá và bảo vệ tác quyền văn nghệ sỹ Tuyên Quang.

Ngày 9-11-1995, Bộ luật Dân sự quy định Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ra đời, khái niệm quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm chính thức được khẳng định. 

Nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, hành trình sáng tạo tác phẩm có chất lượng trải qua chu kỳ như: ấp ủ, cảm thụ, thai nghén và thăng hoa… Đó là những cung đường với những khó khăn, vất vả. Bản thân các văn nghệ sỹ luôn mong muốn được công chúng yêu thích đón nhận và trân trọng tác phẩm của mình. Tại tỉnh ta, song hành với động viên khích lệ sáng tác thì Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh luôn tuyên truyền cho văn nghệ sỹ về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình.

Trên thực tế việc thực thi tác quyền trong tác phẩm văn học nghệ thuật luôn được các cơ quan đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc. Điển hình các cơ quan, đơn vị khi sử dụng tác phẩm văn học, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc… đều xin phép đăng tải, trả nhuận bút, nhuận ảnh… Tuy nhiên bên cạnh đó vấn đề thực thi tác quyền còn gặp không ít khó khăn. Một số văn nghệ sỹ còn bị xâm phạm bản quyền do nhận thức về bản quyền tác phẩm trong công chúng còn hạn chế.

Thói quen từ thời bao cấp và một thời gian dài hoạt động tổ chức biểu diễn gần như không quan tâm đến vấn đề tác quyền. Chính các nhạc sỹ cũng đã quen với việc sáng tác mà không cần thu tác quyền. Họ nghĩ rằng, chỉ cần sáng tác của mình được công chúng đón nhận, được nhiều người nhớ và hát là niềm hạnh phúc.

Nghệ sỹ Ưu tú Đinh Tiến Bình, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, ngoài tác phẩm được in ấn trên mặt báo thì được trả nhuận bút, còn lại những ca khúc của nhạc sỹ được sử dụng trong các chương trình văn hóa, văn nghệ quy mô lớn, nhỏ đều hầu như miễn phí, chỉ một vài chương trình nghệ thuật lớn có hỏi ý kiến của tác giả. Nói về lý do chưa thực hiện thường xuyên việc thu tác quyền âm nhạc ở tỉnh thì nhạc sỹ Tân Điều giải thích, đó là do đời sống âm nhạc của tỉnh nhà chưa sôi động, quy mô nhỏ hẹp. Các chương trình văn hóa nghệ thuật ít thu phí, do đó, vấn đề tác quyền âm nhạc trở nên rất khó khăn.

Năm 2002, việc ra đời của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã khẳng định sự quyết liệt trong việc thực hiện tác quyền âm nhạc. Trung tâm thực hiện các chức năng tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho người nắm giữ quyền tác giả thụ hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.

Được biết, Chi hội âm nhạc Tuyên Quang có 12 hội viên nhưng chỉ mới có 3 nhạc sỹ tham gia ký hợp đồng ủy thác với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Đó là nhạc sỹ Tân Điều, Đinh Quang Minh, NSƯT Vương Vình. Các nhạc sỹ cũng chỉ mới lĩnh được vài ba triệu đồng tiền tác quyền. Nhưng dù sao đó cũng là một sự động viên tích cực cho các nhạc sỹ cống hiến cho âm nhạc. 

Tại các hội nghị, diễn đàn về văn học nghệ thuật, nhiều nhiếp ảnh gia trong tỉnh không ít lần bày tỏ thực trạng ảnh của mình bị vi phạm bản quyền. Ông Hà Thế Đô, hội viên Phân hội Nhiếp ảnh cho biết, tác phẩm “Thung lũng Lăng Can”, “Chiều Thành Tuyên” bị một số đơn vị, cá nhân sử dụng tràn lan không xin phép. Với sự phát triển của mạng xã hội facebook, zalo… một số cá nhân, họ tự tải ảnh trên trang cá nhân của các nhiếp ảnh gia rồi phóng to treo trang trí ở nhà. Như vậy là vi phạm bản quyền nhưng nhiều người không ý thức được điều đó.

Nói về việc giải quyết những vấn đề này thì đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để bảo vệ quyền lợi của mình thì trước hết các tác giả phải tự bảo vệ tác phẩm của mình thông qua việc đăng ký bản quyền tác phẩm. Có như thế khi xảy ra vi phạm, tranh chấp thì sẽ có căn cứ xử lý dễ dàng hơn.

Để bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật thì cần sự vào cuộc ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là mỗi cá nhân văn nghệ sỹ phải có ý thức bảo vệ “tài sản”, “đứa con tinh thần của mình” bằng cách đăng ký bản quyền. Có như vậy các quy định mới dần đi vào được đời sống tạo động lực sáng tạo, nâng tầm giá trị mỗi tác phẩm.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục