Ngay lời giới thiệu, nhà văn Cho Nam Joo đã khẳng định: “Tôi tin rằng khi mở cuốn sách này ra, câu chuyện của các bạn sẽ được bắt đầu”. Quả thật, 28 câu chuyện được chắt lọc từ 60 cuộc phỏng vấn từ những cô bé 9 tuổi đến các cụ bà 69 tuổi là 28 mảnh đời phụ nữ vừa lạ lại vừa quen.
Tên cô ấy là được chia thành 4 phần. Mỗi phần, giống như một lời nhắn nhủ, tâm tình: Dẫu vậy, trái tim tôi vẫn đang rung động; Tôi vẫn còn trẻ, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc; “Chút” ngoại dồi dào sức “phẻ”; Giữa vô số ngã rẽ bất định, tôi đuổi theo một tia sáng mơ hồ. Qua mỗi phần, những số phận được bày biện, có khi đặt chung trong một gia đình và lần lượt đứng ở ngôi thứ nhất để kể câu chuyện của riêng mình.
Không chỉ là câu chuyện về gia đình mà Tên cô ấy là còn là “phận con gái” ở chốn công sở, họ đứng lên với tiếng nói riêng trước nạn lạm dụng phụ nữ, bất công trong công việc, sống một mình với đồng lương ít ỏi và cũng có những trăn trở trước sự thay đổi của thời cuộc. Ở đó, dù độc lập về tài chính hay được học hành đến nơi đến chốn, họ vẫn bị ghì chặt trong mối quan hệ chồng - vợ, mẹ chồng - con dâu, mẹ - con cái và phụ nữ - nam giới với những luồng tư tưởng cũ kỹ, cầm tù suy nghĩ và giữ chân họ trong một không gian với vai trò là người gánh vác những gánh nặng vật chất lẫn tinh thần.
Tên cô ấy là đã lan tỏa mọi cung bậc cảm xúc - có mạnh mẽ, kiên cường và cũng có cả bất lực lẫn bất an - của những “giọng kể” nữ giới tuy bình thường nhưng không tầm thường, yếu thế nhưng không yếu đuối, để lay động bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe những câu chuyện của họ.
“Em cứ kết hôn đi, niềm vui vẫn nhiều hơn nỗi buồn. Nhưng cho dù hai đứa có cưới nhau, em cũng đừng cố gắng làm vợ, làm con dâu hay làm mẹ của ai đó, hãy sống cuộc đời của chính em”. Lời nhắn nhủ của Kim Nam Joo không chỉ dành cho nhân vật, mà cho mỗi người đọc, nhất là bạn đọc nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết