Một dòng chảy thi ca bình yên

- Thơ ông tựa như tiếng nói tâm tình mộc mạc, ít hoa văn kiểu cách mà hấp dẫn người đọc bởi giọng điệu chân thành của người đã qua những thăng trầm. Từ khung trời ký ức trong “Miền lau trắng” đến những thao thức, nhớ thương khi “Sông Lô gọi về”. Và tất thảy những thanh âm cuộc sống như lắng lại đi vào một cách thật tự nhiên ở “Bổng trầm lời ru”. Quả thực, 3 tập thơ nhỏ xinh tạo nên dòng chảy bình yên trong thơ Nguyễn Hữu Dực.

“Thơ ca là… nơi dừng chân của tinh thần”

“Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần”, Nguyễn Hữu Dực luôn quan niệm như vậy. Thế nên, với ông thi ca không hẳn là một cuộc dạo chơi mà đó là bến đỗ bình yên của tâm hồn sau tháng ngày rong ruổi mệt nhoài.

Ông vốn là lái xe chiến trường sau đó chuyển về công tác tại Công ty ô tô Tuyên Quang. Cơ duyên trở thành con đường sáng tác nghệ thuật thật tình cờ. Nhà văn Trịnh Thanh Phong kể lại rằng: “những ngày ông chuyển ngành về công tác tại Công ty ô tô Tuyên Quang, thời ấy tuy đã đổi mới nhưng phương tiện giao thông đi lại cũng chưa dễ dàng như bây giờ. Dạo ấy, Hội lại chưa có xe ô tô, cố nhà thơ Mai Liễu và cố nhà văn Đinh Công Diệp có chuyến đi công tác đột xuất trên Hà Giang. Tôi cùng ra bến mua vé nhưng không được. Loanh quanh ở bến thì nghe Hữu Dực gọi và mời đi miễn phí. Người lái xe ấy thể hiện sự trân trọng, mến mộ những bậc tiền bối. Dường như với ông đó như là một niềm vinh dự, và trên suốt chặng đường ấy những trái tim đã gặp gỡ nhau trong mối giao cảm nghệ thuật”.

Từ đó Nguyễn Hữu Dực tiếp xúc làm quen nhiều với giới văn nghệ sỹ. Và con đường sáng tác thơ ca chỉn chu, chuyên nghiệp bắt đầu. Trở thành hội viên, ông hoạt động sôi nổi hơn, bên cạnh việc sáng tác ông còn tích cực tham gia các hoạt động của hội như dự trại sáng tác, đi thực tế và dường như các buổi sinh hoạt thơ, nhạc của Hội tổ chức ông đều có mặt.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Dực.

Năm 2009, tập thơ “Về miền lau trắng” được xuất bản, tiếp đó năm 2012 tập “Sông Lô gọi về”, năm 2018 tập “Bổng trầm lời ru” cũng được ra mắt bạn đọc. Ở ông, số lượng xuất bản không phải là nhiều nhưng nó dằng dặc một chặng đường thơ cuộc đời. Nếu đọc kỹ 3 tập thơ ta thấy, đây chính là mối dây kéo buộc lại hai mảng đời của ông. Một mảng xanh màu áo lính giữa khói lửa chiến trường và một mảng xanh màu yêu thương cuộc sống an yên thời bình.

Gọi những ký ức yêu thương

“Sông Lô gọi về” là tập thơ mang nhiều nỗi niềm tâm trạng, 57 bài thơ là lời tự tình tha thiết xen lẫn giữa tình yêu quê hương và xúc cảm riêng tư. Qua những trang thơ của Nguyễn Hữu Dực chúng ta được trở về với những miền ký ức thân quen, đằm mình trong những kỷ niệm.

Băng qua trận mạc, sự sống và cái chết cận kề nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời vẫn luôn hiện hữu qua giọng thơ vui tươi hồn nhiên. Ngày đầu tiên nhập ngũ, xa quê hương, nỗi nhớ cứ giày vò trong đêm, anh lính trẻ tựa mình thao thức:

“...Ơi! đất mẹ mến thương
Nuôi ta lớn những ngày thơ bé
Hãy nhận lấy tâm hồn người lính trẻ
Đêm thâu này thức với quê hương...”

(Thức với quê hương)

Nỗi nhớ biến thành ý chí và lòng căm thù. Những bài thơ: “Binh trạm 13”, “Cô gái và đoạn ngầm”, “Hai trận tuyến”, “Nhớ mùi khô Trường Sơn”, “Tháng ba Tây Nguyên”... tựa như một thước phim quay chậm ghi lại từng khoảnh khắc trong chiến tranh:

“Không có ngày và đêm
Xe lao đi về nơi súng nổ
Bộ binh, cơ giới thần tốc những bước chân
Chúng tôi hành quân
Lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm
Mong nhanh những chuyến hàng tới đích”

(Tháng ba Tây Nguyên)

Chiến tranh không tránh khỏi sự hy sinh, mất mát. Qua những trang thơ Nguyễn Hữu Dực gửi gắm nỗi đau, sự tiếc thương khi đồng đội mình ngã xuống. Ban đầu đó là những hồi tưởng lại những kỷ niệm thân thương, xúc động... và khi trở về với thực tại đau thương, tác giả nghẹn ngào như nấc lên thành tiếng:

“Biết chiến tranh có những điều không thể
Đồng đội ơi! nhớ các anh nhiều”

(Đồng đội)

Hòa bình lập lại gác lại nghiệp binh đao, Nguyễn Hữu Dực trở về với cuộc sống thường ngày. Tâm hồn nghệ sỹ vẫn luôn dạt dào và tình yêu quê hương vẫn tha thiết trong những bài thơ: “Tháng Giêng non”, “Cây đàn tính”, “Đêm then ấy”, “Uống rượu ngô Na Hang”, “Na Hang mùa xuân”, “Tầm xuân ơi”, “Giọt mưa ngày ấy”, “Con đường mùa thu”, “Na Hang trời đất và em”, “Gửi bến Bình Ca”, “Hương cốm”...

“Đào, mận chúm chím đầu cành
Hương thơm rắc đầy ngõ nhỏ
Ai ngóng ai về mắt đỏ
Quả còn năm trước gọi nhau”

(Tản mạn xuân quê)

Khắc khoải với quá khứ bằng cảm xúc vừa êm đềm, vừa day dứt nên thơ ông luôn chân chất khi được đặt chân đến với mỗi vùng đất của quê hương đất nước. Một chiều Tam Đảo mây giăng giăng, một thoáng Na Hang núi non trùng điệp, một tiếng đàn then vọng dưới mái nhà sàn cũng làm ông xao xuyến nhớ nhung và thơ cứ róc rách theo mạch nguồn ấy.

Ước sông Gâm chỉ tầy gang
Bắc cầu dải yếm cho nàng sang chơi
Tình tang say đến mê người
Tôi về vương vấn những lời hát then.

(Lời Then)

Thơ Nguyễn Hữu Dực tự hiện hai mảng sống từ cuộc đời ông. Một mảng thời ông mặc áo lính, một mảng giữa cuộc sống yên bình. Thơ là tấm lòng có mạch nguồn từ thời ông mặc áo lính nên dòng chảy trong thơ không có sự ồn ào, cuồn cuộn mà nó êm ắng nhưng ngọt ngào tha thiết. Đó cũng là tiếng vọng giữa: Về miền lau trắng đến Sông Lô gọi về. Nó tự nói tấm lòng ông với cuộc đời, với niềm đam mê thơ mà ông gọi là chốn nương náu bình yên nhất!.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục