Từ cá tính với tranh mộc bản
Nữ họa sĩ thường được gắn với hình ảnh nhẹ nhàng, nữ tính bên cây cọ, bảng màu. Ít ai nghĩ rằng có những người lại đam mê dao, búa và đục đẽo của mảng tranh khắc gỗ. Đôi tay họ không mềm mại vì phải dùng sức cho các nhát dao khắc lên gỗ, phải khiêng các tấm gỗ to gấp 3 lần mình. Và ngay cả công đoạn đơn giản nhất là dùng ru-lô (cây lăn mực) nặng hơn 1 kg chà mực lên các tấm gỗ cũng vô cùng nhọc nhằn.
Thế nhưng, họa sỹ trẻ sinh năm 1986 Trần Thu Hiền lại theo suốt tranh khắc gỗ từ thời sinh viên. “Quy trình sáng tạo tranh khắc gỗ là kết quả của một quá trình lao động công phu phức tạp; công việc khắc và in rất tỉ mỉ, khó khăn nhưng cũng rất hứng thú với người sáng tác vì thớ gỗ chất màu tạo nên những hiệu quả bất ngờ” - nữ họa sĩ chia sẻ.
Năm 2011, tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc lần thứ XVI, Nguyễn Hiền tạo ấn tượng với tác phẩm “Ám ảnh rừng cười”. Tác phẩm tranh khắc gỗ được dựa theo nội dung trong truyện ngắn “Người còn sót lại của rừng cười” của Võ Thị Hảo. “Rừng cười”, người đọc đã tưởng rằng là khu rừng của vui vẻ, hạnh phúc, mà hóa ra lại là khu rừng của chiến tranh tàn khốc. Họa sĩ Trần Thu Hiền đã cảm thấu được sự tàn khốc của chiến tranh, hy sinh mất mát của các cô gái thanh niên xung phong. Họ hy sinh tuổi xuân, tình yêu, tấm lòng trinh bạch nơi chiến trường. Bức tranh tái hiện nhân vật Thảo với nét khắc họa nội tâm giằng xé, khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống hiện tại bên người yêu là Thành.
Họa sỹ Trần Thu Hiền bên tác phẩm sơn mài.
Trước tác phẩm tranh khắc gỗ của Hiền, người xem có thể đứng hàng giờ mà ngắm, mà liên tưởng, mà bình.... Mỗi tác phẩm của toát lên tình cảm đối với nhân vật. Đó là sự nâng niu, chắt lọc từng nét, tìm hình kỹ lưỡng, với số lượng dáng người nhưng không một dáng nào giống nhau. Sự tỉ mẩn, cách tạo hình đẹp cả về nét, hình khối màu sắc thật khiến người ta phải nể phục, trầm trồ.
Tranh khắc gỗ của Trần Thu Hiền được các nhà phê bình hội họa đánh giá có nét khác biệt với nét khắc mạnh mẽ, cá tính, đặc trưng riêng. Nhiều tác phẩm gây cảm xúc mạnh như “Đối mặt”, tác phẩm đoạt giải C tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ XVII năm 2012; “Xuân về trên bản Há Hơ” đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tham dự Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2016; “Chiều Hậu Lộc”, “Vết thương của biển”... được tham dự Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa các nước Asean tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Hà Nội…
Tác phẩm “Xuân về trên bản Há Hơ” tạo được ấn tượng thị giác với người xem bởi nét khắc rất tinh tế, kỹ thuật tốt, cách tạo hình đẹp. Hình ảnh người đàn ông miền núi chăm chú xây tường nhà. Từ ánh mắt đến cử chỉ đều đặt trọn vào công việc mang theo một niềm hân hoan, vui mừng khi gia chủ sắp được đón Tết trong căn nhà mới.
Thoáng nhìn tranh khắc của Trần Thu Hiền, ta có thể nhận biết họa sĩ sử dụng dao xúc trực tiếp bằng tay với kỹ thuật xúc, xỉa, lượn, lắc, buông lơi, mau thưa… Người xem cảm nhận được khoảng đục bỏ, vừa thấy chất tạo tinh xảo, cảm xúc thăng trầm qua vết khắc. Ẩn hiện cảm hứng nhẹ nhàng, phóng khoáng mà lúc thì khỏe khắn, bạo dạn trào dâng của nữ họa sỹ trẻ tài năng.
Đến nét lãng du tranh sơn mài
Trần Thu Hiền sinh năm 1986, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chị là hội viên Phân hội Mỹ thuật Tuyên Quang từ năm 2012. Hiện chị là một họa sỹ sáng tác và dạy vẽ tự do tại Hà Nội. Tranh sơn mài, khắc gỗ là chất liệu đặc trưng của hội họa truyền thống có sự lôi cuốn đặc biệt với chị. Mỗi tác phẩm từ dòng tranh này thể hiện được hồn cốt văn hóa Việt, giàu tính biểu đạt, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh nhã vốn có.
Họa sỹ trẻ từng sáng tác nhiều tác phẩm tranh khắc gỗ, những năm gần đây Trần Thu Hiền trải nghiệm với thể loại tranh sơn mài. Trong hội họa, sơn dầu là vua còn sơn mài là biểu tượng nữ hoàng của các chất liệu truyền thống Việt. Sau khi vẽ rất nhiều lớp chồng lên nhau, rồi lại mài đi, mới ra được mảng màu mong muốn.
“Vừa vẽ vừa phải nín thở. Và có những lúc phải trả giá mới thành được tác phẩm mong muốn. Không như chất liệu nào muốn khô là phải phơi nơi khô thoáng, sơn mài muốn khô thì phải ủ rất lâu trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên, tạo độ ẩm” – Họa sĩ Trần Thu Hiền bộc bạch về nghề sơn mài nhọc nhằn, đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian để ủ tranh, hoàn thiện từng công đoạn.
Tác phẩm "Xuân về trên bản Há Hơ" của Trần Thu Hiền.
Đến với sơn mài chị vẽ về phong cảnh núi rừng, cây, hoa lá và người thiếu nữ. Các tác phẩm như: “Rốn tình”, “Rốn mây”, “Giấc mơ Thánh Gióng”, “Hoa mùa xuân”… đã toát lên cá tính trong sáng tác của chị. Khi xem tranh chị nhiều người nhận xét rằng, Hiền vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng, và thành công ở tranh trừu tượng hơn. Cảm quan tranh sơn dầu ở đây là sức biểu đạt trạng thái, không gian, thể chất chân thực, tinh tế, phong phú. Tranh phong cảnh của nữ họa sĩ giàu tính nam, gợi sự mạnh mẽ, đầy sức sống.
Tác phẩm “Dòng chảy thời gian”, mang đến cho người đọc sự bình yên, êm đềm phóng khoáng trong không gian hội họa của Trần Thu Hiền. Dưới gốc cây cổ thụ, cô thiếu nữ nằm nghiêng mình thoải mái hòa vào thiên nhiên một cách dễ chịu, an yên nhất. Chị thường nói vui: “Vẽ với tôi cần thiết và tự nhiên như hít thở. Và khi vẽ hãy để cho màu nó thở, bố cục thông thoáng dễ thở, đường nét, tối sáng, khối hình... đều phải thở thì bức tranh mới sống động, mới có sự sống”.
Cũng như tranh mộc bản thì vẽ tranh sơn mài mất nhiều thời gian, có muốn nhanh hơn cũng không được. Họa sỹ Trần Thu Hiền vẽ xong một lớp phải ủ khô, mài và cứ lặp lại như thế đến khi nào biểu màu, biểu cảm của tranh khiến chị hài lòng thì lúc đó, tác phẩm hoàn thành. Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm luôn phải chờ đợi. Sự chờ đợi rèn cho chị tính kiên trì, cho chị được hiểu bản thân rằng mình muốn gì và cần phải làm gì. Bức nhanh nhất phải mất 4 - 5 tháng, có bức tiêu tốn hàng năm trời nhưng với chất liệu sơn mài, điều này bình thường. Đó chính là giá trị của dòng tranh này.
Theo dòng chảy hiện đại người trẻ thường dễ cuốn theo những điều mới mẻ, tân tiến, thế nhưng đối với nữ họa sỹ Trần Thu Hiền cội nguồn trong mỗi nét vẽ từ tranh truyền thống mới thực sự làm chị tìm được nguồn năng lượng. Chị khẳng định rằng, tranh sơn mài, tranh khắc gỗ - một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo đã và đang chuyển mình hòa cùng thế giới hiện đại. Và càng tự hào khi ngày càng nhiều người trẻ như chị yêu thích và đồng hành trên con đường nghệ thuật của sự sáng tạo diệu kỳ và hấp dẫn này.
Gửi phản hồi
In bài viết